Bà già học chữ i tờ

Tả Phời là một xã miền núi nghèo khó nhất của thành phố Lào Cai. Ở đây đầy rẫy chuyện lạ, nhưng lạ nhất là chuyện đi học. Sáng - trẻ con lon ton đến lớp, tối - người lớn lục đục đến trường. Cứ thế chuyện học ở đây kéo dài từ 7h đến tận… 22h.

Để cái chữ “thấp thoáng” được ở các thôn vùng cao của Tả Phời như bây giờ là những cố gắng đến khó tin của chính quyền, người dân… trong cuộc “chiến đấu” với những khó khăn, hủ tục…

Một lớp học đặc biệt vừa được khai giảng ở Tả Phời. Người đứng lớp vẫn là các thầy giáo dạy bọn trẻ con trong xã, còn “học sinh” là các bà, các mẹ, các cô dì và cả bố của chúng. Họ là những “chiến binh” quyết đuổi “giặc” dốt ra khỏi Tả Phời.

Cái bụng đã biết đói chữ

Lớp học được đặt ở thôn Phìn Hồ. 19h là giờ vào lớp. 18h53, thầy giáo Lê Văn Hường và “trợ giảng” Chảo Ông Chẳn bước vào, trong lớp mới vẻn vẹn 4 học viên. Thầy Hường bảo: “Đã gần 3 tuần kể từ buổi học đầu tiên nhưng chưa có buổi nào lớp đủ sĩ số 30 cả. Rất đông học viên nữ đến lớp, những người vắng mặt thường là các nam học viên”.

Thầy Hường vừa dứt lời thì lớp có thêm 2 học viên bước vào. Học viên lớn địu học viên bé ở trên lưng, đó là hai mẹ con nhà Chảo Diết Quáng. Quáng rối rít xin lỗi thầy giáo vì đến muộn rồi chọn chỗ ngồi ngay bàn đầu gần cửa ra vào của lớp học. Thằng bé con Quáng chừng hơn một tuổi ngoái đầu sang trái, rồi lại ngoặc cổ sang phải ngó nghiêng nhưng không ậm ạch tiếng nào khi mẹ nó bắt đầu lấy sách ra đặt lên bàn học.

Bình thường, gia đình nhà Quáng có đến 3 thành viên đi học, nhưng hôm nay chồng Quáng không đến lớp. Thầy giáo hỏi: “Sao chồng không đi học?”. Quáng đáp: “Nó đi làm”. Như đã quen với lý do các nam học viên vắng học, thầy Hường hỏi tiếp: “Lại đi uống rượu à?”. Quáng vẫn một mực không nhận chồng mình đi uống rượu: “Không, đi làm nương”. Đi nương vào lúc bảy giờ tối kể cũng tài thật, thầy giáo chỉ còn biết thở dài rồi quay về phía bục giảng.

Buổi học bắt đầu với việc trợ lý Chảo Ông Chẳn nắn nót những con chữ a b c lên bảng. Chẳn mới tốt nghiệp CĐSP, đang trong thời gian chờ việc nên đến lớp vừa để học hỏi kinh nghiệm giảng dạy, vừa giúp đỡ thầy Hường làm phiên dịch với các học viên. Khi Chẳn dứt xong nét chữ y trên bảng, ghế trong lớp học đã gần được lấp đầy. Thành viên đến lớp muộn nhất tối hôm đó là Chảo Nụ Phin - 22 tuổi, một trong ba nam học viên của lớp học.

Phin đến lớp muộn gần một tiếng đồng hồ, Phin bảo ở nhà có việc phải làm xong mới đi học được. Tôi hỏi: “Muộn thế sao không ở nhà luôn đi?”. Phin đáp: “Trước em có đi học nhưng không chăm chỉ, không học được nhiều. Bây giờ thấy không biết chữ thì rất khó khăn, không biết tính toán, làm ăn rất khó”. Chốt sĩ số của cả lớp hôm đó là 29 học viên, trong đó có 3 nam và 3 em bé được địu trên lưng mẹ. Ở bên ngoài, lố nhố đến gần chục đứa trẻ từ tầm tuổi mẫu giáo cho đến lớp 4 - lớp 5 đứng “tham quan” lớp học.

Bà già học chữ i tờ - 1

Bà Chảo Mùi Ghển (47 tuổi) mới biết viết tên mình sau 3 tuần đến lớp.

Xét về kỷ luật lớp học, phải nói rằng đây là một lớp học rất mất trật tự. Trừ khi thầy giáo tập trung cả lớp đồng thanh đọc trên bảng, còn không, mỗi học viên ôm một quyển sách cúi gằm xuống đọc mỗi người một phách. Thi thoảng lại có tiếng trẻ con oe oé đòi ti mẹ trong lớp. Phía ngoài cửa, khách “tham quan” cũng nhộn nhạo không kém. Thậm chí có đứa lớn còn nhảy bổ vào trêu em bé trên lưng Chảo Diết Quáng.

Nhưng có một điều không thể phủ nhận, đó là sự ham học của các học viên. Họ đánh vần một cách say mê, vướng chỗ nào nhờ thầy chỉ ngay chỗ ấy. Giờ đánh vần cả lớp đồng thanh hô to mỗi khi thước kẻ của thầy giáo chỉ đến con chữ. Sự say mê học tập còn thể hiện ở những chiếc ghế bé xíu dành cho học sinh lớp 1 được lấp đầy gần hết.

Sau khi có kế hoạch mở lớp, các thầy cô giáo của Trường Tiểu học - THCS số 1 Tả Phìn đã đến các gia đình lập danh sách người chưa biết chữ, vận động đồng bào đi học. Trẻ con đi học còn được tiền trợ cấp hằng tháng, nhưng người lớn chả được đồng nào. Ấy thế mà đồng bào vẫn tự nguyện rủ nhau đến lớp để ê a từng con chữ. Chắc hẳn, ở cái chốn có độ cao trung bình 980m so với mặt nước biển này, những phụ nữ đầu hai thứ tóc hay những học viên địu con trên lưng đi học không phải để kiếm tấm bằng phổ cập. Họ đến lớp theo đúng nghĩa đen của câu nói “học để ấm vào thân”.

Thầy giáo Lê Văn Hường cho hay: “Đây là lớp học thứ nhất của chương trình dạy học xoá mù chữ đợt này. Học viên chủ yếu là đồng bào người Dao đỏ. Đồng bào giờ chăm chỉ đi học lắm, sau khi được vận động đều tự nguyện hăng hái đến lớp. Vùng này còn khó khăn, nhưng đồng bào đã nhận thấy cái bụng không chỉ đói cơm, đói gạo mà còn đói cả cái chữ nữa”.

Đây cũng là lần thứ hai các lớp học xoá mù chữ được mở ở xã Tả Phời. Lần đầu của chiến dịch diệt “giặc” dốt đã diễn ra cách đây 15 năm. Khi đó, gần 400 đồng bào trong xã đã đến lớp học để biết mặt cái chữ.

Học để con cháu không xấu hổ

Vào lớp học rồi nhưng các học viên vẫn không tháo “vòng kim cô” có đèn pin trên đầu ra. Hai bóng đèn lay lắt treo trong lớp học quả là không thể rọi sáng đến tận bàn học. Đấy là tuần trước, thầy Hường đã tăng cường thêm một bóng đèn tiết kiệm điện, chứ như trước chỉ có một bóng đèn tròn và sức điện chập chờn, học sinh ngồi bàn cuối nhìn mặt thầy giáo còn khó nói gì đến đọc được chữ trên bảng.

Bà già học chữ i tờ - 2

Khi gặp từ chưa hiểu, các học viên ngay lập tức nhờ thầy giáo giúp đỡ.

Chảo Mùi Ghển - một nữ học viên - luôn bật sáng choang đèn pin trên đầu để soi vào từng trang sách. Ở cái tuổi 47, bà Ghển đã có con gái lớn lấy chồng, chuẩn bị được thăng chức bà nhưng cho đến bây giờ, người phụ nữ này mới lần đầu tiên trong đời tự đánh vần và viết được tên mình. Tôi nhờ người phụ nữ đầu hai thứ tóc ấy viết tên vào cuốn sổ ghi chép. Bà che miệng cười hô hô bảo chữ cô xấu lắm nhưng vẫn cầm bút bi háo hức viết. Nhưng cái trò sắp xếp những con chữ cái thành các từ có nghĩa không đơn giản tẹo nào. Phải mất hơn 3 phút, cái tên Chảo Mùi Ghển mới hiện lên xiên xẹo trên trang giấy. Bà Ghển nở nụ cười rất vô tư rồi khoe: “Đấy, tên cô đấy, Chảo Mùi Ghển”.

Thắc mắc tại sao sắp thành bà ngoại đến nơi rồi còn đi học i tờ? Bà Ghển trả lời bằng một câu chuyện: Nhà bà có cửa hàng tạp hoá nho nhỏ ở Tả Phìn - ở một góc độ nào đó thì có thể gọi là bà chủ. Vậy nhưng bà chủ này lại mù chữ, cầm tờ tiền mua bán biết giá trị ra sao là nhờ vào màu sắc của đồng tiền ấy, chả khác gì người khiếm thị nhận biết tiền qua dấu hiệu đặc biệt. Rồi bà thấy những người bán hàng khác người ta ghi ghi chép chép, tính toán vào quyển sổ con con. Bà thích lắm nhưng chịu.

Rồi xuống núi lấy hàng lên bán bà chủ còn gặp phải chuyện oái ăm hơn. Ở dưới thấp, người ta ghi giá cả trên hàng hoá nhưng khốn nỗi bà cũng không đọc được. Thế là bà chủ Ghển phải hỏi người ta. Lúc vắng khách thì không sao, người ta trả lời, còn khi đang bận túi bụi người ta vặt lại: “Không biết nhìn à?”. Khi ấy, bà Ghển lại nghệt ra đáp lại rất thật: “Ô, có đi học đâu mà biết nhìn?”.

Bà Ghển có 6 đứa con đều được đi học hết nhưng người đầu tiên khuyên bà đến lớp lại là chồng. Ông bảo già rồi càng phải đi học, không thì không bán hàng được.

Cắp sách đến lớp, nhớ mặt được bảng chữ cái rồi bà Ghển lại đâm ra thích học. Bà vui ra mặt khi về nhà lần đầu tiên viết được tên mình. Bà Ghển khoe với chúng tôi: “Giờ cô biết đánh vần và viết tên hết mọi người trong nhà rồi. Con cháu đi học cả mình lại không biết chữ thì xấu hổ lắm”.

Trong lớp, không thiếu những học viên đã và sắp lên chức bà như bà Ghển. Như bà Lý Mùi Quáy có con đi học cao đẳng mầm non nhưng mẹ ở nhà vẫn mù chữ. Khi biết có lớp học này, bà Quáy tự nguyện đăng ký tham gia ngay để “con gái không phải xấu hổ vì mẹ nó”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vinh Hải (Lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN