Ai chiếm sân trường?

Rất nhiều trường học ở Hà Nội đang biến thành nơi trông giữ xe ô tô cho "khách”. Giá trông giữ khoảng từ 600.000 - 1,2 triệu đồng/ tháng. Có những chiếc được phủ bạt kín mít choán chỗ sân trường cả ngày lẫn đêm. Ai đang chiếm sân trường là việc cần làm rõ và xử lý dứt điểm, trả lại chỗ vui chơi cho học sinh.

Và liệu đây có phải lý do khiến lãnh đạo một số trường phản ứng gay gắt trước ý kiến - có tư cách cá nhân - của Phó Chủ tịch UB An toàn giao thông Nguyễn Hoàng Hiệp: xem lại tuổi người được điều khiển xe máy. Bởi nếu Luật điều chỉnh cho học sinh đủ tuổi 15 đi xe máy đến trường, để xe trong sân trường, nhiều trường chắc "lỗ to” vì mất chỗ để ô tô cho khách!

Được biết, mới đây trên 61% số người tham gia cuộc thăm dò lấy ý kiến phục vụ sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ chăm sóc trẻ em ủng hộ độ tuổi trẻ em là dưới 18 thay vì 16 như trước đây, thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào việc xây dựng luật pháp, chính sách liên quan đến trẻ em… Vậy đề xuất xem tuổi nào thì được đi xe máy cần bàn bạc thấu đáo, thay vì để học sinh lách Luật, để nhà trường "bó tay” như hiện nay.

Ai chiếm sân trường? - 1

Xe ô tô đỗ trong sân trường THPT V.Đ Hà Nội 10 giờ sáng 17/5 - Ảnh: Tuấn Việt

Điều cần phê phán mạnh, cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng lúc này chính là chuyện sân trường - nơi dành cho học sinh vui chơi, đang bị chiếm dụng. ở một số trường thuộc quận Đống Đa, Cầu Giấy, kể cả Hoàn Kiếm đang án ngữ quá nhiều ô tô gửi tại sân và không một em học sinh nào dám lại khu vực này chơ.

Có trường lý giải, ban đêm sân trường trống nên cho phép nhân viên bảo vệ được phép trông giữ xe sau khi học sinh tan học và trước khi học sinh đến học. Tuy nhiên 10 giờ sáng hôm 17-5, sân trường V.Đ không hề vắng bóng ô tô (xem ảnh). Thấy sân chơi học sinh biến thành bãi để xe, nhiều phụ huynh bức xúc nhưng phải ý tứ, nói ra sợ con bị thù.

Trường THCS Ba Đình tháng 4 vừa qua xảy ra sự cố ô tô mất lái va quệt trong sân trường, đã báo động nguy cơ để xe "vô tội vạ”. Vụ này không gây thiệt hại về người nhưng ai biết vụ khác học sinh không dễ chết oan? Đáng nói là chính quyền thành phố, Sở GD&ĐT Hà Nội đến nay chưa có quy định rõ ràng nên việc này vẫn do các trường quyết định, tự chịu trách nhiệm.

Được biết cán bộ Sở này cũng có người đang gửi ô tô tại trường gần Sở, nay ra quy định e "há miệng mắc quai”. Nhưng một khi thầy cô "phạm luật” kiểu đó, dễ gì phê được học sinh phạm Luật Giao thông mỗi khi các em đi xe máy?

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Lê Minh (Đại đoàn kết)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN