Facebook bị tố gây tác động tới cuộc bầu cử tổng thống Mỹ

Nhiều người Mỹ cho rằng những nội dung mà Facebook lựa chọn hiển thị trên News Feed đã gây tác động tới cuộc bầu cử vừa qua.

Theo Business Insider, trong cuộc bầu cử tổng thống thứ 45 của nước Mỹ, Facebook đã có xu hướng hiển thị những gì liên quan tới nội dung mà người dùng nhấn thích, mà không hề phân biệt giữa nội dung mang tính chân thật và hư cấu. Điều này khiến nhiều người đổ lội cho Facebook trong việc gây ảnh hưởng tới kết quả bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua.

Facebook bị tố gây tác động tới cuộc bầu cử tổng thống Mỹ - 1

Những lời phàn nàn về tác động của Facebook trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ lần thứ 45.

Cơ chế này được gọi là "bộ lọc bong bóng", ngụ ý nói mạng xã hội chỉ chọn lọc những nội dung mà chúng ta "thích" chứ không phải những nội dung mà chúng ta cần. Vấn đề này này cũng đã được tác giả Eli Pariser phân tích chuyên sâu trong cuốn sách "The Filter Bubble: What the Internet Is Hiding from You" bán chạy nhất năm 2011 (Bộ lọc bong bóng: Internet đang giấu bạn những gì?).

Ông Pariser đưa ra ví dụ: Người dùng Facebook chỉ thấy bạn bè của mình qua các nội dung trong “Top Stories”. Eli Pariser cũng cho rằng, khi người dùng ngày càng có thói quen lấy tin tức từ các kênh xã hội gián tiếp, thì xu hướng này có thể cô lập và phá hủy thế giới cảm quan của họ.

Trong cuốn sách của mình, Pariser thậm chí dự đoán các bộ lọc này có thể gây ảnh hưởng đến vấn đề dân chủ. Ông viết: "Dân chủ chỉ có thể hoạt động nếu mọi công dân đều có khả năng suy nghĩ vượt ra ngoài phạm vi của cái tôi cá nhân. Tuy nhiên, các bộ lọc bong bóng thúc đẩy chúng ta theo hướng ngược lại. Nó vô hình chung khiến chúng ta nghĩ rằng cái tôi cá nhân của chúng ta là tất cả những gì đang tồn tại. Nó gây ảnh hưởng lớn đến việc đưa ra các quyết định".

Theo Pariser, khi ai đó chia sẻ một câu chuyện chính trị phù hợp với thế giới quan của một người nào đó, dù câu chuyện hoàn toàn sai thì người này vẫn sẽ thấy nó xuất hiện trên News Feed.

Cũng theo cơ chế của bộ lọc bong bóng, News Feed có thể sẽ khiến người dùng bỏ qua những bài đăng vạch trần các câu chuyện sai sự thật. Nó cũng có thể bỏ qua nhiều sự kiện quan trọng, không loại trừ những thông tin có thể gây ảnh hưởng đến quyết định bầu cử của người Mỹ.

Trong một báo cáo mới đây từ hãng nghiên cứu thị trường Pew Research, 63% người lớn ở Mỹ sử dụng Facebook như một nguồn tin quan trọng khi có sự kiện gì đó xảy ra mà chỉ thông qua các hình ảnh do người thân, bạn bè chia sẻ.

Facebook bị tố gây tác động tới cuộc bầu cử tổng thống Mỹ - 2

Mark Zuckerberg - CEO của Facebook.

Trước các thông tin trên, Facebook từ chối nhận trách nhiệm này về mình. Trước đó, vào tháng 8, Giám đốc điều hành của Facebook - Mark Zuckerberg đã từng nói: "Chúng tôi là một công ty công nghệ, không phải công ty truyền thông. Khi bạn nghĩ về công ty truyền thông, đó là những người người sản xuất, biên tập nội dung, song đó không phải là chúng tôi".

Theo Mark Zuckerberg, Facebook tồn tại để cung cấp cho người dùng những công cụ sắp xếp và có trải nghiệm như mong muốn; kết nối con người, doanh nghiệp và các tổ chức trong một thế giới mà họ mong muốn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngọc Phạm ([Tên nguồn])
Mạng xã hội Facebook Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN