Tiêu thụ 5 tỷ bao thuốc lá 1 năm: Sẽ tăng thuế?

Các chuyên gia y tế kiến nghị Quốc hội cân nhắc tăng mức thuế thuốc lá.

Tại hội thảo Đại biểu Quốc hội với chính sách, pháp luật về thuế thuốc lá tối 3/11, các chuyên gia y tế lo ngại, gánh nặng bệnh tật do thuốc lá trong tương lai sẽ rất nặng nề.

Theo các chuyên gia, hiện hệ thống y tế của Việt Nam đã quá tải; người bệnh tim mạch, ung thư nằm ghép 4-5 người/giường bệnh. Gánh nặng bệnh tật do thuốc lá trong tương lai sẽ rất nặng nề.

Tiêu thụ 5 tỷ bao thuốc lá 1 năm: Sẽ tăng thuế? - 1

Ảnh minh họa (Nguồn: Vneconomy)

Năm 2013, Việt Nam tiêu thụ 5 tỷ bao thuốc lá. Khoảng 20-30 năm nữa, hậu quả do thuốc lá sẽ rất nghiêm trọng. Cùng với già hóa dân số, các bệnh ung thư, chuyển hóa, tim mạch rất nặng nề, tốn kém.

Ông Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, tăng tuổi thọ ở Việt Nam là kết quả nhiều biện pháp áp dụng trong những năm qua như: dinh dưỡng, vệ sinh, tiến bộ trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em... Tuy nhiên, thuốc lá đang kéo ngược lại chỉ số này nhưng lực kéo chưa đủ mạnh.

Chuyên gia kiến nghị Quốc hội cân nhắc đề xuất tăng mức thuế thuốc lá cho phù hợp.

Tại Dự án luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) được Quốc hội cho ý kiến, mức thuế với thuốc lá được đề xuất tăng từ 65% lên 70% vào năm 2016 và tăng lên 75% vào năm 2019.

Ông Nguyễn Văn Tiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội cho rằng, mức tăng đề xuất này quá quá khiêm tốn.

Tiêu thụ 5 tỷ bao thuốc lá 1 năm: Sẽ tăng thuế? - 2

Ông Nguyễn Văn Tiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội

“Mức đề xuất tăng thuế thuốc lá là một vấn đề được các Đại biểu cân nhắc. Mức đề xuất của Chính phủ quá thấp, cái được lớn nhất là đem lại lợi ích chung, vì lợi ích sức khỏe của người dân”, ông Tiên nói.

Hầu hết các đại biểu đều đồng tình với chủ trương tăng thuế nhưng cho rằng mức tăng như dự thảo đề xuất “quá thấp, không có gì đặc biệt, tăng quá chậm”.

Đại biểu Đặng Đình Luyến, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đặt câu hỏi với đại diện Bộ Tài chính- ban soạn thảo: “Tại sao lại tăng rụt rè như thế, tăng 5% vào năm 2016 đến năm 2019 tăng tiếp 5%; như vậy cả giai đoạn chỉ tăng 10%”.

Đại biểu Trương Minh  Hoàng, Phó đoàn đại biểu Quốc hội Cà Mau cũng đặt chung câu hỏi lý do Bộ Tài chính đưa ra lộ trình tăng khiêm tốn như vậy.

Ông đề nghị các chuyên gia Bộ Y tế, WHO phân tích thêm tuổi thọ người Việt Nam tăng lên, như vậy tác động của thuốc lá ở đây là như thế nào, sống thọ nhưng có sống khỏe.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh), hàng năm ước tính có 40.000 người chết liên quan đến thuốc lá. Chúng ta phải làm sao để người bệnh chết do ung thư, các bệnh khác phải cảm thấy sợ hãi như chết do tai nạn giao thông.

Sáng nay (4/11), Quốc hội thảo luận tổ về nội dung trong Dự án luật sửa đổi Thuế tiêu thụ đặc biệt. 

Tại buổi họp, đại diện của Bộ Tài chính lý giải, ban đầu ban soạn thảo đưa ra phương an tăng thuốc lá theo lộ trình tăng 10% vào năm 2015 và đến 2018 tăng tiếp 10%. Tuy nhiên, nhiều thành viên Chính phủ đề nghị nên cân nhắc lộ trình tăng thuế phù hợp.

Nếu tăng như đề xuất có thể làm giá thuốc lá tăng cao, người tiêu dùng sẽ chuyển sang tiêu dùng thuốc lá nhập lậu, ảnh hưởng đến thu ngân sách. Vì thế, Chính phủ trình Quốc hội phương án tăng thấp hơn, chỉ tăng 5% vào năm 2016, sau đó tăng tiếp 5% vào năm 2019.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN