Tại sao 2 tuần làm việc đầu tiên rất quan trọng đối với nhân viên mới?

Thứ Ba, ngày 17/11/2015 13:05 PM (GMT+7)
Chia sẻ

Chúng ta thường nghe câu: “Ấn tượng đầu tiên cũng là ấn tượng cuối cùng của bạn”. Điều này thực sự rất đúng trong trường hợp bạn là “tân binh” của một công ty.

Theo một cuộc khảo sát gần đây do Công ty công nghệ giáo dục Fullbridge (Mỹ) thực hiện với 319 quản lý ở các công ty có doanh thu trên 1 tỷ USD/năm, 27% quản lý nghĩ rằng chủ sử dụng lao động hình thành đánh giá ban đầu về việc liệu nhân viên mới có thành công hay không chỉ trong hai tuần làm việc đầu tiên của họ.

Vậy làm thế nào bạn chứng tỏ cho các đồng nghiệp và sếp của bạn rằng bạn đã sẵn sàng cho công việc? Để chứng minh với sếp của bạn rằng họ đã chọn đúng người, tất cả những gì bạn cần là hoàn thành tốt hai tuần làm việc đầu tiên theo cách dưới đây:

Ghi chú mọi thứ

Trong hai tuần làm việc đầu tiên, bạn sẽ bị “dội bom” với đủ loại thông tin về công việc của bạn chẳng hạn cách để nói đúng theo ngôn ngữ của công ty và thuật ngữ liên quan đến công việc, phải ưu tiên nhiệm vụ nào, phải gặp ai nếu cần hỗ trợ...

Bita Goldman, Phó Chủ tịch phụ trách hoạt động của Quantum Networks, một công ty bán lẻ trực tuyến ở New York kêu gọi tất cả nhân viên mới phải ghi chú mọi thứ.

Bà nói: “Không có cách nào bạn sẽ nhớ hết tất cả. Khi ngồi vào bàn làm việc, hãy nhanh chóng ghi chú tên của những người bạn vừa gặp để lần sau bạn có thể gọi đồng nghiệp bằng tên của họ”.

Bằng cách nhanh chóng thích nghi với tổ chức và nhớ tên đồng nghiệp, bạn sẽ nhanh chóng xác lập được bản thân là người chuyên cần học hỏi và dễ mến, hai phẩm chất quan trọng nhất của một nhân viên mới.

Làm quen với mọi người ở các phòng ban khác

Là một nhân viên mới, bạn có thể sẽ hướng đến những người giống bạn chẳng hạn như cùng tuổi tác, làm cùng phòng... Tuy nhiên, việc thiết lập quan hệ với những người hoàn toàn khác bạn, chẳng hạn người ở các phòng ban khác, có thể giúp thuận lợi cho công việc của bạn.

Phó Giáo sư Keith Rollag, Chủ tịch bộ phận quản lý của Đại học Babson ở Wellesley, bang Massachusetts đã nghiên cứu trong 20 năm qua về các thách thức của một nhân viên mới tại nơi làm việc.

Trong cuốn sách mới phát hành có tựa đề “Làm gì khi bạn là nhân viên mới?”, ông đã trình bày chi tiết của kết quả nghiên cứu của ông bao gồm các lời khuyên về việc nói chuyện với người lạ trong công ty.

Ông nói: “Hãy giới thiệu bạn với những người trong các phòng ban khác cũng như các quản lý hành chính của công ty và bất kỳ ai mà bạn nghĩ rằng bạn sẽ tương tác với họ trong tương lai”.

Bằng cách giao tiếp với tất cả mọi người từ các phòng ban khác ngay từ đầu, bạn sẽ được mọi người trong công ty nhìn nhận rằng bạn là người có thể dễ tiếp xúc. Trong quá trình làm việc, nếu bạn sẽ được giao thực hiện một dự án có liên quan đến nhiều ban khác nhau, bạn sẽ dễ dàng nói chuyện với những người ở các phòng ban đó vì bạn đã có tiếp xúc làm quen với họ từ trước.

Hãy đặt câu hỏi

Là một nhân viên mới, bạn sẽ được các đồng nghiệp cung cấp một núi thông tin về công ty và công việc của bạn. Thay vì thụ động lắng nghe, bạn hãy đặt thật nhiều câu hỏi vì điều này chứng tỏ rằng bạn chú trọng chất lượng công việc của bạn và cho thấy bạn không rụt rè.

Chẳng hạn, nếu bạn biết một thành viên trong đội sản xuất sẽ báo cáo những gì anh ta sẽ làm hàng ngày, bạn hãy tìm hiểu trước về sản phẩm của công ty và chuẩn bị một số câu hỏi để về sản phẩm đó.

Chuyên gia về nghi thức xã giao trong doanh nghiệp Diane Gottsman nói: “Một số nhân viên mới ngại phát biểu hoặc đặt câu hỏi vì sợ mọi người đánh giá họ thiếu thiếu kinh nghiệm. Trái lại, quá trình đào tạo khi mới vào làm việc là thời gian giúp bạn được bị kiến thức và được rèn luyện tốt”.

Chia sẻ
Theo Khánh Lan (infonet.vn)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN