Hết ưu đãi phí trước bạ, xe nhập lại lấn át xe nội?

Sự kiện: Mua bán ô tô

Nhiều nhận định cho rằng, khi ưu đãi lệ phí trước bạ hết hiệu lực, ô tô nhập khẩu sẽ lại áp đảo doanh số so với xe sản xuất lắp ráp trong nước.

Các mẫu xe sản xuất, lắp ráp đang có lợi thế khi được giảm 50% phí trước bạ...

Các mẫu xe sản xuất, lắp ráp đang có lợi thế khi được giảm 50% phí trước bạ...

Từ 1/1/2021, Nghị định 70 về ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ hết hiệu lực. Nhiều nhận định cho rằng, khi đó ô tô nhập khẩu sẽ quay lại áp đảo doanh số so với xe sản xuất lắp ráp trong nước. Tuy nhiên, thực tế có phải như vậy?

Nhờ ưu đãi, xe lắp ráp áp đảo xe nhập khẩu

Trước tác động của dịch Covid-19, việc giảm 50% lệ phí trước bạ với các mẫu xe nội đã giúp kích cầu khách hàng mua xe sản xuất trong nước, gián tiếp tạo lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp.

Theo báo cáo từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tính đến hết tháng 10/2020, doanh số xe bán ra tại thị trường Việt Nam đạt 212.409 chiếc. Trong đó, xe lắp ráp đang áp đảo với 134.212 xe, chiếm 63%. Ô tô nhập khẩu bán ra 78.197 chiếc, chỉ chiếm 37%.

Tỷ lệ 63/37 đã cho thấy sự thắng thế tuyệt đối của các mẫu xe nội trong năm 2020, khác xa so với tình hình của năm 2019, khi tỷ trọng thị phần giữa hai dòng xe gần như cân bằng (58/42).

Theo dự báo, tỷ lệ chênh lệch về thị phần giữa xe nhập khẩu với lắp ráp sẽ còn gia tăng trong 2 tháng cuối năm khi thời hạn áp dụng quy định giảm 50% phí trước bạ cho xe nội sắp hết hạn (31/12/2020).

Theo nhận định của một số chuyên gia, nhờ ưu đãi hỗ trợ lệ phí trước bạ từ Chính phủ trong khoảng nửa cuối năm 2020, thị trường ô tô, đặc biệt là xe sản xuất lắp ráp đang tăng trưởng doanh số rất tốt. Nếu thị trường tiếp đà sôi động như hiện nay thì mức sụt giảm doanh số so với năm 2019 sẽ thấp hơn so với dự báo từ đầu năm.

Trên thực tế, giá ô tô nhập khẩu so với lắp ráp hiện nay cũng không chênh lệch quá nhiều, đặc biệt đối với xe nhập từ các nước trong ASEAN như Thái Lan hay Indonesia.

Ví dụ: Subaru Forester nhập Thái Lan có giá từ 1,128 - 1,288 tỷ đồng, cao hơn đôi chút so với các mẫu xe đối thủ lắp ráp trong nước như Honda CR-V hay Hyundai SantaFe... Thậm chí, các mẫu xe MPV nhập khẩu hiện nay cũng có giá bán và chất lượng ngang với xe sản xuất, lắp ráp trong nước, chỉ từ 500 đến khoảng 650 triệu đồng.

Xe nhập tốt hơn xe nội chỉ là “vấn đề tâm lý”?

Chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng nhận định, giảm lệ phí trước bạ chỉ ảnh hưởng đến doanh số xe nhập khẩu có giá trị thấp. Còn đối với xe nhập khẩu có giá bán trung bình hoặc cao thì không ảnh hưởng nhiều. Vì vậy, nếu hết ưu đãi giảm lệ phí trước bạ cũng không tác động nhiều đến doanh số ô tô nhập khẩu nói chung.

“Một thách thức với các nhà sản xuất trong nước là nhiều người tiêu dùng vẫn còn tâm lý chất lượng xe nhập khẩu tốt hơn, nội thất đẹp hơn nên phần nào đó vẫn được ưa chuộng hơn”, ông Đồng chia sẻ.

Vì thế theo ông Đồng, để cạnh tranh tốt hơn với xe nhập khẩu, xe lắp ráp phải tăng chất lượng và trang bị. Người tiêu dùng thấy xe Việt Nam sản xuất lắp ráp đáp ứng các tiêu chuẩn tương đương xe nhập khẩu thì đương nhiên họ sẽ lựa chọn.

Theo một số chuyên gia, “chất lượng xe nhập khẩu tốt hơn lắp ráp” chỉ là tâm lý. Bởi trên thực tế, hiện tất cả các hãng dù lắp ráp ở Việt Nam đều phải tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng cung ứng toàn cầu nghiêm ngặt.

Đồng quan điểm, một chuyên gia cho rằng hiện nay, tâm lý của nhiều khách hàng vẫn chuộng xe nhập khẩu hơn vì nghĩ chất lượng tốt hơn xe lắp ráp. Nếu số lượng mẫu xe nhập khẩu cân bằng với xe lắp ráp, đa dạng sự lựa chọn hơn mà giá bán cũng gần tương đương xe lắp ráp như hiện nay thì thậm chí cán cân có thể sẽ nghiêng hẳn về phía ô tô nhập.

Tuy nhiên, do số lượng mẫu xe nhập hiện nay ít hơn hẳn, cộng với việc nhiều hãng đang đẩy mạnh sản xuất lắp ráp nên dù hết ưu đãi giảm lệ phí trước bạ, xe nhập khẩu có thể tăng trưởng đôi chút chứ không thể áp đảo xe sản xuất trong nước.

“Cá nhân và doanh nghiệp đều mong muốn có hỗ trợ chính sách để giá thành xe rẻ hơn. Ví dụ như miễn thuế tiêu thụ đặc biệt hay một loại thuế nào đó để doanh nghiệp giảm được chi phí, đồng nghĩa với giảm giá thành. Hoặc có thể hỗ trợ lệ phí trước bạ tiếp cho xe sản xuất lắp ráp trong nước”, vị chuyên gia nêu quan điểm.

Ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng tiểu ban Chính sách của VAMA cho rằng, nếu ưu đãi giảm lệ phí trước bạ hết hiệu lực, cán cân giữa xe lắp ráp và nhập khẩu sẽ quay trở lại như trước đây, không có gì thay đổi. “Để xe lắp ráp cạnh tranh tốt hơn, cần có những chính sách dài hạn, ổn định để doanh nghiệp yên tâm đầu tư phát triển”, ông Hiếu nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Điểm qua những mẫu xe đạt 5 sao trong danh sách EURO NCAP

Euro NCAP vừa công bố kết quả kiểm tra an toàn của một loạt xe mới ra mắt trong năm nay. Trong đó có những cái tên đáng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Tùng ([Tên nguồn])
Mua bán ô tô Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN