DANH MỤC

Nóng bỏng cuộc đua lãi suất tiết kiệm: Sướng như mang tiền gửi ngân hàng

Trước sự biến động của thị trường vàng và chứng khoán, chững lại của BĐS, gửi tiết kiệm trở thành kênh đầu tư sinh lời nhất kể từ đầu năm đến nay. Nhiều người hoan hỉ vì sử dụng dòng tiền nhàn rỗi đúng kênh, đúng thời điểm nên chỉ việc “ngồi mát ăn bát vàng”. Nhưng nhiều người cũng tiếc nuối vì mất số tiền lớn do chênh lệch lãi suất sau mỗi đợt điều chỉnh lãi tiết kiệm của các nhà băng.

“Sốt sình sịch” với chuyện gửi tiền ngân hàng nào

Biểu lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng thương mại tính từ đầu tháng 10 ghi nhận xu hướng tăng rất mạnh. Hiện mức lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng cao nhất lên tới 8,7%/năm.

Trong bối cảnh những kênh đầu tư từng mang lại mức sinh lời cao như chứng khoán, vàng và BĐS rơi vào trầm lắng thì gửi tiết kiệm trở thành kênh đầu tư hút lượng tiền lớn trong dân thời gian qua khi cuộc đua tăng lãi suất tiết kiệm giữa các ngân hàng đang diễn ra kịch tính.

Ngay đầu tháng 10 hàng loạt ngân hàng tiếp tục điều chỉnh tăng mạnh lãi suất tiết kiệm

Ngay đầu tháng 10 hàng loạt ngân hàng tiếp tục điều chỉnh tăng mạnh lãi suất tiết kiệm

Theo đó, sau đợt tăng lãi tiết kiệm được các ngân hàng công bố ngày 23/9, biểu lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng thương mại đầu tháng 10 tiếp tục ghi nhận xu hướng tăng rất mạnh khi mức lãi tiết kiệm trên 8%/năm trở nên phổ biến ở nhiều kỳ hạn.

Mấy ngày nay chị Thu Hương (Đống Đa – Hà Nội) thường xuyên mất ăn mất ngủ mỗi khi cùng những người đồng nghiệp bàn luận về sự biến động của lãi tiết kiệm ngân hàng thời gian gần đây.

Chị Hương cho biết sau khi dừng kế hoạch đầu tư đất hồi tháng 4, gia đình chị đã quyết định mang 1,2 tỷ đồng để gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng với lãi suất cuối kỳ là 6,5%/năm. Ở thời điểm đó, mức lãi suất này thuộc diện cao nhất khối ngân hàng, tuy nhiên với việc các nhà băng liên tục điều chỉnh tăng lãi suất huy động gần đây khiến những người gửi tiền sớm như chị Hương bị thiệt hại đáng kể do chênh lệch lãi suất huy động.

“Có tiền gửi ngân hàng mà cũng muốn đau tim. So với người gửi tiết kiệm cùng số tiền ở thời điểm này, tôi mất cả triệu đồng đồng mỗi tháng” - chị Thu Hương (Đống Đa – Hà Nội)

Theo khảo sát, hiện mức lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng cao nhất lên tới 8,55%/năm, tương đương khoản gửi tiết kiệm của chị Hương hiện đang có chênh lệch lãi tiết kiệm là 2,05%/năm (chênh lệch lãi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng cho số tiền 1,2 tỷ đồng là 24,6 triệu đồng).

Nữ nhân viên văn phòng 42 tuổi này thừa nhận “dù tiếc đấy nhưng giờ cũng không làm gì được bởi nếu rút trước hạn để đem gửi mới thì mất toàn bộ phần lãi trong suốt 6 tháng qua”.

Chị Hương cho biết việc các ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất từ 0,5 tới 1% chỉ trong một thời gian ngắn vừa qua khiến những người đã gửi tiền ở những kỳ hạn dài trước đây bị thiệt hại đáng kể do không được hưởng những chính sách mới về lãi suất.

Cả 4 ngân hàng lớn có vốn Nhà nước cũng tham gia vào cuộc đua tăng lãi tiết kiệm 

Cả 4 ngân hàng lớn có vốn Nhà nước cũng tham gia vào cuộc đua tăng lãi tiết kiệm 

Nếu như những người lỡ gửi tiết kiệm kỳ hạn dài trước đây đang tiếc nuối với những biến động về lãi suất tiết kiệm thì những người có tiền nhàn rỗi hiện tại cũng “đau đầu” khi lựa chọn ngân hàng nào để số tiền gửi của mình sinh lời cao nhất.

Với khoản tiền mặt 500 triệu đồng tiền mặt chưa dùng, những ngày gần đây, bà Thuỷ - một cán bộ về hưu ở Thanh Xuân, Hà Nội lại đang quay mình trong những con số, mong tìm được nơi gửi có lợi nhất cho khoản tiền trên.

Cuốn sổ nhỏ của bà ghi kín lãi suất các kỳ hạn của gần 2 chục ngân hàng lớn nhỏ. Các ngân hàng đua nhau tăng lãi suất, tung ra các chương trình ưu đãi đặc biệt cho phụ nữ, người cao tuổi. Có lần, tiền vừa gửi vào hôm trước, hôm sau bà lại quyết định rút ra đi gửi ngân hàng khác với mức lãi chênh lên tới hơn 1%/năm.

“Nhiều người bảo làm như thế mất công nhưng tính ra lãi suất tăng, tôi cũng được thêm gần 500 ngàn/tháng. Như vậy là cũng đủ bù đắp tiền điện hay phí dịch vụ chung cư mỗi tháng rồi", bà Thủy chia sẻ.

Ngân hàng nào có lãi suất huy động cao nhất?

Cuộc đua lãi suất huy động đang ngày càng "nóng" khi có sự tham gia của cả 4 ngân hàng lớn có vốn Nhà nước là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank). Lãi suất huy động cao nhất tại nhóm "Big 4" này là 6,4%/năm đối với hình thức gửi tiền tại quầy và lên tới 6,8%/năm với gửi tiền trực tuyến, kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.

SCB hiện có lãi suất tiết kiệm cao nhất ngành ngân hàng với 8,9%/năm ở kỳ hạn 36 tháng.

VietABank là ngân hàng có lãi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng cao nhất 

VietABank là ngân hàng có lãi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng cao nhất 

Trong khi đó, ngày 8/10, SCB đã tăng 1 điểm phần trăm lãi suất huy động ở các kỳ hạn trên 9 tháng. Mức lãi suất cao nhất là ở kỳ hạn 36 tháng đạt 8,9%/năm (trước đó là 7,55%/năm).

Chưa dừng lại ở đó, đến ngày 12/10, SCB tung ra ưu đãi tặng coupon lãi suất 0,5% cho khách hàng tham gia sản phẩm tiền gửi tại quầy bằng tiền đồng theo tất cả hình thức lĩnh lãi với kỳ hạn gửi từ 6 tháng - 11 tháng.

Ngoài ra, khách hàng có thể cân nhắc lựa chọn gửi tiền ở một số ngân hàng khác cũng có lãi suất tiết kiệm tương đối cạnh tranh như Bắc Á (8,3%/năm), Bảo Việt (7,9%/năm), Kiên Long (8,6%/năm), MSB (8%/năm), Nam Á Bank (8,4%/năm), PVcomBank (7,75%/năm), OCB (7,85%/năm), Techcombank (8%/năm); VPBank (8%/năm),.... (một số ngân hàng có điều kiện về số tiền gửi và kỳ hạn gửi).

Thống kê cho thấy, lãi suất trung bình cho tiết kiệm 6 tháng đã đạt 6,45%/năm tại quầy và 6,85%/năm online. Nếu gửi 9 tháng, khách hàng lần lượt nhận lãi trung bình 6,54%/năm tại quầy và 6,93%/năm online.

Lãi suất trung bình cho gửi tiền 12 tháng toàn thị trường nâng lên 7,04%/năm tại quầy và 7,39%/năm đối với kênh online. Hiện có 19 ngân hàng trả lãi tiết kiệm 12 tháng tại quầy trên 7%, con số trên là 24 đơn vị nếu gửi online.

Ngân hàng SCB hiện có lãi tiết kiệm cao nhất hệ thống là 8,9%/năm ở kỳ hạn 36 tháng

Ngân hàng SCB hiện có lãi tiết kiệm cao nhất hệ thống là 8,9%/năm ở kỳ hạn 36 tháng

Tính đến giữa tháng 10, Kiên Long là ngân hàng có lãi suất huy động 12 tháng cao nhất tại quầy với 8,3%. Quán quân toàn thị trường thuộc về VietABank khi ngân hàng này trả 8,7% cho khách gửi online. Trong khi đó, SCB có lãi suất tiết kiệm cao nhất ngành ngân hàng với 8,9%/năm ở kỳ hạn 36 tháng.

Trung bình mỗi ngày người dân mang thêm cả nghìn tỷ đồng gửi tiết kiệm ngân hàng

Cùng với cuộc đua tăng lãi suất tiết kiệm được các nhà băng thực hiện thời gian qua, thống kê của Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 6 lượng tiền gửi tiết kiệm của người dân luôn duy trì ở mức cao.

Trong đó, tháng 1/2022, lượng tiền gửi tiết kiệm của người dân tăng thêm mạnh nhất với 103.166 tỷ đồng; tháng 4/2022, người dân cũng mang thêm 57.597 tỷ đồng gửi tiết kiệm; tháng 6/2022 lượng tiền gửi tiết kiệm của người dân cũng tăng thêm 50.468 tỷ đồng.

Tính chung, 6 tháng đầu năm 2022, người dân cả nước đã mang gần 320.000 tỷ đồng gửi tiết kiệm lấy lãi. Số dư tiền gửi tiết kiệm của người dân tại thời điểm tháng 6/2022 là 5.629.046 tỷ đồng.

Chưa khi nào người có tiền gửi ngân hàng sướng như lúc này

Việc mức lãi suất tiết kiệm 8%/năm trở nên phổ biến ở nhiều kỳ hạn thực sự là tin vui với những người dân có tiền gửi tiết kiệm mới thời điểm hiện nay.

Thống kê cho thấy, từ tháng 1/2022 đến nay tại một số ngân hàng mức lãi tiết kiệm 12 tháng đã tăng mạnh từ mức thấp nhất là 4,7%/năm, hiện đã lên cao nhất là 8,55%/năm. Tương tự, lãi tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng cũng đã tăng hơn 2% khi lãi tiết kiệm kỳ hạn này được nhiều ngân hàng điều chỉnh lên mức tối đa 5%/năm. Trước đó, hồi đầu năm lãi tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng thấp nhất là 2,5%/năm (tại MB) và cao nhất là 4%/năm (tại VPBank).

Lãi suất huy động tăng cao hút lượng tiền lớn để ở tài khoản vãng lai, không kỳ hạn, thậm chí, thu hút cả các nhà đầu tư chứng khoán, BĐS hoặc vàng chuyển sang tiết kiệm.

Thống kê về tiền gửi tiết kiệm trong dân cư 7 tháng đầu năm 2022

Thống kê về tiền gửi tiết kiệm trong dân cư 7 tháng đầu năm 2022

Các chuyên gia nhận định mức lãi suất hiện nay được cho là khá cao sẽ hút lượng tiền gửi trước đây để ở tài khoản vãng lai, không kỳ hạn chuyển sang tiết kiệm. Thậm chí, một lượng lớn tiền của các nhà đầu tư chứng khoán, BĐS hoặc vàng cũng chuyển sang kênh tiết kiệm trong những tháng qua.

Anh Nguyễn Trọng Đạt cũng từng là một một nhà đầu tư chứng khoán có tiếng nhưng thời điểm này, anh vẫn phải thốt lên rằng: “Đưa tiền vào ngân hàng lúc này là đỡ đau đầu nhất, nếu gửi lãi suất trên 8% thì cũng ổn. Nhưng mình vẫn lựa chọn kỳ hạn 6 tháng vì dễ dàng thay đổi hơn kỳ hạn dài”.

Dù các ngân hàng đã tăng mạnh lãi suất tiết kiệm từ tháng 7/2022 đến nay. Tuy nhiên, dường như không có nhiều người được hưởng trọn niềm vui này. Theo thống kê của Ngân hàng nhà nước, trong tháng 7, lượng tiền gửi tiết kiệm của người dân tăng lên so với tháng 6 chỉ 9.601 tỷ đồng. Đây là mức tăng thêm thấp nhất kể từ đầu năm 2022.

Trước mức lãi suất cao được SCB niêm yết, nhà băng này cũng đã hút lượng tiền nhàn rỗi lớn trong những ngày gần đây. Cuối ngày 13/10, ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết lượng tiền gửi trở lại ngân hàng SCB đạt gần 12.000 tỉ đồng, tăng gấp đôi so với ngày 12/10 là 6.000 tỉ đồng.

Chỉ trong ngày 13/10, lượng tiền nhàn rỗi gửi trở lại SCB đạt gần 12.000 tỷ đồng

Chỉ trong ngày 13/10, lượng tiền nhàn rỗi gửi trở lại SCB đạt gần 12.000 tỷ đồng

Trước đó, trên mạng xã hội lan truyền thông tin tiêu cực về SCB gây ảnh hưởng tâm lý người gửi tiền tại ngân hàng này, dẫn đến hiện tượng người dân đi rút tiền trước hạn. Thống đốc NHNN Việt Nam đã có tuyên bố “tiền gửi của người dân tại các ngân hàng, trong đó có SCB đều được Nhà nước đảm bảo trong mọi trường hợp và người dân không nên rút tiền trước hạn ảnh hưởng đến quyền lợi của mình”.

Lãi suất ngân hàng được dự báo sẽ tiếp tục tăng

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP quý III đạt mức 13,67% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2022, kinh tế tăng trưởng 8,83%, mức cao nhất kể từ năm 2011 đến nay.

“Theo tôi, mặt bằng lãi suất sẽ tiếp tục tăng nhẹ trong thời gian tới vì nhu cầu vốn vay giai đoạn cuối năm thường cao” - ông Vicente Nguyen, Giám đốc đầu tư AFC Vietnam Fund.

Đánh giá về kết quả này, ông Vicente Nguyen, Giám đốc đầu tư AFC Vietnam Fund (quỹ đầu tư quy mô hơn 70 triệu USD), cho rằng việc GDP tăng mạnh vừa qua sẽ góp phần giúp Việt Nam hoàn thành các chỉ tiêu về tăng trưởng trong năm nay. Do đó, nhiều khả năng, Ngân hàng Nhà nước vì lẽ đó cũng sẽ xem xét việc kiểm soát tín dụng và lạm phát nhiều hơn.

“Theo tôi mặt bằng lãi suất sẽ tiếp tục tăng nhẹ trong thời gian tới vì nhu cầu vốn vay giai đoạn cuối năm thường cao, để đáp ứng nhu cầu này thì các ngân hàng sẽ tăng lãi suất để tăng nguồn huy động, đáp ứng nhu cầu tín dụng của khách hàng”, ông Vicente đánh giá.

Lãi suất tiết kiệm được sự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới

Lãi suất tiết kiệm được sự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới

Theo kết quả khảo sát của cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng, quý IV/2022, các tổ chức tín dụng đánh giá mặt bằng lãi suất huy động-cho vay tiếp tục xu hướng tăng. Theo đó, có tới 59 - 61% ngân hàng kỳ vọng lãi suất tăng bình quân 0,37%/năm trong quý 4. Cả năm 2022, có 66 - 69% ngân hàng kỳ vọng lãi suất tăng bình quân 0,56 - 0,57%/năm.

Các ngân hàng chỉ đưa ra mức kỳ vọng như trên vì cuộc khảo sát diễn ra từ ngày 25-8 đến ngày 10-9, tức trước thời điểm Ngân hàng Nhà nước tăng các mức lãi suất điều hành vào ngày 23-9.

Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo, mặt bằng lãi suất có thể tăng 1,5 - 2 điểm % trong cả năm 2022.

Việc lãi suất tiết kiệm liên tục tăng diễn ra trong bối cảnh thanh khoản hệ thống ngân hàng hiện rất căng thẳng. Lãi suất VND liên ngân hàng tăng vọt, vượt qua mốc 8% ở tất cả các kỳ hạn. Thậm chí tại vài thời điểm, một số ngân hàng thương mại đã chuyền tay nhau mức chào hơn 10%/năm.

Các chuyên gia tài chính cho biết, có khá nhiều nguyên nhân khiến thanh khoản hệ thống các ngân hàng thời gian qua gặp khó như tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn vừa bị điều chỉnh giảm xuống theo lộ trình; nợ xấu và nợ tái cơ cấu khiến ngân hàng chưa thể thu hồi vốn; doanh nghiệp rút tiền mua lại trái phiếu trước hạn… Trong đó, có 3 nguyên nhân rất đáng chú ý.

Thứ nhất, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất khiến USD tăng giá. Do đó Việt Nam cũng tăng lãi suất để VND không mất giá quá nhiều so với USD.

Thứ hai, tốc độ tăng trưởng huy động vốn của hệ thống ngân hàng rất chậm. Một phần từ việc tiền quay lại thị trường phục vụ cho sản xuất kinh doanh.

Thứ ba, mới đây Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng cho nhiều ngân hàng. Theo đó, nhu cầu vốn phục vụ hoạt động cho vay tăng nhanh.

Nóng bỏng cuộc đua lãi suất tiết kiệm: Sướng như mang tiền gửi ngân hàng - 8

Hồng Hương - Trung Kiên

Chủ Nhật, ngày 16/10/2022 19:13 PM (GMT+7)

Nguồn: [Link nguồn]

Theo Hồng Hương - Trung Kiên ([Tên nguồn])