DANH MỤC

Chi tiền tỷ vào chứng khoán, nhà đầu tư cá nhân và “cá mập” cùng lỗ nặng

Nhiều nhà đầu tư “khóc ròng” nhìn loạt cổ phiếu rớt giá 20% - 30%, nhiều người hoảng loạn cắt lỗ.

Nhà đầu tư hoảng loạn nhìn thị trường rơi “thẳng đứng”

Thị trường chứng khoán trong tuần gần nhất ghi nhận diễn biến rung lắc biên độ rộng và lùi về khu vực quanh 1.210 điểm. Trong đó, cú lao dốc ngày 1/8 thực sự khiến nhiều nhà đầu tư điêu đứng khi chỉ số VN-Index giảm gần 25 điểm, về vùng 1.226,96 điểm, cuốn bay thành quả tích lũy được trong suốt mùa công bố kết quả kinh doanh quý 2/2024. Đây là vùng giá thấp nhất trong vòng 3 tháng. Cùng với đà giảm mạnh về điểm số, thanh khoản trên sàn HoSE tăng vọt so với những phiên liền trước đạt hơn 21.397 tỷ đồng.

Phiên cuối tuần (2/8), xuất hiện dòng tiền giải ngân bắt đáy giúp VN-Index có cú lội ngược dòng ngoạn mục và kết tuần bằng một phiên giao dịch khởi sắc với mức tăng 9,64 điểm để đóng cửa ở mức 1.236,6 điểm, thanh khoản sàn HoSE giảm mạnh chỉ còn hơn 16.387 tỷ đồng.

“Nhìn danh mục hiện tại tài khoản âm gần 23%, tôi không biết khi nào có thể về bờ chứ không dám nghĩ đến việc có lãi trở lại”, anh Thanh – một nhà đầu tư tại Hà Nội.

Trên khắp các diễn đàn, nhà đầu tư cá nhân không giấu nổi nỗi thất vọng, thậm chí bức xúc khi cổ phiếu của các doanh nghiệp dù lãi lớn hay lỗ trong quý 2 và nửa đầu năm đều giảm mạnh và rất mạnh. "Doanh nghiệp lỗ, giá cổ phiếu giảm sàn nhưng doanh nghiệp kinh doanh tốt cũng giảm, thậm chí còn giảm mạnh hơn. Tôi không hiểu nổi" - anh Khánh Minh, một nhà đầu tư ở TP HCM, băn khoăn.

Ngân hàng ACB cũng lỗ lớn khi đầu tư chứng khoán trong quý 2/2024

Ngân hàng ACB cũng lỗ lớn khi đầu tư chứng khoán trong quý 2/2024

Một số nhà đầu tư khác thậm chí không dám nghĩ tới lợi nhuận nữa, mà lúc này điều họ quan tâm là “bao giờ thị trường ngừng rơi hay "tạo đáy" và hồi phục để họ có thể "làm lại danh mục"...

Anh Thanh (Hà Nội) cho biết tài khoản đầu tư chứng khoán của anh đang ghi nhận mức lỗ gần 23%. Trong đó, một mã cổ phiếu của doanh nghiệp BĐS lớn thuộc diện Top đầu thị trường về quy mô, chiếm tỷ lệ lớn trong đanh mục lại ghi nhận mức lỗ lên tới hơn 27%. Một cổ phiếu ngân hàng cũng ghi nhận mức lỗ hơn 18%, trong khi mã cổ phiếu doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp lỗ thấp nhất hơn 6%. “Nhìn danh mục hiện tại, tôi không biết khi nào có thể “về bờ” chứ không dám nghĩ đến việc có lãi trở lại”, anh Thanh chia sẻ.

Tương tự, chị Lan một nhà đầu tư chứng khoán khác cho biết tài khoản của chị cũng đang lỗ nặng sau nửa năm xuống tiền bởi có mã hiện đang ghi nhận mức lỗ gần 50%. “Tài khoản của tôi có nhiều thời điểm ghi nhận mức lãi đáng kể. Tuy nhiên, những biến động mạnh của thị trường trong thời gian gần đây khiến một số mã cổ phiếu đang cầm giảm mạnh chuyển từ lãi sang lỗ”, nữ nhân viên văn phòng tiếc nuối khi nói về khoản đầu tư của mình.

Không chỉ nhà đầu tư cá nhân, nhiều doanh nghiệp cũng đang ghi nhận lỗ nặng khi đầu tư vào cổ phiếu. Báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2024 của CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) cho thấy công ty đang đầu tư gần 162 tỷ đồng vào chứng khoán, tập trung vào ba doanh nghiệp bất động sản NLG, DXS, và KBC. Tuy nhiên, giá trị hợp lý của các khoản đầu tư này hiện chỉ còn khoảng 130 tỷ đồng, tức lỗ 20%.

Hiện cả ba khoản đầu tư này đều tạm lỗ, trong đó khoản đầu tư vào cổ phiếu DXS lỗ nặng nhất với mức lỗ 45%. Các khoản đầu tư được Vĩnh Hoàn trích lập dự phòng hơn 31 tỷ đồng tính đến cuối kỳ.

Báo cáo tài chính quý 2/2024 của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng cho thấy nhà băng này ghi nhận lỗ nặng khi đầu tư vào chứng khoán. Cụ thể, ACB lỗ từ mua bán chứng khoán kinh doanh ở mức hơn 41 tỷ đồng (cùng kỳ lãi hơn 71 tỷ đồng) và lỗ từ chứng khoán đầu tư hơn 14 tỷ đồng (cùng kỳ lãi hơn hơn 407 tỷ đồng). Tại ngày 30/6, danh mục chứng khoán kinh doanh của Nhà Đà Nẵng (NDN) đang tạm lỗ với cổ phiếu NVL khi phải trích lập dự phòng gần 15 tỷ đồng, tương đương khoảng 25% giá gốc khoản đầu tư. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn phải trích dự phòng hơn 51 tỷ đồng cho các cổ phiếu khác.

"Tăng 3 tháng không bằng giảm nửa tháng, thành quả từ đầu năm đến giờ mất sạch", anh Nam, một nhà đầu tư.

Nhà đầu tư ngoại Hyundai Elevator cũng đã “cắt lỗ” 5 triệu cổ phiếu HBC của CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình vào ngày 31/7. Theo đó, giảm tỷ lệ sở hữu từ 28,1 triệu cổ phiếu (8,08% vốn) về 23,1 triệu cổ phiếu (6,64% vốn).

Trước đó, ngày 23/4/2019, Hòa Bình và Hyundai Elevator Co., Ltd đã ký kết thoả thuận phát hành riêng lẻ và hợp tác chiến lược. Hyundai Elevator tham gia vốn vào Hòa Bình với số lượng 25 triệu cổ phiếu với giá trị 575 tỷ đồng. Trong khi đó, tạm tính theo thị giá đóng cửa phiên 31/7 là 5.850 đồng/cổ phiếu, lượng cổ phiếu Hyundai Elevator vừa bán ra chỉ khoảng 29 tỷ đồng, tương đương lỗ 86 tỷ đồng.

Cổ phiếu HBC bị hủy niêm yết trên HoSE khiến nhiều nhà đầu tư lỗ nặng

Cổ phiếu HBC bị hủy niêm yết trên HoSE khiến nhiều nhà đầu tư lỗ nặng

Nhiều nhà đầu tư bắt đầu xu hướng "buông bảng điện, tắt app" khiến thanh khoản trên thị trường chứng khoán từ cuối tháng 6 đến nay có nhiều phiên duy trì ở mức thấp: “Cổ phiếu blue-chip, cổ phiếu trong rổ VN30 hay cổ phiếu được nhận định tích cực, có kết quả kinh doanh lãi lớn của doanh nghiệp… đều giảm mạnh. Tăng 3 tháng không bằng giảm nửa tháng, thành quả từ đầu năm đến giờ mất sạch. Các khuyến nghị mua cổ phiếu giá tốt ở vùng hỗ trợ cũng không đúng, vì nhiều cổ phiếu tốt dòng chứng khoán, thép, bất động sản… hiện cũng rớt khỏi vùng hỗ trợ", anh Nam, một nhà đầu tư đã từng có kinh nghiệm trên thị trường nhiều năm nói.

Ngay cả lãnh đạo một số công ty chứng khoán cũng thừa nhận chứng khoán đang "lao dốc" chứ không còn "rung lắc" như những nhận định trước đó. Giám đốc tư vấn của một công ty chứng khoán nói rằng: "Tôi không thấy lý do nào để thị trường giảm mạnh, bởi định giá thị trường thời điểm này không quá cao. Thanh khoản tạm thời giảm do cơ hội đầu tư ít đi nhưng so với các kênh đầu tư khác như gửi tiết kiệm, vàng, bất động sản… thì chứng khoán vẫn hấp dẫn về mặt tiềm năng, thanh khoản hơn".

Điều gì đang diễn ra?

Có thể thấy, VN-Index hướng về 1.200 điểm theo chiều đi xuống là kịch bản không mong muốn nhưng đã và đang hiển hiện trước mắt nhà đầu tư chứng khoán Việt Nam. Sau khi đánh rơi gần 2% phiên giao dịch đầu tháng 8, chỉ số còn cách mốc 1.200 đầy "ám ảnh" chưa đến 27 điểm. Chỉ một cú sảy chân nữa, chứng sỹ sẽ lại thấy con số quen thuộc này.

Đây là một kết quả đáng thất vọng khi trước đó rất nhiều nhà đầu tư đã chờ đợi VN-Index vượt 1.300 điểm, thậm chí có những dự báo còn táo bạo hơn. Nhiều công ty chứng khoán cho rằng chỉ số có thể đạt đến vùng 1.400-1.500 điểm vào cuối năm. Lạc quan hơn, quỹ ngoại Pyn Elite Fund còn dự báo con số có thể lên đến 1.700 điểm.

Có nhiều ý kiến trái chiều, song việc VN-Index nhiều lần thất bại trước ngưỡng 1.300 và sau đó lùi về vùng 1.200 điểm cũng phần nào gây thất vọng với nhà đầu tư. Trên thực tế, con số 1.200 là nỗi ám ảnh đã đeo bám chứng sỹ Việt Nam suốt nhiều năm qua.

Biến động và thanh khoản của VN-Index trong thời gian gần đây - Ảnh chụp màn hình

Biến động và thanh khoản của VN-Index trong thời gian gần đây - Ảnh chụp màn hình

CTCK Vietcombank (VCBS) đánh giá, áp lực bán trong tuần qua chưa phải ở mức xả hàng mạnh mẽ nhưng lực cầu dần suy yếu qua các phiên cho thấy những lo lắng hiện hữu của nhà đầu tư và sự thụ động của dòng tiền. Tuy nhóm cổ phiếu blue-chips cũng đã nỗ lực đóng góp cho chỉ số nhưng cũng không đủ để nâng đỡ cả thị trường. Về phía khối ngoại, trong tuần này giao dịch khối này đã nghiêng nhiều hơn về mua ròng cho thấy dấu hiệu bán ròng đang dần hạ nhiệt. Tuy nhiên, trước những cú “nhào lộn” của thị trường thực sự đã khiến nhiều nhà đầu tư đau tim, thậm chí “thủng ví”.

“Có 4 lý do chính khiến thị trường về cận 1.200 điểm, trong đó tâm lý của thị trường vốn đã yếu sẵn từ những phiên gần đây với hiện tượng "xanh vỏ đỏ lòng"”... ông Nguyễn Thế Minh, Chứng khoán Yuanta.

Lý giải cú sốc của thị trường, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc khối nghiên cứu và phân tích khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta, cho rằng thứ nhất tâm lý của thị trường vốn đã yếu sẵn từ những phiên gần đây với hiện tượng "xanh vỏ đỏ lòng". Tình trạng thanh khoản thấp, nhóm Midcap và Smallcap giảm mạnh trong khi kéo trụ VN30. Chỉ số tăng danh mục nhiều nhà đầu tư không tăng dẫn đến tình trạng lo sợ thị trường sẽ giảm nữa.

Thứ hai, những phiên giảm gần đây kích hoạt call margin chéo từ các nguồn cho vay bên ngoài. Trong quý 2 vừa qua, đà tăng thị trường chủ yếu đến từ nhóm UPCoM, Penny dựa trên những câu chuyện hỗ trợ ngắn như chuyển sàn...Giá cổ phiếu tăng bất chấp, các cổ phiếu này không được công ty chứng khoán cho vay, nhà đầu tư fomo từ nguồn lực bên ngoài. Bước sang tháng 7, nhóm này giảm nhưng mất hút thanh khoản tạo thành mô hình cây thông dẫn đến hiện tượng call margin chéo, bán các cổ phiếu trong danh mục của nhà đầu tư.

Thứ ba, đã hết mùa công bố kết quả kinh doanh quý 2. Không còn nhiều thông tin hỗ trợ cổ phiếu, giá cổ phiếu không phản ánh lợi nhuận, đồng nghĩa có thể tâm lý nhà đầu tư đã kỳ vọng xong, lợi nhuận phản ánh vào giá rồi nên tạo ra xu hướng bán tháo.

Thanh khoản thị trường chứng khoán giảm mạnh trong bối cảnh lãi tiết kiệm được các ngân hàng điều chỉnh tăng trở lại

Thanh khoản thị trường chứng khoán giảm mạnh trong bối cảnh lãi tiết kiệm được các ngân hàng điều chỉnh tăng trở lại

Thứ tư, thị trường giảm còn đóng góp bởi căng thẳng địa chính trị khu vực Trung Đông mặc dù không ảnh hưởng nhiều. "Nhà đầu tư lo xa, giá cổ phiếu không lên thì cũng đè ra bán. Đó là nguyên nhân chính cho đà giảm thị trường", ông Minh nhấn mạnh.

Theo chuyên gia phân tích của Yuanta, có thể những phiên tới áp lực bán tháo tiếp tục xảy ra, VN-Index khả năng lùi về vùng 1.200 - 1.210 điểm, là vùng cân bằng của thị trường. Do đó, theo ông Minh, nhà đầu tư không cần thiết phải bán nữa nếu không có áp lực margin. Với nhà đầu tư nắm giữ tiền mặt cao hơn có thể bình quân giá. Đây là vùng cơ hội cao hơn rủi ro.

Nhà đầu tư có nên “bắt đáy”?

Hai phiên cuối tuần qua thị trường diễn biến khá sốc, khi xuất hiện một phiên giảm với biên độ lớn và một nhịp thủng đáy quanh 1.220 điểm trước khi đảo ngược tăng. Các nhà đầu tư vẫn đang chú ý đến ngưỡng MA200 quanh mốc 1.200 điểm và điểm rơi thấp nhất tuần qua đã tới 1.210 điểm. Lực cầu bắt đáy sớm đã bộc lộ… Nên bắt đáy hay nên canh để cắt lỗ trong những phiên đảo chiều của xu thế giảm vẫn là câu hỏi gây nhiều tranh cãi.

Theo đại diện công ty Chứng khoán VPS, diễn biến thị trường trong ngắn hạn, đà giảm nhanh của mặt bằng cổ phiếu đã khiến các nhà đầu tư bất an – tâm lý sợ rủi ro vốn gắn liền với bản chất số đông nhà đầu tư. Việc sở hữu nhiều cổ phiếu giảm điểm có lẽ sẽ bị lo lắng hơn so với việc nắm giữ với tỷ trọng phù hợp các cổ phiếu và sức ép margin không phải là vấn đề lớn, chỉ là tâm lý thị trường chung đang chưa tốt.

“Hãy điều chỉnh co gọn danh mục – bởi sau giai đoạn điều chỉnh “đau khổ” khả năng phục hồi giai đoạn tiếp theo sẽ lại diễn ra. Nếu không nhanh được thì hãy kiên trì hơn so với số đông” - đại diện Chứng khoán VPS.

Theo VPS, một số cổ phiếu hàng đầu chất lượng tốt đã có thể phát tín hiệu mua vào – giai đoạn này vẫn là giai đoạn chọn lọc cổ phiếu và kiểm soát số lượng cổ phiếu nắm giữ chặt chẽ - mua gom tích lũy sẽ phù hợp hơn so với việc giao dịch ngắn hạn.

“Nhiều nhà đầu tư bị bất ngờ với diễn biến thị trường chung và việc cần làm đó là kiểm soát tỷ trọng cổ phiếu. Thị trường ngoài những giai đoạn tăng điểm mạnh hoặc trong xu thế uptrend rõ cơ hội sinh lời sẽ tốt và ở nhiều cổ phiếu khác nhau – nhưng nếu diễn biến khó đoán, hoặc điều chỉnh bất thường thì nếu nhanh được hãy điều chỉnh co gọn danh mục – bởi sau giai đoạn điều chỉnh “đau khổ” khả năng phục hồi giai đoạn tiếp theo sẽ lại diễn ra. Nếu không nhanh được thì hãy kiên trì hơn so với số đông” đại diện Chứng khoán VPS nói thêm.

Theo các chuyên gia, thị trường điều chỉnh là cơ hội để nhà đầu tư cơ cấu lại danh mục

Theo các chuyên gia, thị trường điều chỉnh là cơ hội để nhà đầu tư cơ cấu lại danh mục

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thảo Như - Giám đốc Khách hàng cá nhân, Chứng khoán Rồng Việt, đánh giá, VN-Index 1.200 điểm không chỉ là một ngưỡng hỗ trợ mạnh của thị trường mà còn là ngưỡng tâm lý của đại đa số nhà đầu tư khi con số này được nhắc đến rất nhiều lần trong năm nay. Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu mức hỗ trợ này bị phá vỡ? Đây mới thật sự là điều cần cân nhắc ở thời điểm hiện nay hơn là việc có quyết định giải ngân khi thị trường chạm ngưỡng hỗ trợ 1.200 hay không.

“Khi mà niềm tin cho sự tăng giá và giảm giá chưa thật sự mãnh mẽ, tôi sẽ tiếp tục giữ quan điểm thận trọng chưa vội vàng giải ngân toàn bộ vốn của mình” - bà Nguyễn Thị Thảo Như - Giám đốc Khách hàng cá nhân, Chứng khoán Rồng Việt.

Theo bà Thảo Như, trên khía cạnh trading, không quá khó để chúng ta bắt đầu mua vào khi thị trường chạm mức hỗ trợ nào đó và đây là một chiến lược hợp lý thường mang lại hiệu quả đầu tư khá cao. "Nếu nhìn trên nền tảng của doanh nghiệp, tôi tự hỏi rằng phần lớn các doanh nghiệp (ngoại trừ bất động sản) có thật sự tốt hơn chính doanh nghiệp đó hơn 4 năm về trước (trước khi xảy ra Covid-19) khi mà VN-Index chỉ ở quanh mức 1.000 điểm.

Chúng ta đang trải qua giai đoạn với điều kiện kinh doanh trở nên khó khăn hơn, thu nhập người dân cũng đang giảm sút trong khi điều kiện vĩ mô chưa có nhiều điểm sáng. Như vậy, khi mà niềm tin cho sự tăng giá và giảm giá chưa thật sự mãnh mẽ, tôi sẽ tiếp tục giữ quan điểm thận trọng chưa vội vàng xem mức 1.200 là đáy của thị trường để giải ngân toàn bộ vốn của mình.

Chiến lược của tôi sẽ giải ngân một phần khi thị trường tiến đến mốc 1200 điểm để tận dụng trading và dành một phần lớn hơn trong trường hợp thị trường không bật trở lại như kỳ vọng của chúng ta để tận dụng được mức giá rẻ hơn” - Giám đốc Khách hàng cá nhân, Chứng khoán Rồng Việt nêu quan điểm.

Chi tiền tỷ vào chứng khoán, nhà đầu tư cá nhân và “cá mập” cùng lỗ nặng - 6

Hồng Hương – Trung Kiên

Thứ Hai, ngày 05/08/2024 13:08 PM (GMT+7)

Nguồn: [Link nguồn]

Theo Hồng Hương – Trung Kiên ([Tên nguồn])