"Xưởng" rèn vũ khí lớn nhất vùng Đông Bắc

Nghe nói chúng tôi có ý định vào làng rèn đao kiếm Phúc Sen, một anh bạn người bản địa bảo: "Các anh vào đó cẩn thận không có đường ra đâu". Chẳng biết câu nói của anh bạn là đùa hay thật nhưng nó khiến chúng tôi chùn chân khi bước vào ngôi làng có truyền thống rèn hàng trăm năm.

Làng rèn Phúc Sen (huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng) bấy lâu nay được nhiều người biết đến không chỉ là làng rèn nông cụ lớn nhất Đông Bắc mà làng này còn sản xuất cả những loại đao, kiếm, thậm chí cả súng thần công, đại bác... Trong những năm kháng chiến chống Pháp, ngôi làng này là "lò" sản xuất đại bác nổi tiếng ở Việt Nam.

Đại công xưởng sản xuất vũ khí

Nghe nói chúng tôi có ý định vào làng rèn đao kiếm Phúc Sen, một anh bạn người bản địa bảo: "Các anh vào đó cẩn thận không có đường ra đâu". Chẳng biết câu nói của anh bạn là đùa hay thật nhưng nó khiến chúng tôi chùn chân khi bước vào ngôi làng có truyền thống rèn hàng trăm năm. Gạt bỏ nỗi sợ hãi, chúng tôi quyết tâm vào bằng được "kho vũ khí" lớn nhất vùng Đông Bắc. Dọc theo hai bên đường Quốc lộ 3 có chiều dài khoảng 6km, trước mắt chúng tôi là những hàng, quán bày bán các loại đao, kiếm, nông cụ sản xuất... Nhìn những thanh trường đao dài gần một mét bị gió thổi phát ra tiếng leng keng trên những giá đao, rồi tiếng búa cứ đều đều nện xuống những thanh sắt đỏ rực khiến chúng tôi nổi da gà.

Dưới sự chỉ dẫn của một thanh niên địa phương, chúng tôi bắt đầu cuộc thâm nhập vào "xưởng" rèn vũ khí lớn nhất vùng Đông Bắc. Trái ngược với lời "dọa" của ông bạn từ trước đó, chúng tôi đi đến đâu cũng nhận được những cái bắt tay, những nụ cười thân thiện của người dân nơi đây.

"Xưởng" rèn vũ khí lớn nhất vùng Đông Bắc - 1

Anh Nông Văn Tào bên thanh trường kiếm vừa mới làm xong

Danh hiệu "công xưởng đao kiếm lớn nhất Đông Bắc" là do dân chúng đặt cho làng rèn Phúc Sen. Nghe danh là vậy nhưng khi tận mắt chứng khiến xưởng đao này chúng tôi cũng cảm thấy "choáng" về quy mô của nó. Anh Nông Văn Tào, một người dân ở làng rèn Phúc Sen tiết lộ: "Mỗi một thợ rèn ở làng Phúc Sen một ngày có thể rèn được 4 - 5 thanh đao, kiếm. Hiện nay, ở làng Phúc Sen có gần 160 hộ làm nghề rèn, trong khi đó có hộ cả gia đình có 5 - 6 người thì tất cả đều là những thợ rèn lành nghề. Nếu đem con số thợ rèn ở làng Phúc Sen nhân 4 lần lên thì sẽ ra được số lượng đao kiếm sản xuất ra mỗi ngày".

Khoe với chúng tôi về những sản phẩm do mình làm ra, anh Nông Văn Tào lôi ra một thanh kiếm dài gần 1 mét. Anh bảo: Nghề rèn ở đây đang tiến lên một bước mới mang tầm nghệ thuật. Bây giờ, nếu muốn rèn một thanh kiếm thượng hạng, già thép, thì phải mất một hai ngày mới xong, còn những loại kiếm thường thì chỉ cần rèn vài tiếng là được. Ở lò rèn nhà anh Tào, khách chỉ cần mang bản vẽ mẫu đến, tùy vào độ cầu kỳ của bản thiết kế thanh kiếm mà anh Tào có thể hoàn thành nó trong vòng 1 - 2 ngày.

Khi chúng tôi thắc mắc về việc một lượng đao kiếm lớn khi sản xuất ra sẽ được bán về đâu, anh Nông Văn Tào thành thật bảo: "Đao kiếm ở đây chủ yếu đổ lên biên giới Trung Quốc, Tà Lùng, Trùng Khánh, rồi đến Bắc Kạn. Thậm chí, những xe khách đường dài còn đem đao kiếm xuống cả Hà Nội hoặc vào tận trong miền Nam để bán". Anh Tào bảo, đó là anh nghe những người lái xe khách hay tạt qua làng lấy hàng kể vậy chứ thực chất anh cũng chưa có cơ hội kiểm nghiệm độ chính xác của thông tin đó.

"Ngày trước, các chủ xe khách, xe tải đường dài mỗi khi đi qua đây thường mua một hai con dao thái chuối để phòng thân. Sau đó họ đặt chúng tôi làm những thanh kiếm có mẫu mã đẹp hơn. Dần dần việc này thành quen và nó trở thành trào lưu chung của cánh lái xe. Một thời gian sau đó, có nhiều người về đặt mua, chúng tôi cứ sản xuất ra để bán. Tuy nhiên năm nay, chính quyền địa phương đến từng hộ dân nhắc nhở là không được rèn đao, kiếm vì như thế là vi phạm pháp luật", anh Tào cho biết.

Chúng tôi rời xưởng rèn của gia đình anh Tào và di chuyển đến một xưởng khác. Khi ông chủ xưởng đang hướng dẫn chúng tôi cách làm một thanh kiếm tốt thì một chiếc xe khách chạy tuyến Cao Bằng - Hà Nội lao thẳng đến đỗ xịch trước cửa. Từ trên xe, một người tài xế dáng gầy gò, mặc một chiếc áo ba lỗ màu đen để lộ ra những hình xăm kỳ quái phủ kín cơ thể chạy xuống. Vừa bước vào nhà, người này hỏi mua 5 thanh kiếm và 3 thanh đao to. Ông chủ nhà lôi ra 5 thanh trường kiếm và thu 300 nghìn đồng/ thanh, còn 3 chiếc đao to mỗi chiếc có giá 120 ngàn đồng. Ông chủ xưởng hỏi người tài xế: "Bọn mày lấy đi đâu mà nhiều thế?". Người tài xế nói: "Lấy nhiều bố càng bán được hàng chứ sao. Con lấy cho mấy thằng em đưới Bắc Kạn để chúng nó đem vào mỏ vàng".

Những bàn tay phù thủy chế tạo đại bác

Theo ông Long Văn Thông, 62 tuổi, một trong số ít người còn nhớ được những câu chuyện về việc rèn đại bác thì thời kháng chiến chống Pháp, làng rèn Phúc Sen đã sản xuất được những loại đại bác, súng thần công, súng kíp, vỏ lựu đạn. Những vũ khí này khi sản xuất xong sẽ được vận chuyển lên căn cứ Pác Bó, một phần được phân phát cho dân quân du kích địa phương tập luyện và chiến đấu. Phần còn lại được chuyển về xuôi hoặc sang Đông Bắc để phục vụ cho công cuộc kháng chiến chống Pháp.

"Cái nôi" của các loại vũ khí "nóng"

Một trong những điều thú vị thôi thúc chúng tôi đến làng rèn Phúc Sen đó là bằng những dụng cụ hết sức thô sơ người dân nơi đây có thể chế tạo được cả những loại vũ khí hỏa lực mạnh như đại bác, súng thần công, súng kíp và cả vỏ lựu đạn. Bà Nhan Thị Kim Thi, phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng khẳng định: "Trong quá khứ, người làng Phúc Sen làm được cả các loại vũ khí hỏa lực mạnh phục vụ kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Trước đây, làng rèn Phúc Sen là cái nôi chuyên sản xuất súng đạn, đại bác phục vụ Việt Minh góp phần tạo nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp".

Thời kỳ đó, làng rèn Phúc Sen trở thành đại công xưởng chế tạo vũ khí cho cách mạng. Cả làng có trên trăm hộ thì tất thảy đều góp công góp sức làm đại bác, súng thần công, súng kíp. Nếu gia đình nào làm đại bác, súng thần công thì phải mất 4 - 5 ngày mới làm ra được một khẩu, làm súng kíp thì chỉ mất 1 - 2 ngày là xong. Những sản phẩm này làm ra đến đâu giao nộp cho cách mạng đến đó chứ tuyệt đối không giữ lại trong nhà.

Để đảm bảo an toàn trong việc chế tạo vũ khí, người làng Phúc Sen ai nấy đều phải tuyệt đối giữ bí mật, "sống để bụng chết mang theo". Hàng xóm và kể cả người thân trong gia đình cũng không được bàn tán, thắc mắc hay nói chuyện với nhau về việc chế tạo vũ khí. Chính vì thế mà làng Phúc Sen không ai được lập gia phả làng nghề, ai là ông tổ nghề? Ai đã đưa kỹ thuật chế tạo đại bác, súng thần công về làng?. Chính vì thế, đến nay không một ai biết về gốc tích của cái nghề đó.

Sau kháng chiến chống Pháp và mãi đến năm 1960, những bí mật về việc chế tạo súng thần công mới được rò rỉ. Tuy nhiên, cũng chỉ có một số ít người biết được bí mật về kỹ thuật chế tác vũ khí. Hiện nay trong làng còn lại không quá 4 người nhớ được những bí mật này của làng rèn huyền thoại.

Khi chúng tôi đề nghị kể về những bí mật của làng rèn, ông Thông ngần ngại hồi lâu rồi chậm rãi kể về kỹ thuật làm đại bác bằng phương pháp thủ công. Theo đó, muốn làm được đại bác đầu tiên người dân phải đúc khuôn đại bác, súng thần công. Khuôn đại bác thường to như cái cột nhà và dài trên 3m. Trong khi đó, súng thần công thì khuôn bé bằng bắp chân và dài hơn 1m.

Ông Thông cho biết, khuôn đại bác, súng thần công được làm từ đất sét lấy trong các hang đá. Khi đã có đất, người dân đem về phơi khô sau đó trộn với nước giã cho đến khi đất dẻo quánh lại như bánh dày. Lúc này, đất được nặn thành khuôn và đem phơi khô dưới bóng mát. Làm khuôn xong, người dân phải đi xin, cóp nhặt xoong nồi gang, lưỡi cày gang về để đúc đại bác. Gang lấy về được đập nhỏ trộn với sắt và đưa vào lò luyện. Đến khi gang chảy thành nước thì đổ khuôn. Tiếp theo đó, thợ rèn phải đập vụn các mảnh gang ra trộn với thuốc súng sau đó gói lại thành đạn đại bác.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vương Chân (Người đưa tin)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN