Xóm "trói" con ở Đồng Nai

29 tuổi, chị Nguyễn Thị Tuyết ở xóm chài Thái Hòa (phường Long Bình Tân, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) đã có 4 đứa con. Ngày ngày, hai vợ chồng đi cào hến, đứa lớn đi học cấp 1, ba đứa nhỏ được… buộc vào mạn thuyền.

Đó cũng là tình trạng chung của phần lớn hộ dân ở xóm chài này. Không có tiền cho con đi học mầm non, nhà trẻ, những đứa bé được bố mẹ dùng mọi biện pháp để cách ly với thủy thần.

Cuộc sống nổi trôi trên những chiếc bè, những đứa bé ngay từ khi sinh ra đã phải đối mặt hiểm nguy sông nước. Cách đây 3 năm, chị Nguyễn Thị Nga (31 tuổi), một cư dân của xóm chài Thái Hòa, mất đứa con hai tuổi chỉ vì một phút sơ ý để cháu rơi xuống sông.

“Lúc đó, cháu chỉ mới lẫm chẫm biết đi. Tui nghĩ cháu không thể trèo ra được phía ngoài mạn thuyền. Sau khi tắm cho cháu xong, tui quay trở vào trong lấy áo quần. Vừa bước ra thì không thấy cháu ở đâu. Tui chưa kịp hoảng hồn thì đã nghe cái “ùm”. Tôi lao ngay xuống sông. Khi vớt được lên thì cháu đã chết vì ngạt nước”, chị Nga đau xót kể.

Xóm "trói" con ở Đồng Nai - 1

Đứa trẻ đeo túi khí ngồi trong lòng cha. Ảnh: L.Q.M

Điều khiến người dân xóm chài càng thêm kinh sợ là con sông này ngày càng trở nên hung dữ, chứ không hiền hòa như trước. Những con sóng ngầm, những vùng nước xoáy khiến đứa trẻ vừa rơi xuống đã bị cuốn đi. “Tui lao xuống sông khi vẫn còn thấy bóng con mình vừa rớt xuống. Nhưng rồi cháu bị nước cuốn đi, phải 3 tiếng đồng hồ sau, tui mới tìm được xác cháu”, chị Nga kể.

Để bảo vệ con của mình, những ông bố, bà mẹ ở xóm chài đành phải buộc con vào mạn thuyền, vào bàn ghế, kèo cọc trong nhà bè. Những đứa bé mới tập đi chỉ có thể đi loanh quanh trong bán kính chưa đầy 1m.

Chị Nguyễn Thị Tuyết (29 tuổi) có 3 đứa con nhỏ đều bị buộc vào mạn thuyền. Ngày ngày, chị Tuyết cùng chồng ngược sông Đồng Nai để kiếm tôm, cá mưu sinh qua ngày. Không có tiền gửi con vào nhà trẻ, hai vợ chồng lấy dây dù quấn quanh bụng con, chỗ quấn dây chèn thêm một lớp áo để con khỏi bị bầm tím. Đứa con lớn buổi ngày đi học, trưa về một tay thay bố mẹ chăm sóc 3 em nhỏ.

Xóm "trói" con ở Đồng Nai - 2

Chị Tuyết buộc con trước khi cùng chồng đi đánh cá

Hết trói lại buộc

Những đứa bé con em xóm vạn chài vốn đã nghèo khổ, nay càng thêm mặc cảm với bạn bè cùng trang lứa. Lớn thêm một chút, tụi nhỏ không còn bị buộc dây nữa, có thể chạy nhảy từ bè này sang bè khác, hoặc lên bờ chơi nhảy dây, bắn bi.

Tuy nhiên, đề phòng lũ trẻ sảy chân rơi xuống nước, người dân xóm chài lại buộc vào người mỗi cháu một can nhựa, túi khí. “Mấy đứa này đang độ tuổi hiếu động, nhưng lại chưa biết bơi. Vợ chồng tui đành phải buộc cái can nhựa vào người cháu. Nếu sơ sảy, cháu còn bám được vào đó mà trồi lên thở”, chị Nga cho biết.

Lũ trẻ xóm chài đứa nào cũng lếch thếch cái can nhựa, túi khí, chỉ mong lớn thêm chút nữa để được học bơi. Nhưng dường như với độ tuổi còn quá nhỏ của chúng, học bơi xong chưa chắc đã thoát khỏi tay hà bá, khi ngay cả những người lớn trong xóm chài cũng khiếp sợ con sông này.

Hỏi về khát vọng lên bờ, chị Nguyễn Thị Tuyết thở dài: “Dẫu biết lên bờ là không phải lo con rớt xuống sông, nhưng lên bờ công ăn việc làm không có, lấy gì nuôi nhau? Cả nhà tui chỉ có đứa lớn nhất học lớp 1 được miễn học phí, ba đứa nhỏ đi nhà trẻ đều tốn tiền cả, nên đành buộc con vào thuyền thôi”…

Những đứa trẻ sau khi đã học bơi thuần thục đều theo cha mẹ trên chiếc thuyền nhỏ ngược sông Đồng Nai đánh cá. Giấc mơ đến trường càng thêm xa vời khi những con cá, con tôm ngày càng vơi dần, lũ trẻ phải lên bờ nhặt ve chai, bán vé số...

Xóm vạn chài Thái Hòa gồm hơn 100 chiếc bè san sát nằm trên khúc sông Đồng Nai chảy qua Biên Hòa. Những người già trong xóm vạn chài kể rằng, từ những năm 1970, nhiều người miền Bắc đã vào đây sinh sống, đánh bắt cá và dựng nhà, kết bè trên khúc sông này. Dần dần, những người dưới miền Tây cũng ngược con nước tìm về đây kiếm kế sinh nhai.

Xóm chài ngày một đông đúc. Bà Nguyễn Thị Ngọc Hà, Phó Chủ tịch UBND phường Long Bình Tân, cho biết, xóm vạn chài Thái Hòa có gần 100 gia đình, trong đó có 11 hộ thuộc diện nghèo. “Người dân chủ yếu sinh sống bằng nghề đánh bắt thủy sản, kinh tế bấp bênh, nên nhiều trẻ em không được đến trường”, bà Hà nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Quang Minh (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN