Xóm nghĩa địa ở Sài Gòn

Sự kiện: Tin TP Hồ Chí Minh

Rất nhiều người cũng đã tỏa đi nơi khác sinh sống nhưng vẫn còn một số hộ dùng dằng chưa biết đi đâu về đâu.

Đã từ rất lâu, khu vực ven sông Rạch Lào, phường 15, quận 8 (TP.HCM) vẫn được gọi là “xóm nghĩa địa” bởi mọi sinh hoạt của người dân đều gắn chặt cùng những nấm mồ. Mộ trên thềm, mộ trước cửa, mộ quanh nhà. Năm 2014, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, tất cả ngôi mộ đã được di dời đi nơi khác. Nhiều người nghĩ tương lai họ sẽ tươi sáng hơn nhưng...

Người chết đi, người sống đói

Ngôi nhà cạnh sông Rạch Lào của chị Cao Thu Hà thấp lè tè, rộng chưa đến chục mét vuông, được che chắn tạm bợ bằng những tấm tôn gỉ sét. Chỉ vào những mảnh gạch vụn loang lổ ngay trên sân, chị Hà cho biết đó là vết tích của một ngôi mộ đã được bốc hết hài cốt.

Ngày trước, khi còn nghĩa địa, gia quyến người đã khuất thường đến cúng bái rồi để lại chút tiền gọi là nghĩa tình với người chăm sóc mộ, nhờ đó vợ chồng chị Hà cũng được hưởng chút ít. Hai năm nay không ai tới lui, với vỏn vẹn mấy chục ngàn đồng từ tiền chạy xe ôm hằng tháng, cuộc sống của gia đình này luôn trong tình trạng thiếu thốn. Mấy tháng trước, đứa con trai lớn của chị xin đi làm công nhân nhưng lại bất ngờ mắc căn bệnh ù tai, bác sĩ bảo có nguy cơ bị điếc hoàn toàn. Người phụ nữ lắc đầu, bảo đến đâu hay đến đó chứ lấy tiền đâu chữa trị.

Xóm nghĩa địa ở Sài Gòn - 1

Sau ca bốc vác về, ông Nguyễn Thành Tân nằm võng nghĩ ngợi xa xăm về tương lai.  Ảnh: HOÀNG LÊ

Sát vách nhà hàng xóm, chị Ngô Thị Kim Hường đang cặm cụi nấu đồ ăn. Bữa trưa của đại gia đình tám nhân khẩu là một nồi nước dùng nui chỉ toàn hành ngò và giá. Vừa nếm nước lèo, người phụ nữ nói thao thao: “Mấy năm về trước, cứ đến tháng Bảy âm lịch là mạnh thường quân lại đến cho phiếu gạo, phát bánh trái rất nhiều nên ăn uống thoải mái lắm. Giờ người chết đi hết rồi, người sống đói meo râu. Phải chi còn gò mả…”.

Chưa hết câu, chị Hường lật đật chạy ra kéo cậu em trai Ngô Hoàng Sang đang ngồi thẫn thờ ngoài bờ sông vào. 23 tuổi cũng là ngần ấy thời gian Sang mắc căn bệnh tâm thần nhẹ, đầu óc chỉ như một đứa trẻ. Hỏi cậu không còn mồ mả, trống trải vậy có thích không, Sang bỗng phản ứng mạnh, quơ tay loạn xạ, ý nói buồn lắm.

Chưa biết về đâu...

Tiếng nhạc bolero dẫn chúng tôi vào căn chòi rách của ông Nguyễn Thành Tân. Người đàn ông nằm trên chiếc võng lắc lư, sát bên là mớ mền gối cũ lớp nọ chồng lớp kia lộn xộn. Đã 46 tuổi nhưng ông Tân vẫn gắng sức đi bốc vác hằng ngày để đủ tiền nuôi vợ con. Thấy khách tới, ông Tân khoe xóm nghĩa địa bây giờ không còn mả thì dắt xe ra dễ dàng hơn, con nít ít bệnh tật hơn, đám rau lang có chỗ mọc nhiều hơn, trời mưa nước cũng mau thoát hơn chứ không còn ngập như trước. Nhưng…

Sau tiếng nhưng ấy, ông Tân cho biết mình rất hoang mang. Bởi ông cũng như các hộ gia đình khác đều hiểu nơi mình đang sống là đất công, xưa giờ chỉ cắm sào ở tạm chứ nào có mảnh giấy đỏ lận lưng. Mồ mả bốc hết đồng nghĩa với ngày gia đình ông bị giải tỏa đi không còn xa. Khi ấy, gánh nặng cơm áo gạo tiền sẽ còn chất chồng hơn nữa. “Thà cứ là xóm nghĩa địa như ngày xưa, sống chật chội đói nghèo mà không lo chốn dung thân. Có ai muốn sống với người chết đâu nhưng duyên phận đẩy đưa vậy cũng đành” - ông Tân nói.

Khi thấy nhiều người hàng xóm của mình lần lượt bỏ khu đất này mà đi khi nghĩa địa được giải tỏa, những người này cũng đã nhiều lần chuẩn bị tâm lý sẵn sàng rời bỏ mảnh đất tạm vốn không thuộc về mình. Nhưng họ dùng dằng mãi vẫn chưa biết đi đâu về đâu, bởi phía trước là cả một chặng đường mịt mù.

“Xóm nghĩa địa” (hay còn gọi là xóm Gò Mả) là một khu nghĩa địa nằm dọc theo dòng kênh Rạch Lào, thuộc khu phố 4, phường 15, quận 8, TP.HCM. Khoảng 40 năm về trước, những người vô gia cư lục đục kéo nhau về đây sinh sống, dựng nhà sát cạnh những ngôi mộ tạo nên một cảnh tượng hỗn tạp “người sống ở chung với người chết” khiến người lạ lỡ bước chân vào không khỏi rùng mình.

Đến đầu năm 2013, UBND quận 8 có quyết định di dời, giải tỏa các khu nghĩa địa. Việc UBND quận có quyết định di dời, giải tỏa các khu nghĩa địa nhằm hạn chế việc ô nhiễm dịch bệnh, giải phóng mặt bằng, ngăn chặn việc lấn chiếm của các hộ dân xung quanh, đưa vào sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên đất và tạo mỹ quan đô thị cho quận 8. Hầu hết các hộ đã rời đi nhưng vẫn còn một số hộ bám trụ lại nơi này.

___________________________________

Ở đây buồn muốn chết. Ngày trước mả nhiều còn chơi năm mười, dí bắt được, còn có người này người kia tới viếng người chết rồi thăm luôn người sống, giờ trống lốc vậy toàn ngồi một chỗ. Chán ơi là chán. Còn nói đi nơi khác sống mà cha mẹ nói đi thì biết đi đâu!

Bé TRÚC TUYỀN, xóm nghĩa địa

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo HOÀNG LÊ (Pháp luật TP.HCM)
Tin TP Hồ Chí Minh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN