“Xin hỏi bộ trưởng, bao giờ dân hết đu dây qua sông?”

Tại phiên chất vấn chiều 13.3, các đại biểu Quốc hội gọi chuyện người dân phải đu dây, chui túi nilon qua sông là “bất cập đau lòng”.

Tham gia “chia lửa” tại phiên chất vấn Chủ nhiệm UB Dân tộc Giàng Seo Phử trước UB Thường vụ Quốc hội chiều 13.3, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng nhận được hai câu hỏi về vấn đề vấn đề cầu dân sinh.

Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam), Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề cập đến chuyện nhiều vùng có cây cầu treo qua sông, suối xuống cấp, hư hỏng, thậm chí nhiều nơi không có cầu, người dân phải đu dây, chui vào túi nilon qua sông. Ông gọi đây là “bất cập đau lòng”.

Đại biểu Võ Thị Dung (TP.HCM) cũng nhắc đến câu chuyện vừa qua, một số đồng bào qua sông, suối bằng đu dây, không an toàn.

“Chúng tôi cũng thấy Bộ trưởng Giao thông Vận tải rốt ráo chỉ đạo vấn đề này. Xin hỏi đến bao giờ đồng bào không phải qua sông bằng cách mất an toàn như thế?”.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cho biết, đối với bà con, cầu không chỉ liên quan đến việc đi lại mà còn gắn với chữa bệnh, học hành...

“Xin hỏi bộ trưởng, bao giờ dân hết đu dây qua sông?” - 1
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng

 

Bộ GTVT đã phối hợp với Uỷ ban Dân tộc rà soát lại toàn bộ nhu cầu cầu dân sinh, cầu treo cần phải làm. Hiện nay, cả nước cần 4.145 cây cầu, trong đó có 481 cầu treo. Tổng số vốn đầu tư khoảng 8.400 tỷ đồng.

Để thực hiện được nhiệm vụ này, Bộ Giao thông Vận tải hoàn thành đề án phát triển cầu treo và dân sinh trình Thủ tướng, hiện nay Chính phủ đang lấy ý kiến các bộ, ngành về vấn đề này.

Ông Thăng nhấn mạnh, trong đề án, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất, đa dạng hóa các nguồn vốn, trước hết là vận động các tổ chức xã hội, doanh nghiệp tư nhân.

Trong đó, Bộ trưởng cho hay, Dự án Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên phấn đấu cuối năm 2015 hoàn thành. Do hoàn thành trước 1 năm nên dự án này tiết kiệm được vốn đầu tư, đặc biệt là vốn dự phòng không sử dụng đến.

Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ, Quốc hội cho phép dùng một phần nguồn vốn dư này để làm cầu treo dân sinh.

“Nếu đề án chúng tôi trình được phê duyệt, đặc biệt là Quốc hội cho phép sử dụng một phần vốn dư của đường Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, năm 2017 sẽ hoàn thành được hơn 4.145 cây cầu”, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định.

Theo Bộ trưởng Thăng, trách nhiệm làm cầu thuộc về các địa phương. Tuy nhiên những địa phương có nhu cầu cầu treo phần lớn đều phải do Trung ương cân đối ngân sách. Do vậy, Bộ Giao thông Vận tải chủ động xây dựng đề án này.

“Cũng mong rằng các địa phương không ỉ lại, cần chủ động bố trí các nguồn vốn tham gia xây dựng. Đồng thời quy hoạch ổn định khu dân cư, nếu không như vậy sẽ dẫn đến chuyện chạy theo làm cầu cho một vài hộ dân thì không biết chương trình khi nào mới xong”, Bộ trưởng Thăng nói.

Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cho biết, đề án phát triển cầu treo dân sinh được chia làm 3 kỳ đầu tư. Giai đoạn thứ nhất làm 187 cầu treo, tại 28 tỉnh, dự kiến đến 30.6.2015 hoàn thành. Giai đoạn 2, hoàn thành gần 300 cây cầu treo, dự kiến hoàn thành 31.3.2016. Số còn lại tiếp tục làm, sự kiến năm 2017 hoàn thành.

Nội dung..

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN