Xe buýt TP.HCM: “... Không làm được thì dẹp đi!”

Chạy chậm, thiếu an toàn, xe cũ kỹ… là những lý do khiến ngày càng ít người dân đi lại bằng xe buýt. Trong khi đó số tiền trợ cấp hàng năm cho xe buýt TP.HCM đã lên tới hơn 1.000 tỷ đồng.

Lợi dụng chính sách trợ giá để trục lợi

Chiều ngày 8/12, HĐND TP.HCM bắt đầu các phiên thảo luận tại tổ để đưa ra những giải pháp cho những vấn đề nổi cộm tại TP hiện nay, trong đó câu chuyện liên quan đến xe buýt và chính sách trợ giá cho loại phương tiện này đã được “mổ xẻ” rất nhiều.

Xe buýt TP.HCM: “... Không làm được thì dẹp đi!” - 1

 Đại biểu Huỳnh Quốc Cường.

“Tôi có đám cưới ở Củ Chi mà bắt đầu đi xe buýt từ quận 4 lúc 9h, đến nơi thì đám cưới đã xong” – đại biểu Huỳnh Quốc Cường mở đầu phần chất vấn bằng trải nghiệm của chính ông để nói lên một trong nhiều bất cập hiện nay của xe buýt là không đúng giờ.

Theo ông Cường, xe buýt còn rất nhiều điều khiến người dân “quay lưng” như xe cũ, lái xe chạy ẩu, các bến quá xa trong khi TP.HCM có rất nhiều ngõ ngách khiến người dân phải đi bộ nhiều hơn.

Một vấn đề nghiêm trọng hơn mà ông Cường đề cập là tình trạng lợi dụng chính sách trợ giá để trục lợi. Ông cho rằng hoạt động này đang bị “biến tướng” và làm ngân sách thành phố phải gánh chịu một khoản không nhỏ. “Tốn kém mà hiệu quả thấp, không làm được thì dẹp đi!” – ông Cường gay gắt nói.

Cùng phát biểu về vấn đề này nhưng đại biểu Huỳnh Công Hùng lại hướng đến những giải pháp để cải thiện tình hình hiện nay. “Chúng ta không thể bỏ xe buýt, nếu bỏ thì hàng trăm triệu lượt hành khách sẽ đi bằng gì? Cốt lõi chỉ có 6 chữ này thôi, “An toàn – Tiện lợi – Đúng giờ”, chúng ta phải thay đổi cách quản lý để thay đổi tình trạng này và đạt được những chữ ở trên” – ông Hùng nói.

Trong khi đó đại biểu Lê Trương Hải Hiếu cũng cho rằng cần thay đổi chính sách trợ giá hiện nay. Theo ông thì nên thực hiện xã hội hóa tại những tuyến có đông hành khách sử dụng, theo cách để cho tư nhân làm và cắt hết trợ giá cho những tuyến này, còn lại thành phố chỉ thực hiện trợ giá những tuyến ở xa để giảm số tiền ngân sách phải bỏ ra.

Nhiều đại biểu cũng đề nghị xem xét lại vai trò của Trung tâm quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng để đánh giá xem nơi này có phát huy được giá trị của mình và có khắc phục được những hạn chế, yếu kém đã chỉ ra hay không (tháng 11/2014 một số lãnh đạo của Trung tâm đã bị kỷ luật vì để xảy ra sai phạm).

Xe buýt TP.HCM: “... Không làm được thì dẹp đi!” - 2

Lượng hành khách ngày càng sụt giảm khiến nhiều người đòi cải tổ mạnh mẽ chính sách đối với xe buýt hiện nay.

Đáp lại các chất vấn, đại diện Sở Giao thông Vận tải TP.HCM thừa nhận loại phương tiện này vẫn còn những bất cập, hạn chế chưa được khắc phục và chỉ tiêu vận tải năm nay cũng không đạt mục tiêu đã đề ra.

Ngoài những nguyên nhân ở trên đã khiến lượng hành khách sụt giảm thì theo ông còn có một nguyên nhân khác là do TP chưa có phương án hạn chế xe cá nhân. Vị đại diện cũng cho biết thời gian tới Sở sẽ tập trung khắc phục những hạn chế này và đưa vào áp dụng quy hoạch xe buýt mới để thay thế cho quy hoạch đã lạc hậu hiện đang sử dụng.

Bức xúc về an toàn thực phẩm

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn Hiếu cho rằng vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm của TP hiện nay đã trở lên “cực kỳ bức xúc”. “Chúng ta đang phấn đấu để đưa TP thành nơi có chất lượng sống tốt nhưng ngay cả “đầu vào” cơ thể cũng không đảm bảo thì sẽ rất khó khăn” – ông nói.

Theo ông Hiếu hiện nay mọi người dân đều đồng tình với những giải pháp mà TP đã đưa ra để chấn chỉnh lại tình trạng này, tuy nhiên để mọi người cùng hành động thì TP phải thay đổi cách quản lý.

“Phải tăng tính nghiêm minh của pháp luật, xử lý mạnh tay với những ai cố tình vi phạm những điều bị cấm. Các cơ quan cũng phải có cam kết để lấy đó làm mục tiêu phấn đấu” – ông Hiếu nhấn mạnh.

Một vấn đề khác cũng được nhiều đại biểu quan tâm là việc cổ phần hóa. Trong khi ông Cường lo ngại việc xã hội hóa ngành cấp nước có thể dẫn đến những nguy hiểm khi ai đó có ý định “đầu độc từ từ” qua nguồn nước, thì ông Hiếu lại nghĩ đến viễn cảnh cổ phần hóa quá mức khiến nhà nước không còn công cụ để điều tiết.

Hôm nay 9/12, các đại biểu sẽ tiếp tục thảo luận những vấn đề trên tại hội trường.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Cường ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN