'Vượt mặt' bộ ngành Trung ương, Gia Lai tự ý duyệt 53 mỏ khoáng sản

Sự kiện: Thời sự

Thanh tra Chính phủ vừa chỉ rõ hàng loạt sai phạm trên địa bàn tỉnh Gia Lai, trong đó UBND tỉnh này phê duyệt bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản với 53 mỏ nhưng không lấy ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành có liên quan.

Thanh tra Chính phủ đã ban hành kết luận số 263, ngày 19/7, về việc thanh tra trách nhiệm của UBND tỉnh Gia Lai trong quản lý, sử dụng đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường; hoạt động khai thác cát, đất, đá, sỏi và quản lý đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh này.

Lãng phí trong đầu tư công

Kết luận trên đã chỉ rõ hàng loạt sai phạm trong nhiều lĩnh vực tại tỉnh Gia Lai giai đoạn 2016-2020, trong đó đáng chú ý là công tác quản lý đầu tư công.

Cụ thể, quá trình thực hiện, UBND tỉnh chậm xây dựng văn bản công bố giá vật liệu trên địa bàn tỉnh, gây khó khăn trong công tác lập dự toán các dự án đầu tư; chậm ban hành văn bản chỉ đạo, đôn đốc thực hiện công tác đấu thầu qua mạng theo lộ trình được quy định. UBND tỉnh cũng buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, chỉ đạo thực hiện việc xây dựng kế hoạch chi tiết về giám sát, theo dõi và kiểm tra công tác đấu thầu theo quy định.

Một mỏ cát xảy ra sai phạm tại huyện Krông Pa, Gia Lai.

Một mỏ cát xảy ra sai phạm tại huyện Krông Pa, Gia Lai.

Đơn cử như công tác lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch đầu tư công, quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư một số dự án chưa sát tình hình thực tế, có nguy cơ gây lãng phí nguồn lực. Điển hình, dự án cải tạo trụ sở Tỉnh uỷ Gia Lai xây dựng dự toán không sát nhu cầu sử dụng nên trong quá trình thực hiện, năm 2017 phải điều chỉnh quy mô làm tăng tổng mức đầu tư từ 25 tỷ đồng lên 43 tỷ đồng, gây lãng phí.

Dự án kênh tiếp nước Hồ Mnúi (xã Dun, huyện Chư Sê) đã chi cho công tác lập, thẩm tra báo cáo kinh tế kỹ thuật, quản lý dự án nhưng không có hạng mục chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng là thiếu trách nhiệm, dẫn đến dự án không triển khai thực hiện do khu vực thực hiện chưa giải phóng được mặt bằng.

Cá biệt, dự án Thuỷ lợi Djang (huyện Kbang), năm 2017, UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư thiếu thực tế, thiếu trách nhiệm, dẫn đến phải dừng thực hiện do khu vực dự án ảnh hưởng đến 4,3 ha rừng phòng hộ.

Việc phân bổ, bố trí vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 chậm, thiếu, giao thành nhiều đợt, chưa sát với thực tế dẫn đến trong giai đoạn phải điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn 8 lần nhưng tổng số vốn bố trí vẫn còn thiếu so với kế hoạch được phê duyệt 1.518 tỷ đồng.

Đặc biệt, tình trạng phê duyệt các dự án đầu tư dàn trải nên việc triển khai vượt quá khả năng cân đối nguồn vốn, dẫn đến 32 dự án thuộc kế hoạch thi công chậm tiến độ, dở dang do thiếu vốn, phải chuyển sang giai đoạn 2021-2025 với tổng số vốn 1.931 tỷ đồng, có nguy cơ gây lãng phí ngân sách do biến động giá nguyên vật liệu, nhân công.

Ngoài ra, dự án kè suối Hội Phú do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP.Pleiku làm chủ đầu tư để xảy ra sai phạm, như: Gói thầu số 1 (đoạn Km1+440-km 1+760), chủ đầu tư đồng ý cho Cty TNHH Trung Kiên ký hợp đồng thầu phụ có trị giá hơn 23,2 tỷ đồng (tương đương 70% giá trị hợp đồng do Cty TNHH Trung Kiên thực hiện), vi phạm các hành vi bị cấm trong đấu thầu; một số công ty trúng thầu đã giả mạo hợp đồng tương tự để tham gia dự thầu và trúng thầu.

Tùy tiện cấp mỏ

Kết luận số 263 cũng chỉ rõ nhiều sai phạm trong hoạt động khai thác cát, đất, đá, sỏi. Theo đó, giai đoạn 2016-2020, UBND tỉnh đã tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 74 khu vực mỏ (đá xây dựng 16 mỏ, 39 mỏ cát, 8 mỏ đất san lấp, 9 mỏ đất sét, 2 mỏ than bùn).

Dự án kè suối Hội Phú.

Dự án kè suối Hội Phú.

Toàn tỉnh Gia Lai còn 206 mỏ có trong quy hoạch nhưng chưa được cấp phép. Tuy nhiên, trong giai đoạn trên, UBND tỉnh phê duyệt bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản với 53 mỏ nhưng không lấy ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), các bộ, ngành có liên quan, điều này là vi phạm quy định. Việc chấp hành chế độ thông tin báo cáo về kết quả hoạt động khoáng sản của UBND tỉnh (năm 2019 và năm 2020) với Bộ TN&MT còn chưa đúng quy định, vi phạm Nghị định 158/2016 của Chính phủ.

Tính đến ngày 30/6/2021 (theo báo cáo của Cục Thuế tỉnh) trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 7 đơn vị còn nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản hơn 15 tỷ đồng nhưng các cơ quan chức năng chưa có biện pháp đôn đốc, thu nộp về ngân sách.

Đáng nói, có dự án mỏ cát sau khi được cấp phép đã không bán cát phục vụ xây dựng tuyến đường Hồ Chí Minh, đoạn đường tránh qua TP. Pleiku như chủ trương đầu tư đã được cấp, mà bán cho các công trình xây dựng khác, thực hiện không đúng chủ trương, giấy phép được cấp, gây lãng phí nguồn tài nguyên khoáng sản.

Tại khu đất (ở xã Ia Sao, thị xã Ayun Pa) nằm sát mỏ đất sét của Công ty CP Phú Bồn có khoảng 3,3 ha đất sét (chưa được UBND tỉnh cấp phép khai thác) đã có hiện tượng khai thác trái phép. Trong đó, phần diện tích đất 9.167m² đã bị Công ty TNHH MTV Hoàng Khánh khai thác; khoảng 2,4ha còn lại, bị khai thác từ nhiều năm trước để phục vụ thi công công trình xây dựng trên địa bàn.

Qua hàng loạt các sai phạm, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân lãnh đạo UBND tỉnh Gia lai giai đoạn 2016-2020 và giai đoạn có liên quan về những thiếu sót, tồn tại, vi phạm liên quan đến trách nhiệm quản lý, điều hành được nêu trong kết luận; yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai căn cứ kết luận thanh tra, khẩn trương triển khai thực hiện khắc phục, xử lý đối với những tồn tại, vi phạm được nêu theo đúng quy định, báo cáo kết quả về Thanh tra Chính phủ.

Nguồn: [Link nguồn]

Nhấn mạnh đến việc thực hiện quy định của Bộ Chính trị về phòng chống tham nhũng tiêu cực trong xây dựng chính sách pháp luật, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị rà soát thật kỹ, xem có nhóm lợi ích nào trong xây dựng Luật Địa chất và Khoáng sản này không.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tiền Lê ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN