Vụ sà lan đâm chìm 44 nhà: Mối nguy chực chờ
Có lẽ người dân ở đây không ai nghĩ có ngày sà lan "dọn" nhà mình xuống sông. Nhưng với số lượng ghe xuồng, tàu bè đi lại trên sông Cái Sắn ngày một nhiều thì đúng là không thể nói trước được điều gì...
Như Dân Việt đã thông tin, ngày 18/6, sà lan chở cát mang biển kiểm soát TN - 0233 chạy từ hướng Lộ Tẻ về Kiên Giang khi đến khu vực tuyến sông Cái Sắn do chạy với tốc độ nhanh cộng với ngược dòng nước nên làm đứt dây neo đậu của 2 sà lan mang biển kiểm soát SG- 4753 và AG- 15599, khiến 2 sà lan này trôi từ hướng Vĩnh Trinh về Thốt Nốt (TP.Cần Thơ) dẫn đến va quệt làm sập 44 căn nhà dọc theo tuyến sông.
Ngày 19/6, chúng tôi tìm đến khu vực này và chứng kiến cảnh người dân và chính quyền địa phương khắc phục, dựng lại những ngôi nhà bên đống đỗ nát.
Anh Trần Văn Đông - một người có nhà bị sập hoàn toàn cho biết: “Nhìn những chiếc sà lan này nó trôi từ từ, không có gì dữ dội, nhưng nó đụng tới đâu là tiêu tới đó. Nhà tui ở đằng kia, nghĩ là không sao, nên tui cứ lo chống đỡ tiếp bà con đằng này không ngờ liền sau đó nó đụng cái rốp là toàn bộ căn nhà và tài sản nhà tui sập xuống sông… ”. Khi được hỏi chừng nào cất nhà lại, anh nói: “Tiền đâu mà cất, có hai trăm triệu cũng chưa cất được như cũ, chưa kể đồ đạc trong nhà chẳng còn gì…”.
Kế bên là căn nhà của anh Châu Văn Ấn, cất chưa đầy năm với hơn hai triệu đồng cũng sụp hết xuống sông. Cách nhà anh Ấn chừng mươi mét, là nhà của anh Trần Văn Cường cũng bị sập tương tự. Ngồi bó gối nhìn xuống dòng sông, anh Cường nói không ra hơi: “Phần nhà sau của tôi bị sà lan vướng vô rồi sụp xuống sông, nó kéo theo cả căn nhà xuống hết dưới sông”. Rồi anh chỉ tay qua bên kia đường: “Bây giờ tôi đang che lều ở tạm bên mé đường bến đó”.
Ngay sau khi xảy ra sự cố, UBND TP. Cần Thơ đã hỗ trợ cho 9 hộ có nhà sập hoàn toàn mỗi hộ 2 triệu đồng và 9 hộ có nhà bị hư hại nặng mỗi hộ 1 triệu đồng.
Sà lan chở cát (Ảnh minh họa)
Theo ghi nhận của chúng tôi, khu vực này có rất đông dân cư cất nhà dọc theo bờ sông Cái Sắn, dài khoảng hơn 3km thuộc địa phận của xã Vĩnh Trinh. Ông Chung Phước Sòng - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Trinh (huyện Vĩnh Thạnh) cho biết: “Đó là những hộ đã cất nhà ở đây đã lâu. Về mặt pháp lý thì họ không vi phạm nên UBND xã tiếp tục cho họ sửa chữa lại chứ không cho phép dân cất mới trên bờ sông này. Chính vì vậy mà số lượng nhà được sửa khang trang thêm mỗi ngày một nhiều trên khúc sông này. Ước tính có hàng ngàn hộ đang có nhà và sinh sống trên bờ sông Cái Sắn. Chỉ riêng khúc bờ sông thuộc địa phận xã Vĩnh Trinh đã có gần 600 hộ đang sinh sống. “Biết là sống trên sông như thế là không bảo đảm an toàn nhưng đời sống bà con ở đó đã ổn định từ lâu… Hiện nay, xã chưa có kế hoạch di dời nhà trên sông Cái Sắn, mà nếu có muốn di dời thì cũng không thể vì phải có tiền hỗ trợ cho dân…” – ông Sòng nói.
Có lẽ người dân ở đây không ai nghĩ có ngày sà lan "dọn" nhà mình xuống sông, bởi hồi nào giờ cứ sống như thế. Nhưng với tốc độ phát triển ngày một nhanh, ghe xuồng, tàu bè đi lại trên sông Cái Sắn ngày một nhiều thì đúng là sinh mạng, tài sản của dân ở khu vực không thể nói trước được điều gì. Chỉ đứng nhìn khúc sông này trong chưa đầy 5 phút mà chúng tôi đã đếm được 4 chiếc sà lan lớn cùng trên dưới chục chiếc ghe lớn nhỏ và tác ráng xuôi ngược qua đây. Không khỏi giật mình về một mối nguy hiểm chực chờ…