Việt Nam sẽ tham gia cuộc tập trận hàng hải lớn nhất thế giới

Sự kiện: Thời sự

Cuộc tập trận hàng hải đa quốc gia Vành đai Thái Bình Dương RIMPAC 2018 sẽ bắt đầu từ ngày 27-6 đến ngày 2-8, diễn ra trong và xung quanh quần đảo Hawaii và phía Nam bang California của Mỹ.

Việt Nam sẽ tham gia cuộc tập trận hàng hải lớn nhất thế giới - 1

Tàu chiến các nước tham gia RIMPAC 2016. Ảnh: Hải quân Mỹ

Hôm 30-5, Hải quân Mỹ thông báo tổng cộng 26 nước, 47 tàu chiến, 5 tàu ngầm, hơn 200 máy bay và 25.000 nhân viên quân sự sẽ tham gia cuộc tập trận hàng hải quốc tế được xem là lớn nhất thế giới này.

26 nước tham gia có Úc, Brazil, Brunei, Canada, Chile, Colombia, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Israel, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Hà Lan, New Zealand, Peru, Hàn Quốc, Philippines, Singapore, Sri Lanka, Thái Lan, Tonga, Anh, Mỹ và Việt Nam.

Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên Việt Nam, Brazil, Israel và Sri Lanka tham gia RIMPAC, hiện diễn ra 2 năm một lần.

RIMPAC 2018 là cuộc tập trận thứ 26 kể từ khi nó được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1971, mỗi 2 năm/lần. Mục đích cuộc tập trận là duy trì các mối quan hệ hợp tác quan trọng nhằm đảm bảo an toàn cho các tuyến đường biển và an ninh liên đại dương.

Chủ đề của RIMPAC 2018 là "Khả năng, Thích ứng, Đối tác". Các lực lượng tham gia sẽ thể hiện khả năng cũng như sự linh hoạt vốn có của hải quân. Những khả năng này bao gồm cứu trợ thiên tai, kiểm soát trên biển và chiến đấu đa dạng.

Chương trình huấn luyện thực tế có những nội dung như đổ bộ, bắn súng, phóng tên lửa, chống tàu ngầm và phòng không cũng như chống cướp biển, xử lý bom mìn, lặn và cứu hộ.

RIMPAC 2018 sẽ do Phó Đô đốc John D. Alexander, người đứng đầu Hạm đội 3 của Mỹ, dẫn dắt. Người này cũng kiêm luôn vị trí chỉ huy trưởng lực lượng đặc nhiệm kết hợp (CTF).

Chuẩn Đô đốc Hoàng gia Canada Bob Auchterlonie sẽ lãnh nhiệm vụ phó chỉ huy trưởng CTF và Chuẩn Đô đốc Nhật Bản Hideyuki Oban nắm quyền phó chỉ huy CTF.

Trong động thái gây chú ý, Mỹ quyết định rút lại lời mời Trung Quốc tham gia RIMPAC năm nay vì hành động quân sự hóa biển Đông. Bộ Quốc phòng Trung Quốc sau đó lên án quyết định không mang tính xây dựng của Mỹ, đồng thời cho rằng nó không mang lại lợi ích cho tiến trình thúc đẩy lòng tin và liên lạc chung giữa quân đội 2 nước.

Hạm đội tàu ngầm Kilo – Bước đi khôn ngoan của Việt Nam

“Với các tàu ngầm Kilo, VN có thể xoay chuyển thế cân bằng lực lượng chiến thuật trên Biển Đông“.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phạm Nghĩa (Người lao động/Navy.mil)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN