Vì sao xe khách hai tầng hay lật?

Vụ lật xe khách Mai Linh 2 tầng tại Quảng Bình sáng 17/7 một lần nữa khiến nhiều người lo ngại về mối nguy hiểm từ loại phương tiện quá khổ này.

PV Báo Giao thông đã trao đổi với PGS. TS Nguyễn Khắc Trai (Nguyên giảng viên ĐH Bách Khoa Hà Nội) về những khác biệt giữa xe khách hai tầng với xe thông thường, đòi hỏi kỹ thuật lái rất chuẩn của tài xế.

Vì sao xe khách hai tầng hay lật? - 1

Xe khách giường nằm 2 tầng của hãng Mai Linh Express bị tai nạn tại Quảng Bình vào 3h30’ ngày 17/7

Nhiều tài xế cho biết lái xe hai tầng khác hẳn xe thông thường, ông có thể lý giải điều này?

Tại Trung Quốc, xe khách hai tầng được xem là thảm họa giao thông do gây ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng, loại xe này cũng từng bị cấm hoạt động đường dài, không được chạy đêm (từ 2 - 5 giờ sáng) tại nhiều tỉnh của Trung Quốc. Nhưng ngược lại, tại Việt Nam, loại xe này chủ yếu được khai thác chạy đêm tuyến đường dài.

Xe hai tầng giường nằm có thể coi như một loại xe siêu trường siêu trọng. Kết cấu xe hai tầng giường nằm và xe khách thường có nhiều đặc điểm khác nhau. Xe hai tầng giường nằm có chiều dài lớn, trọng tải của nó được thiết kế ở vùng giới hạn trọng tải của xe hai cầu.

Do vậy, khi điều khiển xe không nên tăng giảm ga, đánh lái đột ngột. Điều đó dễ gây nên thay đổi tải trọng đặt lên các cầu xe và dễ dẫn tới trượt ngang và trượt dọc bánh xe khi chạy trên đường có độ bám thấp.

Ở Việt Nam, nhiều mặt đường xấu, nhiều ổ gà nên lái xe phải hết sức chú ý. Đặc biệt, lái xe nên lái với tốc độ thấp hơn xe khách thường và xử lý tình huống sớm hơn. Với loại xe này, cần người lái cẩn trọng, điềm tĩnh.

Với loại xe này, tai nạn phổ biến nhất là lật xe, vì sao như vậy, thưa ông?

Nguyên nhân lật xe là do xe mất ổn định khi ngẫu lực gây lật lớn hơn ngẫu lực chống lật. Xe lật ngang là do mất ổn định ngang, ví dụ xe chạy trên đường nghiêng hay đụng ổ gà có một bên cao còn bên kia thấp hơn. Xe lật dọc là do mất ổn định dọc, ví dụ xe chạy lên dốc nhanh, hay chạy đổ dốc nhanh và phanh gấp.

Đương nhiên, khả năng bị lật của xe hai tầng luôn cao hơn một tầng vì trọng tâm xe hai tầng cao hơn. Xe cũng dễ bị lật ngang khi quay vòng gấp do lực ly tâm tạo ngẫu lực gây lật.

Các tài xế cần lưu ý thêm những nguyên nhân khác như: Xe đổ đèo nhanh, phanh gấp khiến lái xe mất bình tĩnh đánh tay lái gấp tạo ra lực ly tâm lớn dẫn đến lật xe…

Như vậy, xe khách hai tầng là một phương tiện đặc biệt rất cần những cảnh báo hoặc quy định riêng để đảm bảo an toàn?

Tôi cho rằng, trước hết phải nói tới sự tắc trách của nhà sản xuất, đại lý, nhà phân phối xe. Tôi được biết hầu như họ không hướng dẫn, cảnh báo khách hàng về cách sử dụng và tuân thủ các quy tắc an toàn đối với loại xe này.

Doanh nghiệp cũng chưa ý thức hết được việc này. Nếu đưa một lái xe đang sử dụng xe khách thường chuyển sang cầm lái loại xe hai tầng quá khổ chạy các tuyến đường dài sẽ rất nguy hiểm, bởi cách thao tác, xử lý trên 2 loại xe này khác nhau.

Nếu không tuân thủ luật lệ, không nắm được đặc thù kỹ thuật của xe mà phóng nhanh, phanh và đánh lái gấp, lấn làn… nhất là khi chạy ban đêm thì nguy cơ xảy ra tai nạn vô cùng lớn. Với đường ở ta, tài xế xe hai tầng không nên chạy hết tốc độ tối đa quy định với xe thông thường.

Cảm ơn ông!

Ông Nguyễn Văn Liên - Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Quảng Bình:
Tài xế không làm chủ tốc độ tự gây tai nạn

Các cơ quan chức năng đang khẩn trương điều tra nguyên nhân của vụ TNGT. Kết quả ban đầu cho thấy, có thể do tài xế chạy nhanh không làm chủ được tốc độ và tự gây tai nạn. Vụ TNGT đã làm 2 hành khách trên xe bị thương, trong đó 1 hành khách bị gẫy tay. Ngay sau khi tai nạn xảy ra, lực lượng chức năng đã tiếp cận hiện trường, cấp cứu người bị thương. Hãng xe Mai Linh đã điều xe tăng cường vận chuyển hành khách tiếp tục cuộc hành trình.

Vào lúc 3h30’ ngày 17/7, xe khách giường nằm 2 tầng của hãng xe Mai Linh Express chạy hướng Nam Bắc QL1 đoạn qua xã Đồng Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) thì xảy ra tai nạn, trên xe chở 20 hành khách. Đây là vụ TNGT thứ 2 của hãng xe Mai Linh xảy ra liên tiếp trong 2 tháng qua. Trước đó, vào ngày 8/6 chiếc xe chở khách loại 45 chỗ xuất phát từ TP Buôn Ma Thuột về Đà Nẵng khi đến địa phận xã Điện An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam chạy quá tốc độ đâm vào ta luy, bị lật úp làm 3 người chết, 21 người bị thương.

Tài xế Nguyễn Văn Huân - lái xe khách tuyến Phú Yên - TP HCM:
Chạy nhanh, bẻ lái là lật liền

Hồi mới vào nghề tôi cũng đã chạy xe đường dài nhưng là xe 50 chỗ loại ghế ngồi. Từ 3 năm nay tôi chuyển sang lái xe đời mới, loại xe giường nằm 2 tầng. Xe giường nằm 2 tầng thậm chí còn dễ lái hơn vì máy móc hiện đại, tầm quan sát rộng hơn. Tuy nhiên, do xe này có chiều cao cao hơn nên lái xe phải cẩn thận hơn. Quan trọng là lái xe phải làm chủ được tốc độ. Khi qua những đoạn đường cong phải giảm tốc. Thậm chí khi chạy trên đường thẳng, nếu thấy không có chướng ngại vật mà phóng nhanh thì khi có sự cố thường bẻ tay lái là xe lật ngay.

Phan Tư (Ghi)

Thượng tá Cao Minh Phượng - Phó trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Nghệ An:
Xe hai tầng hay chạy quá tốc độ

Trên địa bàn Nghệ An có nhiều doanh nghiệp sử dụng xe 2 tầng để chạy đêm tuyến Vinh - Hà Nội và ngược lại vì sự tiện ích khi xuất bến vào ban đêm thì sáng sớm hành khách có mặt tại Vinh và Hà Nội để học tập, làm việc. Tuy nhiên, chạy ban đêm đường thoáng, ít phải xử lý các tình huống hơn ban ngày do đó nhiều tài xế đã chủ quan chạy quá tốc độ. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ TNGT như đấu đầu, lật xe. Cần tăng chế tài xử phạt đối với vi phạm xe khách để tăng tính răn đe, giáo dục đối với lái xe và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, phải sử dụng hiệu quả các thông tin được trích xuất từ thiết bị giám sát hành trình để kịp thời ngăn chặn ngay vi phạm, không để dẫn tới tai nạn rồi mới khắc phục hậu quả.

K.L (Ghi)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tùng Anh (Giaothongvantai.com.vn)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN