Vì sao cầu Rồng Đà Nẵng phải “chích” xilanh?

Theo Ban quản lý cầu Rồng, để xử lý các vết nứt do hiện tượng co ngót từ biến là bơm xilanh keo cường độ cao, độ nhớt thấp.

Trong những ngày qua, người dân thành phố Đà Nẵng lưu thông qua cầu Rồng đều bất ngờ và không hiểu vì sao ở tất cả ụ chân vòm, gờ chắn dải phân cách của chiếc cầu này chi chít vết nứt ngang dọc cũng như hàng trăm xilanh "mọc" lên như nấm.

Về “hiện tượng” lạ này, ngày 21/3, đại diện Ban quản lý cầu Rồng cho biết, Sở Giao thông Vận tải Đà Nẵng đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án Cầu Rồng, Tư vấn Giám sát và mời chuyên gia, tiến sĩ Trần Đình Quảng của Hội Khoa học kỹ thuật Cầu đường Đà Nẵng và thạc sỹ Lê Văn Lạc - Khoa Xây dựng Cầu đường Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, để cùng kiểm tra và đánh giá tình trạng của các vết nứt.

Theo đánh giá của các bên liên quan, nguyên nhân xảy ra các vết nứt tại dải phân cách giữa là do hiện tượng co ngót từ biến, vết nứt tại vị trí chân vòm và mố phía Đông là do co ngót giữa 02 khối đổ bê tông khối lượng lớn.

Vì sao cầu Rồng Đà Nẵng phải “chích” xilanh? - 1

Hàng trăm xilanh "mọc" lên như nấm ở cầu Rồng (Ảnh: Đình Thiên/Dân Việt)

Theo sổ tay quản lý, vận hành cầu Rồng được phê duyệt, đối với các vết nứt bê tông cốt thép thường, qua theo dõi nếu không phát triển cần phải được xử lý để đảm bảo hạn chế yếu tố xâm thực của môi trường.

Đại diện Ban quản lý cầu Rồng cho biết, những ngày qua và trong thời gian tới, nhà thầu thi công chịu trách nhiệm phối hợp với đơn vị quản lý vận hành triển khai xử lý các vết nứt theo quy định và các hướng dẫn của sổ tay quản lý, vận hành công trình (không phải là để che dấu). Trong đó vật liệu trám bề mặt vết nứt bằng vữa Epoxy Sikadur 731 cường độ cao và bơm keo Epoxy Sikadur 752 cường độ cao, độ nhớt thấp (hệ thống bơm xilanh), chứ không phải sử dụng vật liệu vôi vữa trét, bám.

Vì sao cầu Rồng Đà Nẵng phải “chích” xilanh? - 2

Đơn vị thi công đang xử lý vết nứt trên cầu Rồng

Cụ thể, các vết nứt thẳng đứng trên gờ chắn bánh dải phân cách, sẽ xử lý bằng biện pháp bơm keo Epoxy Sikadur 752 cường độ cao, độ nhớt thấp (hệ thống bơm xi lanh) đối với các vết nứt nhìn rõ; đục rãnh chữ V trám vữa Epoxy sikadur 731 đối với những vết rạn chân chim.

Các vết nứt tại vị trí tiếp giáp giữa hai lần đổ bê tông của dầm và ụ chân vòm, sẽ xử lý bằng biện pháp bơm keo Epoxy sikadur 752 cường độ cao, độ nhớt thấp (hệ thống bơm xi lanh), hoàn thiện bề mặt bằng vữa Epoxy sikadur 731.

 Bề mặt bê tông sau khi xử lý vết nứt được sơn phủ màu như bề mặt bê tông, loại sơn này phải được các bên liên quan kiểm tra, thử nghiệm và chấp thuận.

Ban quản lý cầu Rồng khẳng định, đây là giải pháp xử lý đã được sử dụng để xử lý các vết nứt của nhiều loại kết cấu bê tông, bê tông cốt thép ở trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Sở Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan giám sát chặt chẽ công tác sửa chữa này để đảm bảo đạt kết quả tốt nhất.

Việc xử lý các vết nứt do co ngót trong quá trình khai thác cầu Rồng sẽ được nhà thầu hoàn thành trước ngày 30/3.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Minh Lâm ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN