Vi phạm sở hữu trí tuệ: Thu 19 tỷ đồng tiền phạt
Các lực lượng chức năng phát hiện, xử lý trên 6.000 vụ vi phạm về sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong năm 2011, với số tiền phạt gần 19 tỷ đồng.
Đây là con số được công bố trong chương trình tọa đàm về sở hữu trí tuệ (SHTT) diễn ra vào ngày 5/4/2013 tại Hà Nội, do Bộ Khoa học và Công Nghệ, Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam tổ chức.
Theo Cục Sở hữu trí tuệ, các mặt hàng bị làm giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, gây nguy hại cho tài sản và sức khỏe người tiêu dùng bao gồm thuốc chữa bệnh, rượu, các loại thực phẩm, phân bón; hàng điện tử, đồng hồ, kính mắt, điện thoại di động…
Đặc biệt, một số loại hàng nhái rẻ tiền, kém chất lượng có xuất xứ từ Trung Quốc đã len lỏi vào thị trường Việt Nam. Trong đó chủ yếu tập trung vào các sản phẩm tiêu dùng rẻ tiền như: bao diêm, cây bút, thực phẩm, đồ uống, quần áo dầy dép, đồ gia dụng, đồ mỹ phẩm…
Ông Tạ Quang Minh, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ chia sẻ trong tọa đàm
Ông Tạ Quang Minh, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, phần lớn hàng giả là hàng tiêu dùng nhập lậu, giả mạo các thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài, bán với giá rẻ. Gần đây, việc các cá nhân, tập thể, doanh nghiệp kinh doanh sử dụng tem nhập khẩu giả, in ấn bao bì nhãn mác giả có quy mô và số lượng lớn đang tăng lên, do đó các cơ quan chức năng cũng rất khó kiểm soát và xử lý.
Theo ông Minh, ngoài ra, hiện nay một số nhãn hiệu như: thuốc lá Vinataba, cà phê Trung Nguyên, kẹo dừa Bến Tre… ở Việt Nam đang bị cá nhân, doanh nghiệp nước ngoài đánh cắp thương hiệu. Các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sản phẩm sang nước ngoài thường không chú trọng đăng kí quyền bảo hộ sản phẩm nên sản phẩm của họ thường bị làm nhái, làm giả.
Buổi tọa đàm về Sở hữu trí tuệ
Ông Minh cho rằng, nguyên nhân có thể xuất phát từ việc nhiều doanh nghiệp chưa chú trọng việc đăng kí bảo hộ sản phẩm khi xuất khẩu ra nước ngoài. Chưa có chiến lược cho việc xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường Trung Quốc, Mỹ, Nhật…
“Chúng tôi luôn khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sản phẩm của mình sang nước ngoài cần phải đăng kí quyền bảo hộ sản phẩm với Cục Sở hữu trí tuệ của nước đó để đảm bảo nhãn hiệu sản phẩm không bị đánh cắp”, ông Minh nói.
Ông Minh cho biết thêm, trong trường hợp các doanh nghiệp có nhu cầu đăng kí bảo hộ sản phẩm ở nước ngoài, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ phối hợp để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đăng kí. Khi có tranh chấp nhãn hiệu sản phẩm ở thị trường nước ngoài, Cục sẽ phối hợp doanh nghiệp để khởi kiện, tìm lại sự công bằng cho nhãn hiệu sản phẩm bị đánh cắp.
Năm 2012, Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận trên 40.000 đơn đăng kí xác lập quyền sở hữu công nghệ, trong đó có trên 3.000 đơn sáng chế; 29 đơn giải pháp hữu ích; trên 1.000 đơn kiểu dáng công nghiệp, gần 30.000 đơn nhãn hiệu; trên 4.000 đơn nhãn nhiệu đăng ký quốc tế chỉ định ở Việt Nam; 121 đơn đăng ký quốc tế có nguồn gốc ở Việt Nam (8 đơn sáng chế, 113 đơn nhãn hiệu). Cục Sở hữu trí tuệ đã bảo hộ cho gần 30.000 đối tượng sở hữu công nghệ, từ chối bảo hộ trên 9.000 đối tượng sở hữu công nghệ, trong đó có trên 1.000 nhãn hiệu đăng kí quốc tế có chỉ định ở Việt Nam. |