Vi phạm hành chính, phạt tối đa 2 tỷ đồng

Chiều 20/6, Quốc hội làm việc tại Hội trường biểu quyết thông qua Dự thảo Luật Giá; Giám định tư pháp; Phổ biến, giáo dục pháp luật; Xử lý vi phạm hành chính; Công đoàn (sửa đổi).

Giữ nguyên giám định pháp y thuộc công an cấp tỉnh

Biểu quyết thông qua tại hội trường hôm nay, Dự thảo Luật Giám định tư pháp có 471 đại biểu tham gia biểu quyết, trong đó có 464 tán thành, chiếm 92,99% tổng số đại biểu.

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013.

Theo đó, tổ chức giám định pháp y gồm: Viện pháp y quốc gia thuộc Bộ Y tế; Trung tâm giám định pháp y tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (thuộc ngành Y tế); Viện pháp y quân đội Bộ Quốc phòng; Trung tâm giám định pháp y thuộc Viện khoa học hình sự Bộ Công an. Căn cứ vào nhu cầu và điều kiện thực tế của địa phương, Phòng kỹ thuật hình sự thuộc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có giám định viên pháp y thực hiện giám định pháp y tử thi.

Ngoài dự thảo Luật Giám định tư pháp, dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) cũng được thông qua với số phiếu tán thành là 450, bằng 90,18% tổng số đại biểu; dự thảo Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật được thông qua với 468 đại biểu tán thành, chiếm 93,79% tổng số đại biểu; Dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính có 428 tán thành, chiếm tỷ lệ 85,77 %.

Theo Dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính, mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân vi phạm là 1 tỷ đồng và đối với tổ chức vi phạm là 2 tỷ đồng.

Luật Xử lý vi phạm hành chính sẽ có hiệu lực từ 1/7/2013, trừ những quy định liên quan đến việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính do Tòa án Nhân dân xem xét, quyết định thì có hiệu lực từ 1/1/2014.

Vi phạm hành chính, phạt tối đa 2 tỷ đồng - 1

Mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân vi phạm là 1 tỷ đồng (Ảnh minh họa)

Đưa sữa vào bình ổn giá

Theo kết quả  biểu quyết,  Dự thảo Luật Giá có 476 đại biểu tham gia biểu quyết và tất cả 476 đại biểu tán thành, chiếm 95,39% tổng số đại biểu.

Theo đó, về "Danh mục hàng hoá, dịch vụ thực hiện bình ổn giá", quyết định bổ sung vào Danh mục các mặt hàng: thuốc bảo vệ thực vật, phân NPK nhằm tạo công cụ vĩ mô, góp phần ổn định và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, giải quyết khó khăn cho người nông dân trong trường hợp cần thiết.

Ngoài những trường hợp trên, trước ý kiến đề nghị loại đường ăn và một số hàng hóa khỏi Danh mục, Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho rằng, đường là hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống. Mặt khác, giá đường ăn và muối ăn ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của người trồng mía và diêm dân. Vì vậy, xin cho giữ 2 mặt hàng này trong Danh mục hàng hóa thực hiện bình ổn giá.

Vi phạm hành chính, phạt tối đa 2 tỷ đồng - 2

Sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi được đưa vào danh sách mặt hàng bình ổn giá (Ảnh minh họa)

Cũng theo đó, UBTVQH cho rằng, sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi là mặt hàng thiết yếu, tác động trực tiếp đến sức khoẻ, trí tuệ trẻ em, đối tượng cần được bảo vệ. Mặt khác, sữa là mặt hàng có giá cả diễn biến không ổn định, gây bất lợi cho người tiêu dùng. Vì vậy, đề nghị bình ổn giá đối với sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi như quy định của Dự thảo luật. 

Về giá điện: UBTVQH cho rằng, việc quy định khung giá đối với giá bán lẻ bình quân là bảo đảm phù hợp với nguyên tắc và thống nhất với quy định của Dự thảo luật Điện lực (sửa đổi) mà Quốc hội đang xem xét. Như vậy, một mặt, Nhà nước vẫn kiểm soát được giá bán lẻ điện thông qua quyết định khung giá bán lẻ và quyết định mức giá cụ thể đối với truyền tải, phân phối mà không để doanh nghiệp tự quyết định giá hoàn toàn; mặt khác, quy định này nhằm quán triệt và thể hiện theo đúng tinh thần Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội về phát triển thị trường điện, thu hút các thành phần kinh tế trong những lĩnh vực có cạnh tranh như phát điện, phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện, bảo đảm có giá điện tốt nhất đến với người tiêu dùng, có sự kiểm soát của Nhà nước.

Luật Giá có hiệu lực từ ngày 1/1/2013.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thu Hà (An ninh Thủ đô)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN