Từng có đề xuất lập Bộ Phụ nữ từ nhiều năm trước
Một trong những người đầu tiên từng đề xuất thành lập Bộ Gia đình và Bình đẳng giới, GS Lê Thị Quý cho rằng, lẽ ra phải thành lập bộ từ cách nay nhiều năm trước.
Cho ý kiến về Luật tổ chức Chính phủ tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội (20.1), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đặt vấn đề xem xét thành lập thành lập Bộ Phụ nữ Gia đình và Trẻ em.
Trước ý kiến trên, GS Lê Thị Quý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giới và Phát triển - một trong những người đầu tiên từng đề xuất thành lập Bộ Gia đình và Bình đẳng giới từ những năm 1990 cho rằng, thành lập Bộ này là nhu cầu cấp thiết của xã hội.
GS Lê Thị Quý, một trong những người đầu tiên từng đề xuất thành lập Bộ Gia đình và Bình đẳng giới
Là một trong những người đầu tiên từng đề xuất thành lập Bộ Gia đình và Bình đẳng giới, Giáo sư có thể cho biết vì sao nên thành lập Bộ Phụ nữ?
Trong nhiều hội thảo khoa học về vấn đề bình đẳng giới, chúng tôi đã đề nghị thành lập Bộ Gia đình và Bình đẳng giới từ cách đây nhiều năm do phương thức quản lý vấn đề phụ nữ và gia đình ở nước ta còn rất tản mạn. Nếu tập trung vào một bộ thì tính pháp lý của vấn đề sẽ cao và không bị rườm rà về tổ chức.
Năm 2007, trong quá trình sắp xếp lại bộ máy, Nhà nước đã giải thể Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em, chuyển các cơ quan chức năng thuộc ủy ban này về các bộ liên quan như Bộ Y tế, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch... Ý kiến của bà về vấn đề này thế nào?
Không phải chỉ riêng tôi mà nhiều nhà khoa học đã phát biểu lúc đó rằng: Đây là một bước lùi trong quản lý ở Việt Nam. Hậu quả là một mạng lưới hoạt động dân số tại các địa phương bị chao đảo, gây khó khăn cho các chương trình dân số. Còn gia đình, giới và trẻ em thì chia lìa sang hai bộ.
Trong khi đó vấn đề phụ nữ lại thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ với hàng triệu hội viên là tổ chức hội trong khuôn khổ quốc gia lớn nhất thế giới. Tất cả các vấn đề trên đều nằm trong thế yếu vì cơ quan quản lý chỉ nằm ở cấp vụ hoặc cấp hội. Cần tập hợp các vấn đề vào một bộ. Trong gia đình có dân số và trẻ em, trong bình đẳng giới có phụ nữ.
Vậy nếu có Bộ Phụ nữ sẽ giải quyết được vấn đề gì?
Khi thành lập Bộ Gia đình và Bình đẳng giới, chúng ta xác định rõ được đối tượng, nội dung, phương pháp quản lý. Các vấn đề về gia đình, trẻ em, bình đẳng giới sẽ được thực hiện một cách hiệu quả, chuyên nghiệp, mạnh mẽ và khoa học hơn rất nhiều.
Vì sao lại không phải là Bộ Phụ nữ mà là Bộ Bình đẳng giới, thưa bà?
Vào thời kỳ đầu tiên, cách đây khoảng 200 năm, khi vấn đề áp bức phụ nữ còn rất phổ biến trên toàn thế giới, phong trào nữ quyền ra đời và mục tiêu đấu tranh của họ là giải phóng phụ nữ để đạt được sự bình đẳng giữa nam và nữ.
Ngày nay, với sự tiến bộ của nhận thức, phụ nữ nhận thấy, nam giới không phải là đối thủ mà là đồng minh của họ trong cuộc đấu tranh vì bình đẳng giới và họ cũng được hưởng lợi khi bình đẳng giới được thực hiện. Vì vậy đặt vấn đề bình đẳng giới là toàn diện và khoa học hơn là chỉ đặt vấn đề về phụ nữ.
Bình đẳng giới nghĩa là tạo điều kiện cho nam, nữ có cơ hội như nhau, cùng phát huy khả năng, cùng tham gia vào quá trình phát triển và thụ hưởng thành quả của sự phát triển.
Bình đẳng giới không chỉ là động viên phụ nữ làm thật nhiều, mà vấn đề là công bằng trong tham gia và hưởng thụ, nâng cao vị trí, vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội.
Bình đẳng giới cũng có nghĩa rằng, vừa bình đẳng vừa tôn trọng sự khác biệt về giới tính giữa nam và nữ. Ví dụ, nếu phụ nữ đang có thai hoặc nuôi con nhỏ thì mỗi ngày chỉ làm việc 7 tiếng, thay vì 8 tiếng như bình thường. Đó là tôn trọng sự khác biệt về giới chứ không phải ưu tiên phụ nữ.
Phó Chủ tịch Quốc hội nói rằng: “Lập bộ mới không tăng biên chế, chỉ sử dụng chính những con người đó chuyển thành quản lý nhà nước, có được không?”. Vậy theo bà, có được không?
Tôi cho rằng, nếu cần thiết cho sự phát triển của đất nước, dân tộc thì không nên bàn đến chuyện có tăng biên chế hay không. Nếu cần thiết và có lợi cho đất nước vẫn phải tăng biên chế.
Thay vì bàn tăng biên chế hay không, nên bàn làm sao để có được người giỏi vào làm việc, tránh chuyện “ngồi nhầm chỗ”. Ví dụ, người không có chút kiến thức gì về bình đẳng giới nhưng lại ngồi ghế lãnh đạo về giới và lại phải học hỏi từ đầu. Đôi khi các “lãnh đạo” này phát biểu trên diễn đàn, ở dưới hội nghị cười ầm lên vì sự ngô nghê và chắc chắn là họ không thể có kế hoạch làm việc tốt được.
Chúng ta có thể chuyển những người đang làm các công việc này rải rác ở các bộ sang bộ mới làm việc nhưng vấn đề là phải sàng lọc họ. Phải sử dụng các chuyên gia có kinh nghiệm về các vấn đề này để tư vấn, nghiên cứu và phải có chế độ đãi ngộ, tôn vinh họ xứng đáng, đừng biến họ thành những lao động làm thuê, giá rẻ cho các nhà lập chính sách như hiện nay.
Lập bộ mới là vấn đề lớn, cần lắng nghe và tiếp thu ý kiến từ các nhà khoa học, các nhà lập chính sách và các đại biểu nhân dân.
Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!
Theo Công Thọ (Dân Việt)