Từ vụ cô gái tố bị "đại gia" sàm sỡ: Khách bị mời xuống máy bay trong trường hợp nào?

Sự kiện: Tin nóng

Luật sư cho rằng, quy định hiện nay về an ninh hàng không là tương đối đầy đủ và khá chặt chẽ, đặc biệt là đối với các hành vi gây rối, mất kiểm soát tại các sân bay…

Cô gái trẻ tố nam hành khách có hành vi sàm sỡ trên chuyến bay VN253 từ Hà Nội đi TP.HCM. Ảnh: V.A

Cô gái trẻ tố nam hành khách có hành vi sàm sỡ trên chuyến bay VN253 từ Hà Nội đi TP.HCM. Ảnh: V.A

Mới đây, cô gái trẻ ngồi ghế hạng thương gia trên chuyến bay VN 253 từ Hà Nội đi TP HCM của hãng hàng không Vietnam Airlnes đã tố nam hành khách say xỉn và có hành vi sàm sỡ cô. Sau đó, cơ trưởng chuyến bay quyết định từ chối phục vụ nam hành khách này. Được biết, vị khách có hành vi không đúng mực này là Tổng giám đốc công ty Bất động sản Đ.L ở Sài Gòn.

Sau vụ việc, nhiều hành khách thắc mắc đối với những hành vi nào thì họ sẽ bị cấm bay, xử phạt hành chính, hoặc mời khỏi may báy.

​Thạc sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho hay, hiện nay, vấn đề an ninh hàng không đã và đang được các hãng hàng không thắt chặt, tuy nhiên vẫn còn một số trường hợp khách hành có hành vi gấy rối, mất kiểm soát tại các sân bay, trên các chuyến bay. Điển hình mới đây nhất là trường hợp khách hạng thương gia có hành vi say xỉn và bị tố “sàm sỡ”.

“Tôi cho rằng đối với vụ việc nam hành khách bị tố sàm sỡ, việc trước tiên bây giờ cơ quan chức năng cần xác minh làm rõ là có hay không hành vi sàm sỡ hành khách để có căn cứ xử lý theo đúng quy định. Nếu có dấu hiệu hình sự thì phải chuyển ngay cho cơ quan công an để xử lý”, luật sư Cường nói.

Theo luật sư Cường, tại Điều 58, Điều 59, Điều 60 Thông tư 13/2019/TT-BGTVT ngày 29/03/2019 của Bộ GTVT quy định chi tiết về chương trình an ninh hàng không và kiểm soát chất lượng an ninh hàng không Việt Nam. Theo đó, các hãng hàng không có quyền từ chối, cấm bay đối với hành khách trong một số trường hợp sau:

Không chấp nhận chuyên chở hành khách mất khả năng làm chủ hành vi do sử dụng rượu, bia, các chất kích thích hoặc mất khả năng làm chủ hành vi do bị bệnh tâm thần; đối với hành khách có hành vi gây rối; từ chối vận chuyển hành khách vì lý do an ninh trong các trường hợp được pháp luật quy định. Đối với hành khách bị bệnh tâm thần, việc chuyên chở do đại diện hãng hàng không đánh giá và quyết định.

“Như vậy, đối với một số trường hợp nêu trên thì hãng hàng không có quyền từ chối hành khách, mời hành khách xuống máy bay để đảm bảo an ninh, an toàn cho chuyến bay. Mọi vụ việc vi phạm an ninh hàng không phải được xử lý kịp thời, nhanh chóng, không để vi phạm lan rộng và hạn chế tới mức thấp nhất hậu quả xảy ra, hạn chế đến mức tối thiểu việc gây ách tắc làm ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của cảng hàng không, sân bay và chuyến bay”, luật sư Cường nói.

Thông tư của Bộ GTVT cũng quy định rõ việc xử lý phải căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm do hành vi vi phạm gây ra và tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành. Lực lượng kiểm soát an ninh hàng không có thể lên máy bay để trấn áp, cưỡng chế, áp giải đối tượng vi phạm được thực hiện theo yêu cầu của người chỉ huy tàu bay hoặc Cảng vụ hàng không.

 Luật sư Đặng Văn Cường

 Luật sư Đặng Văn Cường

Theo luật sư Cường, hiện nay quy định về an ninh hàng không là tương đối đầy đủ và khá chặt chẽ. Tuy nhiên vẫn còn một số điểm cần lưu ý như: quy định về việc không chấp nhận chuyên chở hành khách mất khả năng làm chủ hành vi do sử dụng rượu, bia hoặc các chất kích thích nhưng lại không có quy định cụ thể về việc kiểm soát nồng độ cồn như người điều khiển phương tiện giao thông nên hãng hàng không, an ninh hàng không không có quyền kiểm tra nồng độ cồn với hành khách.

“Do đó, chỉ khi hành khách bộc lộ hành vi mất khả năng làm chủ thì người có thẩm quyền mới có quyền từ chối và tôi cho rằng việc này dẫn đến khó kiểm soát hậu quả do người mất tự chủ hành vi gây ra. Vì vậy, cần quy định rõ về nồng độ cồn của hành khách khi lên máy bay. Người có thẩm quyền có quyền kiểm tra nồng độ cồn của hành khách khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm để hạn chế, không ảnh hưởng đến hành khách khác hoặc ảnh hưởng an ninh chuyến bay”, luật sư Cường đề xuất.

Ngoài ra theo luật sư Cường, Nghị định về an ninh hàng không vừa được Chính phủ ban hành quy định cụ thể việc sẽ cấm bay từ 3-12 tháng đối với hành khách có hành vi sau: hành khách gây rối; không thực hiện các quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng; phát ngôn mang tính đe dọa sử dụng bom, mìn, chất nổ, vật liệu nổ, chất phóng xạ, vũ khí sinh học.

Hành khách cố ý tung tin, cung cấp thông tin sai về việc có bom, mìn, vật liệu nổ, chất nổ, chất phóng xạ, vũ khí sinh hóa học gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của hoạt động hàng không dân dụng; sử dụng giấy tờ giả để đi tàu bay; có hành vi vi phạm trật tự công cộng. Trường hợp đối tượng đã bị xử lý nhưng vẫn vi phạm một trong những hành vi nêu trên thì bị cấm vận chuyển bằng đường hàng không có thời hạn trên 12 tháng đến 24 tháng.

Đặc biệt, cấm vận chuyển vĩnh viễn đối với đối tượng đã bị xử lý nhưng vẫn vi phạm một trong các trường hợp bị cấm vận chuyển trên 12 đến 24 tháng; người có hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng quy định tại các điểm a, b, c và d Khoản 2 Điều 190 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam; người chiếm đoạt, gây bạo loạn tại cảng hàng không, sân bay và cơ sở cung cấp dịch vụ điều hành bay.

Điểm bất thường trong vụ đại gia bị ”tố” sàm sỡ cô gái trên máy bay

Thông tin mới nhất liên quan đến vụ đại gia địa ốc bị "tố" sàm sỡ cô gái trên máy bay, cục Hàng không Việt...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Đức ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN