Từ tháng 4, xe máy phải dán nhãn năng lượng
Ô tô con loại 9 chỗ trở xuống, mô tô, xe gắn máy phải dán nhãn năng lượng và áp dụng hiệu suất năng lượng tối thiểu, là một trong những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 4/2017.
Từ tháng 4, xe máy, ô tô từ 9 chỗ trở xuống phải dán nhãn năng lượng
Bắt buộc dán nhãn năng lượng đối với xe máy
Đó là một trong những nội dung đáng chú ý trong quyết định 04/2017 của Thủ tướng về danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng, áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu và lộ trình thực hiện, có hiệu lực từ 25/4/2017.
Theo đó, nhóm phương tiện giao thông vận tải phải dán nhãn năng lượng và áp dụng hiệu suất năng lượng tối thiểu gồm: môtô, xe gắn máy; ôtô con loại 9 chỗ trở xuống.
Quyết định cũng đưa ra thời gian thực hiện dán nhãn năng lượng tự nguyện đối với môtô, xe gắn máy đến hết 31/12/2019. Ôtô con loại trên 7 chỗ đến 9 chỗ đến hết ngày 31/12/2017.
Môtô, xe máy từ ngày 1/1/2020 sẽ bắt buộc dán nhãn năng lượng ôtô con loại 7 chỗ trở xuống; ôtô con trên 7 chỗ đến 9 chỗ sẽ bắt buộc dán từ ngày 1/1/2018.
Dán nhãn năng lượng là yêu cầu bắt buộc nhà sản xuất, đại lý cửa hàng dán nhãn thông báo xe sử dụng nhiên liệu gì và mức tiêu hao nhiên liệu. Thông qua đây, người mua sẽ có cơ sở để lựa chọn xe theo nhu cầu của mình.
Rút tiền ngân sách Nhà nước phải đăng kí trước
Thông tư 13/2017 của Bộ Tài chính có hiệu lực từ 1/4 về việc quy định quản lý thu, chi bằng tiền mặt qua hệ thống Kho bạc Nhà nước.
Các đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước, thực hiện giao dịch rút tiền mặt với Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh từ 200 triệu đồng trở lên và 100 triệu đồng trở lên với cấp huyện phải đăng ký với Kho bạc Nhà nước, nơi mở tài khoản trước ít nhất một ngày làm việc.
Các đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước khi giao dịch với Kho bạc Nhà nước cấp huyện, có nhu cầu thanh toán bằng tiền mặt từ một tỷ đồng trở lên trong một lần thanh toán, thì thực hiện rút tiền mặt tại ngân hàng thương mại nơi kho bạc cấp huyện mở tài khoản.
Thi hộ sẽ bị buộc thôi học
Thông tư 09/2017 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, quy định việc tổ chức thực hiện chương trình đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng theo niên chế hoặc theo phương thức tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ; quy chế kiểm tra, thi, xét công nhận tốt nghiệp, có hiệu lực từ ngày 26/4/2017.
Theo đó, sinh viên học trung cấp, cao đẳng theo niên chế hoặc theo phương thức tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ nhờ thi hộ và người học thi hộ, sẽ bị đình chỉ học tập 1 năm với lần vi phạm thứ nhất và buộc thôi học với lần vi phạm thứ hai.
Trường hợp tổ chức thi, kiểm tra hộ sẽ bị buộc thôi học ngay từ lần vi phạm thứ nhất.
Chép bài kiểm tra, bài thi của người khác; những bài kiểm tra, bài thi đã có kết luận là giống nhau thì xử lý như nhau. Nếu người học bị xử lý có đủ bằng chứng chứng minh mình bị sao chép trước khi nộp bài, thì được hiệu trưởng xem xét giảm từ mức kỷ luật cảnh cáo xuống mức khiển trách, nếu bị sao chép sau khi nộp bài thì không bị xử lý.
Quy định mới về tiền lương, phụ cấp của công nhân, viên chức quốc phòng
Nghị định 19/2017 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với công nhân quốc phòng và phụ cấp thâm niên đối với viên chức quốc phòng, có hiệu lực từ 15/4/2017, quy định một số điểm mới về chế độ tiền lương đối với công nhân quốc phòng.
Cụ thể, mức lương thực hiện bằng hệ số lương nhân với mức lương cơ sở theo quy định của Chính phủ. Hệ số lương được quy định chi tiết tại Bảng lương ban hành kèm theo Nghị định; trong đó, phân thành ba loại A, B, C với 4 nhóm đối tượng, 10 bậc lương, hệ số cao nhất lên đến 6.65 và thấp nhất là 2.70.
Ngoài ra, Nghị định quy định các loại phụ cấp, trợ cấp đối với công nhân quốc phòng gồm: Thâm niên vượt khung; Khu vực phụ cấp đặc biệt; độc hại nguy hiểm; trách nhiệm công việc; công vụ; công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Năm 2021, Hà Nội đề xuất sẽ dừng hoạt động đối với xe máy ngoại tỉnh vào khu vực nội đô (vành đai 1) từ 7h đến...