Từ 2018, người lao động cần nhớ điều này để tự bảo vệ quyền lợi

Sự kiện: Thời sự

Theo Bộ Luật hình sự mới, người sử dụng lao động vì vụ lợi cá nhân như né thưởng Tết mà sa thải nhân viên trái luật thì sẽ bị phạt tù.

Từ 2018, người lao động cần nhớ điều này để tự bảo vệ quyền lợi - 1

Sa thải nhân viên đang mang thai để né thưởng Tết, “ông chủ” có thể bị phạt tới 3 năm tù.

Từ 1.1.2018, Bộ Luật hình sự 2015 sửa đổi sẽ chính thức có hiệu lực. Một trong những điểm đáng chú ý trong bộ luật mới là việc sửa đổi, bổ sung một số tội danh liên quan đến quyền lợi của người lao động và trách nhiệm của người sử dụng lao động.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với luật sư Hà Huy Phong (Giám đốc Công ty luật Inteco) để có cái nhìn toàn diện về các quy định mới trong Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi liên quan tới quyền lợi của người lao động.

Sa thải nhân viên để né thưởng Tết, ông chủ có thể bị phạt tù

Luật sư Hà Huy Phong cho biết, Bộ luật hình sự 1999 (đang có hiệu lực) đã có quy định xử lý đối hành vi buộc người lao động, cán bộ, công chức thôi việc trái pháp luật. Hình phạt cao nhất với tội danh này là 1 năm tù. Tuy nhiên, trong Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, mức phạt cao nhất áp dụng với hành vi trên đã tăng lên 3 năm tù.

Ngoài ra, Bộ luật hình sự mới cũng quy định các hành vi vi phạm chi tiết và rõ hàng hơn, qua đó tạo thuận lợi cho các cơ quan tố tụng trong quá trình đánh giá, xác định tội phạm.

“Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi quy định “Tội buộc công chức, viên chức thôi việc hoặc sa thải người lao động trái pháp luật” như sau:

Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà thực hiện một trong các hành vi sau đây làm cho người bị thôi việc, người bị sa thải hoặc gia đình họ lâm vào tình trạng khó khăn hoặc dẫn đến đình công, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm:

Ra quyết định buộc thôi việc trái pháp luật đối với công chức, viên chức;

Sa thải trái pháp luật đối với người lao động;

Cưỡng ép, đe dọa buộc người lao động, công chức, viên chức phải thôi việc.

Người thực hiện hành vi tội phạm với 2 người trở lên hoặc thuộc các trường hợp như đối với người có thai; người đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi; làm người bị buộc thôi việc, người bị sa thải tự sát thì bị phạt tiền từ 100 triệu đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1-3 năm.

Như vậy, nếu chủ một doanh nghiệp vì vụ lợi không muốn trả thưởng Tết cho nhân viên hoặc động cơ cá nhân mà tìm cách sa thải nhân viên trái pháp luật thì có thể bị phạt tù”, luật sư Phong nói.

Luật sư Phong cho biết thêm, nguyên tắc, trình tự xử lý kỷ luật lao động đã được quy định tại Bộ luật Lao động năm 2012 và được hướng dẫn tại điều 30, Nghị định 05 năm 2015 của Chính phủ.Bên cạnh đó, việc áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải chỉ được áp dụng trong các trường hợp có căn cứ quy định tại Bộ luật Lao động 2012.

“Trong trường hợp việc sa thải người lao động không được thực hiện đúng quy định về nguyên tắc, trình tự thủ tục cũng như không được áp dụng đúng các căn cứ được phép sa thải người lao động theo quy định thì hành vi sa thải người lao động là trái pháp luật. Người lao động bị sa thải trái quy định có thể khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình”, luật sư Phong nói.

Trốn đóng bảo hiểm có thể bị phạt tù 7 năm

Ngoài quy định xử lý với các hành vi sa thải trái phép người lao động, Bộ Luật hình sự 2015 sửa đổi có tội danh mới đáng chú ý đó là “Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động” (điều 219) .

Theo quy định tại khoản 1, điều 219, người có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 6 tháng trở lên thuộc một trong những trường hợp sau đây, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm:

Trốn đóng bảo hiểm từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;

Trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 người đến dưới 50 người lao động.

“Mức phạt đối với tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động sẽ tăng lên tùy vào mức độ vi phạm. Hình phạt nặng nhất cho người phạm tội là 7 năm tù nếu trốn đóng bảo hiểm 1 tỷ đồng trở lên hoặc trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên…”, luật sư Phong cho biết.

Luật sư Hà Huy Phong đánh giá, quy định nêu trên cho thấy Nhà nước rất quan tâm tới việc bảo vệ quyền lợi của người lao động. Trước đây hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp hoặc chậm đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp chỉ bị xử phạt hành chính. Nhưng từ năm 2018, các hành vi này có thể bị xử lý hình sự.

“Với chế tài mới này, các doanh nghiệp sử dụng lao động sẽ phải đặc biệt chú ý đến việc đóng bảo hiểm cho nhân viên nếu không muốn bị xử lý hình sự”,  luật sư Phong nói.

Buộc người lao động cam kết không sinh con có phạm pháp?

Luật sư Trần Tuấn Anh đã có những chia sẻ ở góc độ pháp lý về việc nhiều công ty khi ký hợp đồng yêu cầu nhân viên...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Xuân Lực ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN