Truy lùng san hô đen, cả chục thợ lặn bỏ mạng
Do nằm ở độ sâu từ 50-80m so với mực nước biển, trong khi dụng cụ hành nghề của thợ lặn khá đơn giản... nên hàng chục trường hợp ngư dân đã tử nạn vì lặn tìm san hô đen.
Với giá trên thị trường hiện lên đến trên dưới 2 triệu đồng/kg, san hô đen đang được thợ lặn đất đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) truy lùng ráo riết. Tuy nhiên do nằm ở độ sâu từ 50-80m so với mực nước biển, trong khi đó dụng cụ hành nghề của thợ lặn khá đơn giản: Bình hơi, máy khí nén và ống dẫn... nên hàng chục trường hợp ngư dân nơi đây đã tử nạn vì lặn tìm sản vật quí của đại dương này.
Một nhánh san hô đen vừa được đem từ dưới biển lên
Qua tìm hiểu thì không phải đến gần đây mà cách từ hàng ngàn năm trước, san hô đen không chỉ được sử dụng để chế tác thành những đồ mỹ nghệ, mà nó còn là loại liệu quý chỉ các bậc vua chúa, quý tộc và người giàu có mới có tiền mua và sử dụng. Vì vậy mà nó còn được gọi là King’s coral (san hô của vua).
Theo một số tài liệu y học cổ truyền thì san hô đen có vị ngọt, tính bình, công dụng giải nhiệt, tiêu độc, làm sáng mắt, an thần và chống co giật.... Trong dân gian san hô đen được một số người ta chữa viêm mũi và mài lấy bột chữa bệnh trĩ…(?) bằng cách đốt nhánh rồi hít lấy khói.
Thân san hô đen được cưa thành đoạn nhỏ để làm đồ trang sức
Tuy nhiên đến thời điểm này vẫn chưa thấy có công trình nghiên cứu y học nào chứng minh tác dụng cụ thể của san hô đen. Thế nhưng thời gian gần đây, san hô đen khi sử dụng làm đồ mỹ nghệ rất được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.
Theo một số chuyên gia nữ trang, thì san hô đen thường được sử dụng làm nhẫn đeo tay, mặt dây chuyền, vòng đeo tay... Tuy nhiên giá sản phẩm được chế tác từ san hô đen bán khá đắt, với giá nhiều món lên đến hàng chục triệu đồng. Vì vậy giá san hô đen trên thị trường tăng lên vùn vụt. Từ chỗ giá chỉ vài trăm ngàn/kg, nay đã tăng lên gần 2 triệu đồng/kg.
Nhẫn được làm bằng san hô đen có giá lên đến nhiều triệu đồng
Tuy nhiên do nằm ở rất sâu dưới mặt nước biển từ 50-80m, cho nên không ít thợ lặn đã bỏ mạng khi săn tìm và hiện san hô đen bị cơ quan chức năng cấm khai thác.