Triều, Hàn tiếp tục đàm phán để tháo ngòi nổ chiến tranh
Triều Tiên và Hàn Quốc đã nhất trí tổ chức vòng đàm phán thứ hai vào hôm nay (23.8) do cuộc đối thoại xuyên đêm bắt đầu từ chiều qua (22.8) vẫn chưa giải quyết được cuộc khủng hoảng đã đẩy 2 nước đến "miệng hố chiến tranh".
Phái đoàn đàm phán của Triều Tiên và Hàn Quốc đã nghỉ giải lao vào sáng sớm hôm nay, sau gần 10 giờ họp xuyên đêm và nhất trí sẽ gặp lại nhau vào lúc 15h00 (giờ địa phương - 17h Hà Nội) để "thu hẹp sự khác biệt", Phát ngôn viên của tổng thống Hàn Quốc Min Kyung-Wook cho hay.
Các quan chức Triều Tiên, Hàn Quốc bắt tay nhau trước khi bước vào cuộc đàm phán để tháo ngòi nổ chiến tranh tại làng biên giới Panmunjom ngày 22.8
Chi tiết của cuộc họp không được tiết lộ theo yêu cầu của Triều Tiên. Tuy nhiên, ông Min cho biết, hai bên đã bàn luận sâu sắc về cách giải quyết tình hình gần đây và làm thế nào để cải thiện quan hệ liên Triều.
Đây là cuộc đàm phán liên Triều cấp cao nhất trong gần một năm qua, phản ánh mức độ nghiêm trọng của tình hình căng thẳng hiện nay.
Trước đó, Triều Tiên đe dọa tiến hành “một cuộc chiến tranh toàn diện” và ra tối hậu thư cho Triều Tiên đến 17h ngày thứ Bảy để ngưng các chương trình phát thanh tuyên truyền qua loa phóng thanh gần biên giới.
Seoul không chấp nhận và hiện nay, hạn chót mà Bình Nhưỡng đưa ra đã trôi qua song vẫn biên giới Triều, Hàn vẫn yên tĩnh.
Seoul đã khởi động lại chương trình phát thanh tuyên truyền hồi tuần trước lần đầu tiên trong vòng hơn 10 năm, chọc tức Bình Nhưỡng sau một vụ nổ mìn làm hai binh sĩ của Hàn Quốc bị thương. Triều Tiên tuyên bố họ xem những chương trình phát thanh tuyên truyền trên là sự khiêu chiến và đe dọa tấn công Hàn Quốc.
Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc hôm qua đưa tin, Triều Tiên đã bố trí thêm các loại vũ khí dọc theo biên giới để chuẩn bị cho một cuộc tấn công có thể xảy ra. Trong khi đó, 8 chiếc chiến đấu cơ phản lực của Hàn Quốc và Mỹ đã thực hiện những vụ oanh kích mô phỏng trên lãnh thổ Hàn Quốc nhằm “biểu dương sức mạnh” trước Triều Tiên.
Các nhà phân tích dự đoán, các cuộc đàm phán Triều Hàn sẽ rất khó khăn để đạt được một thỏa hiệp khiến cả hai bên không bị mất mặt, đặc biệt là dựa theo đòi hỏi cụ thể của từng bên.
"Rõ ràng là sẽ rất khó khăn, nhưng thực tế, việc họ đồng ý tiếp tục đàm phán là một tin tốt lành. Thậm chí, đáng hoan nghênh hơn nữa là họ đã thảo luận không chỉ về biện pháp thoát khủng hoảng hiện nay, mà còn vấn đề phát triển quan hệ liên Triều trong tương lai", ông Yang Moo-Jin, một giáo sư tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên ở seoul cho hay.
Trong khi đó, theo hãng tin AP, tính đến thời điểm này, gần như không có cảm giác hoảng loạn xảy ra tại Hàn Quốc khi người dân nước này đã quá quen thuộc với những lời đe dọa, hiếu chiến định kỳ từ Triều Tiên.