TQ sắp điều tàu ngầm tên lửa hạt nhân tuần tra biển?

Một ủy ban kinh tế và an ninh Mỹ nhận định Trung Quốc sẽ điều tàu ngầm tàng hình lớp Jin trang bị tên lửa hạt nhân JL-2 tuần tra trên biển vào cuối năm nay.

Ngày 9/12, tờ Japan Times của Nhật Bản cho hay Trung Quốc đang chuẩn bị trang bị tên lửa hạt nhân cho hạm đội tàu ngầm tàng hình hiện đại nhất của mình để “sẵn sàng giáng trả bất cứ cuộc tấn công nào của đối phương” bằng những vũ khí bí mật nhất.

TQ sắp điều tàu ngầm tên lửa hạt nhân tuần tra biển? - 1

Tàu ngầm hạt nhân của hải quân Trung Quốc

Theo đó, việc trang bị tên lửa hạt nhân đạn đạo JL-2 có khả năng bắn tới lãnh thổ Mỹ cho tàu ngầm tàng hình lớp Jin sẽ giúp cho quân đội Trung Quốc có nhiều lựa chọn hơn trong việc thực hiện đòn phản công hạt nhân trong trường hợp một cuộc chiến tranh toàn diện nổ ra.

Theo một báo cáo thường niên do Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ-Trung đệ trình lên Quốc hội Mỹ hồi tháng 11, tàu ngầm tàng hình lớp Jin trang bị tên lửa hạt nhân có thể bắt đầu các chuyến tuần tra vào cuối năm nay, tạo cho Trung Quốc “khả năng răn đe hạt nhân tin cậy từ dưới biển đầu tiên”.

Nhà phân tích chiến lược độc lập Nicolas Giacometti của tờ The Diplomat và Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược nhận định: “Lần đầu tiên trong lịch sử, kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc sẽ trở nên khó bị tổn thương trong cuộc tấn công phủ đầu. Đây là bước nhảy vọt cuối cùng hướng tới khả năng trả đũa hạt nhân đáng tin cậy của Trung Quốc”.

Theo ông Felix Chang, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại ở Philadelphia, Mỹ, chiến lược phòng thủ hạt nhân của Trung Quốc được xây dựng dựa trên khả năng trả đũa trong trường hợp bị các quốc gia hạt nhân khác như Mỹ, Nga hay Ấn Độ tấn công.

Bởi vậy, những chiếc tàu ngầm trang bị tên lửa hạt nhân này sẽ “là một hàng rào hữu dụng trước bất kỳ mối đe dọa hạt nhân tiềm tàng nào dù là nhỏ nhất”, ông Chang phân tích.

Tuy nhiên, việc đưa tên lửa hạt nhân xuống tàu ngầm cũng gây ra sức ép đáng kể cho chính Trung Quốc, khi họ phải thuyết phục được các nước khác rằng các chỉ huy hải quân và lãnh đạo chính trị của họ có thể kiểm soát được lực lượng mang sức mạnh hủy diệt này.

Sức ép đó ngày càng tăng lên trong bối cảnh hải quân Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng “áp sát” nhau trên Thái Bình Dương cũng như trên các khu vực nóng bỏng về tranh chấp chủ quyền lãnh thổ như Biển Đông và biển Hoa Đông, gây ra nguy cơ về những đụng độ bất ngờ giữa hải quân hai nước.

TQ sắp điều tàu ngầm tên lửa hạt nhân tuần tra biển? - 2

Việc đưa tên lửa hạt nhân xuống tàu ngầm giúp Trung Quốc xây dựng lực lượng răn đe hạt nhân đáng tin cậy hơn

Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng Một, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates cho hay cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào “không có sự kiểm soát mạnh” đối với quân đội nước ngày, điển hình là vụ Trung Quốc “trình làng” chiến đấu cơ tàng hình J-20 trong chuyến thăm của Gates tới Trung Quốc vào năm 2010 mà ông Hồ Cẩm Đào không hề hay biết.

Kể từ khi lên nắm quyền, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tăng cường quyền kiểm soát đối với quân đội gần như ngay lập tức bằng việc giữ chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương vào tháng 11/2012, trong khi ông Hồ Cẩm Đào phải mất 2 năm sau khi nhậm chức mới ngồi được vào chiếc ghế này.

Ông Malcolm Davis, phó giáo sư về quan hệ Trung Quốc-phương Tây tại đại học Bond (Úc) nhận định: “Trung Quốc sẽ phải đảm bảo với các đối thủ rằng những tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân đó luôn nằm dưới sự kiểm soát tuyệt đối của họ”.

Thuật ngữ “kiểm soát tuyệt đối” đồng nghĩa với việc Quân ủy Trung ương Trung Quốc phải nắm hoàn toàn trong tay các tài sản hạt nhân của mình, chẳng hạn như các mã phóng tên lửa gửi tới các tàu ngầm để các chỉ huy tàu ngầm kiểm tra trước khi khai hỏa tên lửa hạt nhân.

Ông Davis nói: “Điều đó buộc Trung Quốc phải thiết lập cấu trúc chỉ huy và ra lệnh phù hợp để đảm bảo rằng Quân ủy Trung ương luôn có thể liên lạc được với các tàu ngầm này, dù ở trạng thái nổi hay lặn. Mỹ, Anh, Pháp và Nga đều đang duy trì những khả năng kiểm soát tuyệt đối này rất hiệu quả”.

TQ sắp điều tàu ngầm tên lửa hạt nhân tuần tra biển? - 3

Tên lửa hạt nhân JL-2 của Trung Quốc có khả năng đánh trúng 50 bang của nước Mỹ

 Trong thời gian gần đây, công cuộc hiện đại hóa lực lượng hạt nhân của Trung Quốc chủ yếu tập trung vào khả năng răn đe các cường quốc hạt nhân khác.

Trước năm 2006, những tên lửa đạn đạo có khả năng bắn tới Mỹ của nước này đều là tên lửa nhiên liệu lỏng DF-5A. Đây được coi là một điểm yếu vì việc nạp nhiên liệu lỏng cho tên lửa này ở trong hầm có thể phải mất nhiều giờ, buộc Trung Quốc phải cho xây nhiều hầm chứa tên lửa giả và thực hiện chính sách giữ bí mật về vũ khí hạt nhân để bảo vệ số tên lửa này khỏi cuộc tấn công phủ đầu.

Tuy nhiên, từ năm 2006 trở đi, Trung Quốc bắt đầu chế tạo hệ thống tên lửa đạn đạo di động DF-31A dùng nhiên liệu rắn có tầm bắn 11.200km có thể chạm tới nước Mỹ. Tên lửa này luôn trong trạng thái có thể sẵn sàng khai hỏa một khi đã được lắp đầu đạn.

Tuy nhiên những bệ phóng trên mặt đất này cũng có nhược điểm là chúng dễ dàng bị các thiết bị do thám của Mỹ như vệ tinh và máy bay trinh sát phát hiện. Bất kỳ động tĩnh nào của các bệ phóng này đều được báo về sở chỉ huy của Mỹ, và máy bay ném bom tàng hình B-2 luôn sẵn sàng oanh tạc phá hủy chúng trước khi tên lửa kịp rời khỏi bệ phóng.

Bởi vậy, việc Trung Quốc đưa tên lửa hạt nhân xuống tàu ngầm sẽ tạo cơ hội cho họ tránh được con mắt theo dõi của vệ tinh Mỹ và làm nên khả năng răn đe hạt nhân đáng tin cậy hơn.

Hiện Trung Quốc đang có 3 tàu ngầm hạt nhân lớp Jin, mỗi tàu ngầm có thể mang theo 12 quả tên lửa hạt nhân JL-2 có tầm bắn hơn 7.000 km, đồng nghĩa với việc tên lửa bắn đi từ vùng biển gần đảo Hawaii có thể đánh trúng vào 50 bang của nước Mỹ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trí Dũng (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN