Tốn nghìn tỷ lấp kênh rồi lại đào
TPHCM sẽ phải chi hàng nghìn tỷ đồng để đào lại kênh Hàng Bàng (quận 6) mà thành phố lấp hơn 15 năm trước với kinh phí gần 1.000 tỷ đồng.
Nhà thầu đang nạo vét, khôi phục lại kênh Hàng Bàng, đoạn từ đường Lò Gốm đến đường Bình Tiên. Ảnh: LT
Hơn 15 năm trước, để ngăn chặn tình trạng ô nhiễm, TPHCM đã chi gần 1.000 tỷ đồng để cải tạo, thực chất là cho lấp kênh Hàng Bàng (quận 6), thay thế bằng tuyến cống hộp khiến toàn bộ lưu vực này, đặc biệt là khu vực bùng binh Cây Gõ trở thành rốn lũ mỗi khi mưa xuống. Để giải quyết tình trạng ngập úng, UBND TPHCM đã cho triển khai gói thầu K dự án cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ (giai đoạn 2) đào lại kênh Hàng Bàng với kinh phí khoảng 3.000 tỷ đồng.
Ném nghìn tỷ lấp kênh rạch
Chiều 27/11, công trường thi công gói thầu cải tạo hệ thống thoát nước Hàng Bàng, đoạn từ đường Lò Gốm đến đường Bình Tiên (quận 6) đã hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng và được rào chắn lại để thi công. Bốn chiếc xe cẩu hì hục múc lên từng gàu đất đen pha lẫn bùn nhão để khôi phục lại con rạch bị lấp. Các công nhân hối hả đóng cừ tràm, cừ sắt để chống sạt lở.
Theo ông Hoàng Nhựt Hải, chỉ huy trưởng công trình thuộc Tổng công ty Xây dựng số 1 (Bộ Xây dựng), đơn vị thi công phải nạo vét 24.000m3 bùn, đất, rác trước đây là nền nhà của người dân lấp kênh.
Theo đại diện Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TPHCM, kênh Hàng Bàng nối từ kênh Lò Gốm (quận 6) đến kênh Vạn Tượng (quận 5) với chiều dài khoảng 1.400 m. Hiện nay, ở hai đầu con kênh chỉ còn đoạn mương hở rộng khoảng 2-3m thu nước thải từ khu dân cư. Riêng khúc giữa, đoạn từ đường Bình Tiên đến đường Phạm Đình Hổ dài hơn 600m đã bị lấp hoàn toàn để đặt cống hộp từ năm 1999 - 2000.
Một cán bộ nguyên là lãnh đạo UBND quận 6 (đề nghị không nêu tên) cho biết, cuối những năm 1990, đoạn kênh Hàng Bàng, đoạn từ đường Bình Tiên đến đường Phạm Đình Hổ dài khoảng 600 m bị ô nhiễm rất nghiêm trọng. Dòng chảy bị thu hẹp, nước đặc quánh không thoát được. Chính quyền địa phương và các sở ngành chức năng đề xuất giải pháp lấp kênh và thay bằng cống hộp với tổng kinh phí gần 1.000 tỷ đồng. Khi ấy, ông đề xuất nạo vét rạch khơi thông dòng chảy nhưng không được lắng nghe vì nhiều người lo nạo vét xong con kênh sẽ tiếp tục bị xả rác, ô nhiễm trở lại. Biện pháp ngăn chặn xả rác tốt nhất là lấp kênh làm cống.
Năm 2000, kênh Hàng Bàng bị lấp, trở thành con hẻm tráng xi măng. Người dân hai bên cơi nới, xây công trình phụ, lấn chiếm dần nên con hẻm chỉ còn rộng khoảng 3 m, trở thành mặt sau của hai dãy phố. Nhiều người còn tận dụng con hẻm làm nơi nấu ăn, phơi quần áo,...
Không chỉ kênh Hàng Bàng, con rạch Lương Bèo nối từ Cty Pouyen (Quốc lộ 1A, quận Bình Tân) đến kênh Tân Hoá cũng chịu chung số phận. Việc san lấp rạch vô tội vạ không chỉ làm mất mỹ quan mà kể từ năm 2000, quận 6 trở thành một trong những nơi ngập nặng nhất TPHCM, trong đó khu vực bùng binh Cây Gõ bị ngập sâu, suốt 15 năm qua chưa xoá được dù đã nạo vét, khơi thông kênh Tân Hóa - Lò Gốm.
Moi lên, mất thêm hàng nghìn ty
Đại diện Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TPHCM cho biết, con kênh sẽ được đào rộng 11 m như trước đây. Hai bên bờ sẽ trồng cây xanh. Trước mắt, các nhà thầu thi công khôi phục đoạn đầu và đoạn cuối kênh Hàng Bàng dài 390m với tổng kinh phí 300 tỷ đồng, trong đó 280 tỷ đồng để bồi thường giải tỏa 160 hộ dân.
Theo Phó Chủ tịch UBND quận 6 Huỳnh Minh Hùng, việc khôi phục kênh Hàng Bàng là nhằm cải tạo cảnh quan, khôi phục chức năng điều tiết và tăng khả năng thu gom nước từ các khu vực thấp ra kênh Hàng Bàng, giảm tải cho kênh Tân Hóa - Lò Gốm, góp phần giảm ngập cho địa bàn ba quận 5, 6, 11.
Dự kiến trong năm 2016, các nhà thầu sẽ hoàn thành đoạn từ kênh Lò Gốm đến đường Bình Tiên và đoạn từ đường Vạn Tượng đến đại lộ Võ Văn Kiệt - kênh Tàu Hủ. Cả 2 đoạn được đào sâu từ 4 - 6 m.
Đại diện Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TPHCM cho biết thêm, để đào lại kênh Hàng Bàng, TPHCM sẽ phải giải toả trắng hơn 3.000 căn nhà đang xây cất trên và trong phạm vi con kênh với tổng kinh phí trên 2.000 tỷ đồng (chưa kể chi phí xây lắp).
Theo TS Phạm Sanh, việc đào lại hơn 600m kênh Hàng Bàng đã được lắp cống để tăng khả năng thoát nước, cải thiện môi trường, chỉnh trang đô thị ở hai bên dòng kênh là chuyện phải làm. Việc lấp rạch đặt cống hộp là phương án bất đắc dĩ, khi không còn cách nào khác để cải thiện môi trường của khu vực thì mới nghĩ đến bởi tiết diện cống hộp không bao giờ bằng tiết diện kênh hở nên lượng nước thoát qua cống hộp bao giờ cũng hạn chế hơn. Ngoài ra, cống hộp chỉ có chức năng thoát nước, không thể trữ được nước, cũng không có chức năng thẩm thấu để cung cấp nước ngầm cho đất.
“Việc cải tạo mương có thể tốn nhiều tiền của nhưng đổi lại bảo đảm được lưu lượng thoát nước, đô thị không bị ngập, thuận với tự nhiên. Đây là bài học đắt giá cho lối tư duy đơn giản theo kiểu thấy ô nhiễm thì lấp kênh, đặt cống, làm đường” – TS Phạm Sanh nói.
TS Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn khoa học quản lý và công nghệ TPHCM cho rằng nếu quản lý tốt, việc nạo vét, chỉnh trang kênh Hàng Bàng sẽ đơn giản và đỡ tốn kém hơn nhiều so với việc lấp đi, rồi đào lại như hiện nay.
“Sau kênh Hàng Bàng, nhà nước cần khơi thông lại nhiều tuyến kênh khác đã bị lấn chiếm, bồi lấp. Nếu chưa có kinh phí đầu tư thì cần quản lý chặt, không để xảy ra bài học đau xót như trường hợp kênh Hàng Bàng” – TS Phúc nói.
Nhiều kênh rạch chờ lấp Theo thông tin từ Trung tâm chống ngập, cơ quan chức năng đang đề xuất lấp nhiều kênh rạch để làm cống hộp như kênh Hiệp Tân (quận Tân Phú), rạch Phan Văn Hân (quận Bình Thạnh), rạch Xuyên Tâm (Gò Vấp, Bình Thạnh)… |