Tội phạm hiếp dâm: Nhiều nước xử "cung hình"

Ngoài hình phạt tù, ở nhiều nước, người phạm tội hiếp dâm còn có thể bị xử phạt cung hình (hoạn, thiến), tùy theo tính chất, mức độ.

Vụ hiếp dâm kinh hoàng trên xe buýt ở New Delhi, gây ra cái chết thương tâm của cô gái Ấn Độ 23 tuổi đã khuấy động dư luận, khi mà gần như ai nghe chuyện cũng phẫn nộ và muốn trừng trị thủ phạm bằng những hình phạt nghiêm khắc nhất - xử bắn, thiêu sống, cung hình (hoạn, thiến)…

Chồng ép vợ quan hệ hay ngược lại đều bị xử

Tội hiếp dâm thực ra là một tội khó xử ngay từ khâu định nghĩa. Chẳng hạn theo luật pháp Việt Nam, chủ thể gây tội hiếp dâm là nam giới, nạn nhân là nữ giới (theo quy định ở Bộ luật Hình sự). Tuy nhiên, luật pháp của một số nước, ví dụ Mỹ, lại cho rằng chủ thể của tội này là bất kỳ kẻ nào buộc một người khác ở bất kỳ độ tuổi nào phải tham gia vào quan hệ tình dục với mình bằng cách sử dụng vũ lực, đe dọa mà người đó không đồng ý, hoặc không ý thức được, hoặc bị mất khả năng kiểm soát hành vi… Có nghĩa là chủ thể của tội này có thể là nam giới, nữ giới hoặc người đồng tính, thậm chí là hai vợ chồng, nếu một trong hai người bị buộc phải quan hệ tình dục trái ý muốn của bản thân.

Tội hiếp dâm là thứ tội khó xử còn vì trong nhiều trường hợp, rất khó xác định nạn nhân có sự hưởng ứng với thủ phạm hay không và thế nào thì được gọi là “quan hệ tình dục”. Ở nhiều quốc gia phương Tây, cả theo chế độ thông luật lẫn dân luật, tất cả hành vi tình dục mang tính cưỡng bức, kể cả ép quan hệ qua đường hậu môn, đều bị khép vào tội này; còn chuyện vợ hoặc chồng bị xử tội hiếp dâm thì cũng khá phổ biến. Một thống kê năm 2006 ước tính các ca vợ hoặc chồng bị truy tố về tội hiếp dâm đã xảy ra ở ít nhất 104 nước. Nói riêng nước Mỹ, tất cả các bang đều coi việc vợ hoặc chồng không muốn sinh hoạt mà bị “đối tác” ép là đã cấu thành tội hiếp dâm.

Tuy nhiên, luật pháp Việt Nam thường không thụ lý các vụ này giữa vợ chồng, nhất là khi trước đó cặp vợ chồng này đã từng có quan hệ tình dục bình thường, vì khó mà xác định được nạn nhân có muốn, có đồng ý hay phản đối. Ngoài ra, việc xử lại còn cần bằng chứng, do đó người bị hại thường có tâm lý e ngại, giữ kín chuyện. Do vậy, tỉ lệ trình báo, khởi tố, điều tra, xét xử tội này thay đổi rất khác nhau theo từng quốc gia.

Tội phạm hiếp dâm: Nhiều nước xử "cung hình" - 1

Ngày 31/12/2012 ở New Delhi (Ấn Độ), một học sinh nữ dự lễ cầu nguyện cho nữ sinh viên bị hiếp dâm hôm 16/12/2012. Em vẽ mặt kêu gọi đấu tranh chống hiếp dâm trong năm 2013. Ảnh: REUTERS

Nhiều nước áp dụng hình phạt cung hình (hoạn)

Hiện nay, ở phần lớn các nước trên thế giới, hình phạt chung cho tội hiếp dâm là án tù nhưng tất nhiên, quy định cũng khác nhau.

Tại Pháp, hình phạt tối đa là 15 năm; nếu nạn nhân dưới 15 tuổi thì mức án lên tới 20 năm, nếu làm nạn nhân thiệt mạng thì tới 30 năm, nếu còn kèm hành vi tra tấn thì có thể bị tù chung thân. Tại Hungary, khung hình phạt là 2-8 năm; tại Nga là 4-10 năm (nếu có các tình tiết tăng nặng thì có thể hơn). Tại Mỹ, hình phạt dao động từ phạt tiền cho đến chung thân, tùy theo mức độ bạo hành hoặc/và tuổi của nạn nhân và có hay không có việc sử dụng ma túy hoặc độc dược để làm nạn nhân mất khả năng chống đối.

Năm 1992, một nghiên cứu của Bộ Tư pháp Mỹ cho thấy số năm tù trung bình cho tội phạm hiếp dâm là 11,8 năm nhưng thời gian thụ án thực sự chỉ có 5,4 năm, do tội phạm thường được ân xá, giảm án. Tuy nhiên, vào năm 1996, California đã trở thành bang đầu tiên ở Mỹ tuyên bố cho phép sử dụng hóa chất để thực hiện “cung hình” (hoạn, thiến) đối với tội phạm hiếp dâm nhằm vào trẻ em dưới 13 tuổi và/hoặc phạm tội nhiều lần. Sau đó, khoảng một chục bang khác đã làm theo. Luật của bang Texas quy định hoạn bằng hình thức phẫu thuật, còn California, Georgia, Montana, Florida và Louisiana thì cho dùng hóa chất để gây rụng tinh hoàn… Nhìn chung, cũng có những ý kiến cho rằng cung hình, nếu được áp dụng trên toàn nước Mỹ, có thể làm giảm đáng kể số vụ hiếp dâm, đang là hàng chục ngàn vụ mỗi năm.

Về khoản này, có lẽ châu Âu mạnh dạn hơn Mỹ: Đức, Anh, Đan Mạch, Thụy Điển, Ba Lan, Estonia, Moldova đều đã dùng biện pháp hoạn để “xử lý dứt điểm” loại tội phạm tình dục. Cộng hòa Czech là quốc gia duy nhất ở châu Âu dùng hình phạt hoạn bằng phẫu thuật để xử tội phạm hiếp dâm, còn Ba Lan sắp tới có thể sẽ là nước EU đầu tiên dùng hóa chất để thi hành án này. Hóa chất đó thường là các thuốc có chứa hormone, có thể làm teo hoặc gây rụng tinh hoàn hoặc buồng trứng của tội phạm.

Các nước khác như Argentina, Úc, Israel, New Zealand... cũng áp dụng hình phạt tương tự đối với loại tội phạm này.

Xu hướng áp dụng hình phạt "hoạn" ở châu Á

Vào năm 2010, Hàn Quốc trở thành nước đầu tiên ở châu Á thông qua luật chống hiếp dâm bằng áp dụng cung hình. Đến tháng 5-2012 thì có “ca” đầu tiên bị xử lý. Đó là một gã đàn ông tên Park, 44 tuổi. Nhân vật này vốn dĩ đang thụ án tù 10 năm vì tội hiếp dâm bốn bé gái tuổi từ bốn đến chín, trong thời gian từ năm 1984 đến 2002. Sở dĩ ông ta bị cung hình là do sắp mãn hạn tù và theo nhận định của một ủy ban chuyên môn về tâm bệnh học, thuộc Bộ Tư pháp Hàn Quốc, thì có nguy cơ rất cao là ông ta sẽ lại “ngựa quen đường cũ” sau khi ra tù; vậy nên phải… hoạn trước. Hàn Quốc còn đang cân nhắc việc công bố công khai trên một trang web của chính phủ tên tuổi, địa chỉ của những kẻ đã phạm loại tội “khó trình báo, khó điều tra” này.

Tiếp sau Hàn Quốc, tại Đông Nam Á, mới đầu tháng Giêng năm nay, đoàn luật sư Malaysia cũng đang đề nghị thi hành cung hình đối với kẻ phạm tội hiếp dâm nhiều lần.

Ở Ấn Độ, sau thảm kịch kinh hoàng xảy ra ngay giữa thủ đô New Delhi hôm 16/12, Quốc hội đã thảo một dự luật chống hiếp dâm, trong đó đề xuất việc xử tội này bằng cung hình (sử dụng hóa chất), kết hợp với án tù lên tới 30 năm. Dự luật hiện đang trong quá trình soạn thảo. Bộ trưởng Nội vụ Sushil Kumar Shinde thậm chí còn cho rằng chính quyền cần sửa luật hình sự, bổ sung hình phạt tử hình cho những vụ hiếp dâm man rợ như vừa qua. Thủ tướng Manmohan Singh thì phát biểu: “Chính phủ đã quyết định xem xét lại luật hiện hành và các mức hình phạt trong các trường hợp tấn công tình dục nghiêm trọng”.

Người cha của cô gái 23 tuổi xấu số bày tỏ mong muốn những kẻ thủ ác phải bị treo cổ. Một cuộc vận động kiến nghị (petition) trên mạng xã hội Facebook có tên “Hãy treo cổ bọn hiếp dâm” được rất đông cư dân mạng ở Ấn Độ hưởng ứng. Tuy thế, điều này chắc chắn không thành hiện thực bởi theo Hiến pháp Ấn Độ, một người không thể bị kết án nặng hơn mức án đã quy định trong luật pháp tại thời điểm gây án. Cho đến nay, theo luật Ấn Độ, hình phạt tối thiểu cho tội hiếp dâm tập thể là 10 năm tù, tối đa là chung thân.

Ở Việt Nam, hiếp dâm trẻ em có thể bị tử hình

Ở Việt Nam, tội hiếp dâm được quy định tại Điều 111 Bộ luật Hình sự (BLHS). Ở BLHS năm 1999 thì hình phạt cao nhất dành cho người phạm tội này lên đến tử hình (khoản 3). Theo đó, người phạm tội thuộc một trong các trường hợp gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỉ lệ thương tật từ 61% trở lên, biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội, làm nạn nhân chết hoặc tự sát thì bị phạt tù từ 12 đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Nhưng theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2009 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2010) thì hình phạt tử hình dành cho tội này đã bị bỏ. Thay vào đó, hình phạt cao nhất dành cho tội này chỉ đến mức chung thân.

Tuy nhiên, đối với tội hiếp dâm trẻ em (Điều 112 BLHS) thì hình phạt tử hình vẫn giữ nguyên chứ không bị bỏ. Theo đó, người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: có tổ chức; nhiều người hiếp một người; phạm tội nhiều lần; đối với nhiều người; gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỉ lệ thương tật từ 61% trở lên; biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội; làm nạn nhân chết hoặc tự sát.

Nạn nhân cũng bị trừng phạt (?!)

Điều mà nhiều người trong xã hội hiện đại ngày nay có thể thấy không chấp nhận được, là trong lịch sử, tại nhiều cộng đồng, nạn nhân của vụ hiếp dâm cũng bị xử tội chứ không chỉ thủ phạm. Chuyện này xảy ra ở những cộng đồng có quan niệm rằng nạn nhân bị cưỡng hiếp tức là đã bị mất phẩm giá, đồng thời làm hoen ố danh dự của cả gia đình, dòng họ cho nên phải bị trừng phạt, thậm chí xử tử để phục hồi danh dự. Đó đã là chuyện có thật ở nhiều quốc gia phong kiến châu Âu khi xưa, như La Mã, Anh Quốc. Cùng thời ấy, tại Trung Quốc và Ấn Độ, có truyền thống là phụ nữ bị làm nhục thì phải tự sát để bảo toàn nhân phẩm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoàng Thư (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN