Tình yêu của người đàn ông đặc biệt nhất Việt Nam
Cặp song sinh có hình dạng kỳ lạ, dính chung nội tạng dưới, phần bụng, chân, bộ phận sinh dục, hậu môn. Sau ca mổ tách cặp song sinh lịch sử, người anh qua đời, người em vẫn tiếp tục sống.
Trong căn nhà nhỏ nằm ở hẻm trên đường Điện Biên Phủ (quận 3, TP HCM), anh Nguyễn Đức vẫn cười tươi, nói chuyện vui vẻ như đôi chân bị khuyết của mình không là vấn đề gì. Anh chính là người em của cặp song sinh từng gây “bão” truyền thông lẫn y tế không chỉ trong nước mà còn ở cả quốc tế.
Ngày 25/2/1981, anh Đức cùng anh trai là Nguyễn Việt được sinh ra tại thị trấn Sa Thầy (tỉnh Gia Lai – Kon Tum cũ, nay là tỉnh Kon Tum). Điều đáng nói, hai anh có hình dạng kỳ lạ, dính chung nội tạng dưới, phần bụng, chân, bộ phận sinh dục, hậu môn. Bác sĩ tại bệnh viện Kon Tum quyết định chuyển cặp song sinh ra bệnh viện Việt – Đức tìm hướng điều trị.
Anh Đức cùng diễn viên Trần Bảo Sơn
Ngày ấy, y tế Việt Nam vẫn còn khá lạc hậu nên chưa thể tìm cách điều trị cho cặp song sinh này. Hơn một năm sau, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng đề nghị chuyển cặp song sinh vào bệnh viện Từ Dũ để nuôi nấng, theo dõi. Từ đó, họ được chuyển vào làng Hòa Bình sinh sống cùng với những đứa trẻ khuyết tật, nhiễm chất độc da cam.
Thưở nhỏ, cuộc sống anh Đức luôn gắn liền với anh trai. Người này đi đâu, người còn lại phải đi theo. Người này muốn nằm, người kia không thể đứng… Theo thời gian, cơ thể của cả hai lớn dần nên việc sinh hoạt trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Nếu người này ngồi thì người kia phải nằm…
Dù thân thể gắn liền nhưng anh Đức nhận ra giữa hai người có khá nhiều điểm khác nhau. Ý thích của họ cũng không trùng hợp. Anh Đức cho hay, lúc ấy, anh vô tư sống, không hề nghĩ đến sự khác biệt giữa mình với mọi người. Anh vẫn vui vẻ nô đùa, cười nói…
Năm 1986, anh Việt sốt nặng. Bác sĩ cho biết, anh Việt bị chứng viêm màng não và tình trạng ngày càng nặng. Thỉnh thoảng, anh Việt lại la hét, gồng cứng người. Dù sức khỏe khá tốt nhưng anh Đức cũng bị bệnh theo anh trai.
Rồi, anh Việt rơi vào tình trạng hôn mê kéo dài. Bác sĩ tại bệnh viện Từ Dũ nhận thấy sự việc ngày càng nghiêm trọng nên quyết định thông tin lên báo chí trong nước lẫn quốc tế. Tin tức này nhanh chóng lan rộng, nhận được sự chú ý của nhiều bác sĩ, nhà khoa học.
Anh Đức trong một chuyến thiện nguyện cùng ca sĩ Nguyễn Phi Hùng
Cặp song sinh được đưa sang Nhật Bản điều trị nhưng kết quả bị thất bại. Năm 1998, một tổ chức y tế tài trợ dàn máy móc hiện đại cùng bác sĩ gây mê sang Việt Nam. Ca phẫu thuật lịch sử diễn ra dưới bàn tay của 70 bác sĩ, giáo sư đầu ngành.
Anh Việt nhường bộ phận sinh dục và hậu môn cho em trai. Mỗi người nhận một chiếc chân. Ca phẫu thuật kéo dài suốt 17 tiếng đồng hồ đạt kết quả tốt đẹp. Sau mổ, anh Việt tiếp tục hôn mê. Riêng anh Đức điều trị vết thương, tập vật lý trị liệu. Đến năm 2007, anh Việt trút hơi thở cuối cùng.
“Tôi nhận thức, mình sống được là một phần hy sinh của anh trai. Do đó, bất kể làm gì, tôi cũng phải cố gắng gấp đôi như để hoàn thành cùng anh. Tôi đi học chữ. Dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng tôi vẫn vượt qua được”, anh Đức kể.
Biết sức mình không thể bằng những người bình thường, anh quyết định chuyển sang học nghề tin học. Sau một khoảng thời gian, anh được gửi qua Nhật Bản học cấp tốc 3 tháng về tin học và được nhận vào Làng Hòa Bình làm việc.
Vừa làm việc tại Làng Hòa Bình vừa hoạt động thiện nguyện. Một lần đi đám cưới người bạn, anh gặp gỡ chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền. Hai người thường xuyên trò chuyện. Anh cảm thấy ngại ngùng khi chị chủ động trò chuyện. Bỡ ngỡ ban đầu cũng nhanh chóng qua khi anh biết, chị có tình cảm với mình. Tình yêu đôi lứa nảy nở.
Ngày anh được đưa về ra mắt nhà vợ cũng gặp nhiều khó khăn. Nhưng, nhờ trái tim cùng nhịp đập, họ đã thuyết phục được người thân. Đến năm 2006, anh chị làm đám cưới trước sự chứng kiến của người thân, nhiều bác sĩ, y tá trong kíp mổ ngày ấy tại Thương xá Tax.
Ba năm sau ngày cưới, chị Tuyền hạ sinh một cặp song sinh. Anh Đức lấy tên là Phú Sĩ và Anh Đào đặt tên cho con như là một lời ghi nhớ về những ân nhân người Nhật. Đến nay, hai cháu đang học lớp 1.
Anh Đức luôn hy vọng xã hội sẽ vơi bớt những người bất hạnh nên lập quỹ từ thiện Vì một thế giới đẹp tươi. Qũy này được nhiều người trong nước và nước ngoài, đặc biệt là người Nhật Bản tham gia. Mỗi năm, quỹ có nhiều chuyến đi khắp các tỉnh miền Nam để tài trợ, giúp đỡ người nghèo, bệnh tật, bị chất độc da cam…
Cặp song sinh đặc biệt nhất Việt Nam lúc còn nhỏ
Các hãng thông tấn tại Nhật Bản nhận thấy tinh thần vượt qua khó khăn, nghị lực phi thường nên có lời mời anh Đức sang trò chuyện, làm diễn giả. Nhẩm tính, đến nay, anh đã sang đất nước Mặt trời mọc 41 lần. Ngoài ra, anh còn được mời tham gia nhiều sự kiện văn hóa, giải trí trong cả nước.
Trong cuộc trò chuyện, anh Đức liên tục nhắc về ơn của những người đã góp phần, tham gia phẫu thuật tách cặp song sinh. Đó là bác sĩ Tạ Thị Chung (Nguyên Phó giám đốc bệnh viện Từ Dũ), bác sĩ chỉ đạo mổ Dương Quang Trung… “Tôi có được như thế này là nhờ công sức của rất nhiều người. Đặc biệt, không thể thiếu là người anh đã quá cố của tôi”, anh Đức chia sẻ.