Tình báo Mỹ bó tay vì Triều Tiên che đậy tốt

Cơ quan tình báo của Mỹ và đồng minh cho biết họ không tìm thấy dấu vết hạt nhân từ vụ thử hôm 12/2 của Triều Tiên, vì thế không thể giải đáp nhiều vấn đề về thiết kế, tầm xa và sức công phá của hệ thống.

Sau vụ thử nghiệm, Trung tâm ứng dụng công nghệ Không quân Mỹ tại bang Florida đã đưa đội máy bay “đánh hơi” WC-135 lần tìm vết tích khí gas để lần manh mối về thiết kế của hệ thống. Nhưng nỗ lực này không mang lại kết quả gì, các quan chức Mỹ, Hàn Quốc và châu Âu cho biết.

Dựa trên bằng chứng địa chấn, giới quan chức và các chuyên gia độc lập đều nói họ không mấy nghi ngờ rằng thiết bị mà Triều Tiên vừa thử mạnh hơn nhiều lần hai vụ thử năm 2006 và 2009.

Ước tính về sức nổ của vụ thử vẫn còn nhiều khác biệt, nhưng các quan chức và chuyên gia cho rằng ít nhất sức công phá cũng lên tới 5 kiloton (tương đương sức nổ của 5.000 tấn thuốc nổ TNT), nhỏ hơn sức nổ của quả bom nguyên tử mà Mỹ thả xuống TP. Hiroshima của Nhật Bản trong Thế chiến II.

Trong thông báo về vụ thử, Triều Tiên tuyên bố họ sử dụng “thiết bị hạt nhân nhẹ hơn và thu nhỏ với sức công phá lớn hơn trước đây mà không gây hệ quả tiêu cực nào đối với môi trường sinh thái xung quanh”.

Một câu hỏi quan trọng được đặt ra là, Triều Tiên đã sử dụng vật liệu phân hạch nào trong vụ thử vừa qua.

Trong hai vụ thử trước đây, Triều Tiên được tin là đã dùng plutoni làm lõi phân hạch cho thiết bị.

Vấp phải áp lực ngoại giao quốc tế, Triều Tiên năm 2007 ngừng sản xuất plutoni. Nhưng sau đó nước này thừa nhận đã xây một số cơ sở để sản xuất urani làm giàu cấp độ cao. Đây cũng là loại vật liệu phân hạch khác có thể được dùng để chế tạo bom.

Plutoni là phụ phẩm của các lò phản ứng hạt nhân, nên các chuyên gia cho rằng rất khó để chế tạo bom từ loại vật liệu này vì đòi hỏi các thông số kỹ thuật chính xác. Theo các chuyên gia, sẽ dễ dàng hơn khi Triều Tiên sản xuất lượng lớn urani làm giàu cấp độ cao.

Máy bay dò tìm không thu thập được dấu vết, trong khi không có thông tin rò rỉ từ nội bộ Triều Tiên về vụ thử khiến các quan chức Mỹ và các nước đồng minh nói rằng rất khó để người bên ngoài có thể đánh giá loại bom Bình Nhưỡng vừa thử có lõi plutoni hay urani.

Một vấn đề chủ chốt khác là đánh giá sức công phá, cấu hình và tầm xa của thiết bị, cũng như Triều Tiên đạt tới trình độ đến đâu trong việc thu nhỏ thiết bị có khả năng trở thành đầu đạn hạt nhân tầm xa.

Các chuyên gia và quan chức hiểu rõ về máy bay đánh hơi nói rằng trong vài năm qua, người Triều Tiên ngày càng tiến bộ trong việc chôn giấu các địa điểm vụ thử để xóa dấu vết.

Một quan chức Hàn Quốc cho rằng rất có khả năng Triều Tiên đã đào một đường hầm rất sâu và bịt chặt để tránh bị phát hiện.

Các quan chức đều cho rằng vật chất hạt nhân sót lại có thể phân rã rất nhanh, khi urani được làm giàu cấp độ cao có thể phân rã trong vài ngày sau vụ thử. Vì thế, đến nay mà vẫn chưa phát hiện ra dấu vết thì sau này cũng ít khả năng sẽ tìm ra.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trúc Quỳnh (theo Reuters) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN