Tin đồn thất thiệt về "thảm họa động đất"

Sáng nay (27/10), Văn phòng UBND huyện Bắc Trà My cho biết: Trong suốt những ngày qua người dân vùng động đất Sông Tranh 2 rộ lên tin đồn “thảm họa động đất và ngày tận thế” đã khiến người dân nơi đây hoang mang lo lắng…

Trước những tin đồn đó, nhiều gia đình bi quan lơ là làm ăn. Một số thu dọn đồ đạc và bán nhà cửa bỏ đi để tránh thảm họa động đất như tin đồn.

Nhiều người dân cho biết các nhà khoa học nói trên ti vi cho rằng động đất tại Sông Tranh 2 là động đất kích thích và sẽ giảm dần. Tuy nhiên, động đất không giảm dần và ngày càng tăng với cường độ lớn. Và sau đó là hàng loạt tin đồn “thảm họa động đất xảy ra” nên họ lo lắng.

Tin đồn thất thiệt về "thảm họa động đất" - 1

Người dân lo sợ động đất bỏ vào rừng dựng nhà sinh sống

Thống kê đến thời điểm này, sau hàng loạt trận động đất lớn nhỏ xảy ra trên địa bàn huyện đã có hơn 1.000 nhà dân bị hư hỏng, nứt tường vẫn chưa được khắc phục.

Trong khi đó các trạm quan trắc động đất được lắp đặt tại thủy điện Sông Tranh 2 lại ghi nhận các trận động đất quá chậm. Thậm chí nhiều máy quan trắc không ghi được động đất diễn ra cũng khiến người dân thêm bất an.

Trước đó, theo lời hứa của Bộ Công thương và Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) là sẽ cử tổ công tác đặc biệt vào Sông Tranh 2 túc trực để theo dõi động đất. Nhưng đến thời điểm này người dân vẫn không thấy ai vào.

Đã vậy, gần đây mưa lớn và động đất dồn dập với cường độ mạnh hơn đã khiến những tin đồn thất thiệt làm người dân càng hoang mang hơn.

Tin đồn thất thiệt về "thảm họa động đất" - 2

Tường nhà dân bị nứt sau trận động đất mạnh 4,6 độ richter

Ngay sau nhận được thông tin này, chính quyền địa phương huyện Bắc Trà My đã khẳng định đây là thông tin bịa đặt của kẻ xấu tung tin.

Người phát ngôn của UBND huyện Bắc Trà My, ông Lê Văn Tuấn, Chánh Văn phòng UBND huyện cho biết, một số kẻ xấu đã lợi dụng việc thiếu thông tin của người dân đã tung những tin đồn thất thiệt này nhằm làm phức tạp thêm tình hình địa phương.

UBND huyện đã yêu cầu các cơ quan chức năng sớm vào cuộc điều tra những kẻ gây tin đồn thất thiệt này để xử lý theo qui định của pháp luật. Đồng thời huy động các tổ chức đoàn thể tại địa phương vào cuộc vận động, trấn an người dân - ông Tuấn nói.

Điều đáng lo lắng nhất hiện nay đối với ông Đặng Phong, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My là mưa lũ sẽ chia cắt nhiều xã trong vùng động đất.

"Nếu cùng với mưa lũ và động đất xảy ra chúng tôi không biết phải đối phó bằng cách nào" ông Phong trăn trở.

Quảng Ngãi: Người dân chạy động đất đã về lại nơi ở cũ

Sau khi được chính quyền địa phương động viên, giải thích, chiều 26/10, người dân ở xóm Tà Ba, xã Sơn Thượng, huyện Sơn Hà đã bắt đầu dọn về làng cũ sau hơn 3 ngày rời làng vì sợ động đất.

Ông Dương Viết Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà cho biết, trước thông tin nứt núi khiến bà con hoang mang, huyện Sơn Hà đã chỉ đạo một đoàn công tác gồm các thành viên của Ban phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn và Phòng Tài nguyên môi trường của huyện đi kiểm tra tình trạng như người dân phản ánh.

Qua kiểm tra thực tế,vết nứt xảy ra cách đây 3 năm, đất đai đã bồi lấp. Huyện cũng đã vận động, giải thích cho bà con hiểu rằng tình trạng rung chuyển là do dư chấn động đất không ảnh hưởng gì. Sau khi vận động, giải thích, người dân đã thu dọn lều trại về quê cũ.

Minh Bảo

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vũ Trung (Vietnamnet)
Động đất ở thủy điện Sông Tranh 2 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN