Thương binh chế trực thăng: Chỉ sợ bị cấm bay

“Nếu nhà nước cho phép, tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, chứ không thì đành dừng lại thôi”, đó là lời chia sẻ của ông Bùi Hiển - người thương binh tự chế máy bay vì niềm đam mê vô tận.

“Máy bay” hay “thiết bị bay”?

Sau khi cho ra đời 2 chiếc máy bay, ông Hiển vẫn lo toan nhiều điều. Nỗi lo của ông không phải về tài chính, cũng không phải kiến thức hay thời gian, công sức mà đó chính là việc xin được giấy phép bay thử từ các cơ quan quản lý vùng trời.

“Năm 2012, sau khi biết tin máy bay của tôi bay được, hầu hết các nhà khoa học yêu thích sáng tạo đều đã đến đây xem thử”, ông Hiển kể lại thời điểm đứa con tinh thần đầu tiên của mình nhận được sự quan tâm của giới khoa học. Giờ đây, sự kiện còn thu hút sự chú ý của một số Việt Kiều, các nhà khoa học đã và đang nghiên cứu máy bay, tàu ngầm,…

Thương binh chế trực thăng: Chỉ sợ bị cấm bay - 1

 Chiếc máy bay đầu tiên của ông Hiển đang cất trong “bảo tàng”.

Hồi đó, đoàn cán bộ kỹ thuật thuộc Sư đoàn Không quân 370, quản lý sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Dương do thượng tá Nguyễn Văn Dũng làm trưởng đoàn đã đến thị sát, kiểm tra tổng thể chiếc máy bay tự chế đầu tiên của ông Hiển. Sau khi xem xét, đoàn cho rằng máy bay này còn thiếu nhiều thông số kỹ thuật để được gọi là “máy bay”, và cũng mới bay được hơn 1 mét nên chỉ được gọi là “thiết bị bay”.

“Nó là một cái động cơ có thể bay lên được, tức là một cái máy mà bay lên thì gọi là máy bay thôi. Từ máy bay là vô cùng đơn giản, đúng danh từ tiếng Việt”, ông Hiển phân trần.

Ông Hiển nói: “Làm sao để nó bay lên được mới là khó, đòi hỏi một quá trình tính toán chi tiết, kỹ lưỡng các công thức trên cơ sở khoa học”. Ông khẳng định: “Các tài liệu này ở Việt Nam không có. Hơn nữa, tài liệu chỉ là tham khảo, chứ khi thực hiện thì phải cực kỳ sáng tạo và phải biết làm chứ không đơn giản đâu, nói chung là vô cùng khó!”.

Thương binh chế trực thăng: Chỉ sợ bị cấm bay - 2

Những chi tiết máy như trong hình là do một tay ông Hiển tạo ra.

Lo sợ lệnh cấm bay

Nhắc lại chuyện cũ, ông Hiển cho biết: “Đoàn cán bộ kĩ thuật nói, muốn bay phải xin giấy phép của cơ quan quản lý vùng trời. Hên là hồi đó tôi chỉ bay thử trong nhà kho của mình nên không bị phạt, nhưng có bị nhắc nhở. Nhưng muốn xin giấy phép thì phải đạt một số tiêu chuẩn nhất định, mà không bay thử nghiệm thì làm sao kiểm tra được(?!)”. Giờ đây, ông đang lo sợ có lệnh cấm bay đối với chiếc máy bay thứ hai vừa hoàn thành.

Nhằm mục đích xin được giấy phép bay dễ dàng hơn về sau, ông Hiển chỉ thiết kế máy bay 1 người ngồi. Ông giải thích: “Chiếc máy bay này có thể ngồi 2 người, nhưng khi muốn đăng ký hay xin phép bay thì máy bay 1 người ngồi sẽ có tiêu chuẩn thấp hơn, chứ có 2 người ngồi trở lên thì tiêu chuẩn cao lắm, khó đăng ký”.

Việc ông Hiển tự chế tạo từng linh kiện rồi lắp ghép, tạo nên chiếc máy bay đã khiến không ít người ngỡ ngàng. Theo ông Hiển, chỉ cần thiếu một linh kiện là không thể hoàn thiện máy bay. Ông đã tự tay chế tác từng linh kiện (trừ động cơ) vì những linh kiện đó không thể nhập từ nước ngoài về. Tổng chi phí hoàn thành một chiếc máy bay như vậy chỉ vào khoảng 200 đến 300 triệu.

Thương binh chế trực thăng: Chỉ sợ bị cấm bay - 3

Ông Hiển luôn lo lắng chiếc máy bay thứ hai sẽ không bao giờ được phép bay lên bầu trời.

Ông Hiển cho hay: “Thật ra các hãng sản xuất máy bay trên thế giới đều mua những linh, phụ kiện từ các nước khác nhau, rồi lắp ráp thành máy bay. Như vậy, sản xuất máy bay mới vừa nhanh, vừa rẻ hơn". Ông Hiển quả quyết rằng, nếu được nhập các linh kiện thì ông sẽ chế tạo ra những chiếc máy bay chất lượng không thua kém gì nước ngoài mà giá thành lại cực rẻ.

Trước khi PV chào tạm biệt ra về, ông Hiển tâm sự: “Nếu nhà nước cho phép thì tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, chứ không thì đành dừng lại thôi”.

Xem video ông Hiển thử nghiệm chiếc máy bay đầu tiên:

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Phạm ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN