Thuê người chặt tay chân để lấy bảo hiểm sẽ bị phạt 100 triệu đồng?

Nếu sử dụng thủ đoạn gian dối như thuê người chặt tay chân và chiếm đoạt tiền bảo hiểm, người vi phạm có thể bị phạt số tiền rất lớn, thậm chí xử tù.

Thuê người chặt tay chân để lấy bảo hiểm sẽ bị phạt 100 triệu đồng? - 1

Hiện trường vụ việc

Chiếm đoạt bảo hiểm trên 500 triệu đồng bị xử chung thân

Vừa qua, Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) khám phá vụ việc, chị Nguyễn Thu Lý (30 tuổi, ở Phúc Thọ, Hà Nội) thuê anh Hoàng Lam (21 tuổi, cùng ở huyện Phúc Thọ) chặt đứt bàn tay và bàn chân rồi giả báo công an rằng, mình bị tai nạn tàu hỏa dẫn tới bị thương.

Tuy nhiên, mục đích của hành vi trên của chị Lý được cơ quan điều tra xác định là để được thanh toán tiền bảo hiểm nhân thọ lên tới hàng tỷ đồng.

Trao đổi với PV, luật sư Trần Tuấn Anh (Giám đốc Công ty Luật Minh bạch) cho biết: Theo pháp luật hiện hành, việc một người dùng thủ đoạn gian dối, cụ thể là thuê người chặt tay, chân mình như chị Lý sau đó tạo hiện trường TNGT nhằm chiếm đoạt tiền của tổ chức kinh doanh bảo hiểm đã thỏa mãn dấu hiệu về mặt khách quan của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” tại Điều 139 Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009.

Tuy nhiên, trong trường hợp này, cần phải xác định được, chị Lý - đối tượng trục lợi bảo hiểm này đã chiếm đoạt được tiền bảo hiểm hay chưa? Đây là yếu tố bắt buộc để xác định có hay không có hành vi bị coi là tội phạm.

“Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản chỉ cấu thành khi người phạm tội đã thực hiện trót lọt hành vi chiếm đoạt của mình, tức là khi đã nhận được tiền bảo hiểm từ tổ chức kinh doanh bảo hiểm.

Nếu như chị Lý thực hiện hiện trót lọt việc chiếm đoạt tiền từ tổ chức kinh doanh bảo hiểm thì hành vi đó đủ yếu tố cấu thành tội lừa đảo “Chiếm đoạt tài sản quy định”. Hình phạt cao nhất ở tội danh này lên tới chung thân nếu giá trị tài sản bị chiếm đoạt từ 500 triệu đồng trở lên.

Anh Lam - người được thuê làm việc chặt tay chân nếu biết rõ động cơ, mục đích việc làm của chị Lý (nhằm trục lợi bảo hiểm) nhưng vẫn làm theo thì có thể bị xác định phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với vai trò đồng phạm giúp sức.

Trong trường hợp, việc tạo lập sự kiện bảo hiểm của chị Lý bị tổ chức kinh doanh bảo hiểm hay cơ quan có thẩm quyền kịp thời phát hiện, tổ chức kinh doanh bảo hiểm chưa chi trả tiền bảo hiểm, tức là số tiền bảo hiểm chưa bị chiếm đoạt thì người thực hành vi này không bị coi là tội phạm.

Tuy nhiên, người vi phạm sẽ bị tổ chức kinh doanh bảo hiểm từ chối chi trả bảo hiểm và xử lý việc vi phạm hợp đồng theo đúng cam kết của các bên khi xác lập quan hệ bảo hiểm.

Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 90 -100 triệu đồng đối với hành vi “Gian dối, giả mạo tài liệu trong hồ sơ yêu cầu bồi thường” theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm”, luật sư Trần Tuấn Anh nói.

Đồng quan điểm, luật sư Lê Văn Kiên (Trưởng văn phòng luật sư Ánh sáng Công lý) cho rằng, “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” chỉ cấu thành tội phạm khi người thực hiện hành vi này đã chiếm đoạt được tài sản.

“Thủ đoạn tạo ra thương tật và trình báo gặp tai nạn để hưởng bảo hiểm của chị Lý chỉ cấu thành tội phạm, bị xử lý hình sự theo tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” nếu chị này đã nhận được tiền bảo hiểm từ đơn vị kinh doanh bảo hiểm. Ngược lại, nếu chị Lý chưa được tiền từ đơn vị kinh doanh bảo hiểm thì chưa thể xử lý hình sự mà chỉ có thể xử lý hành chính”, luật sư Kiên nói.

Luật mới sẽ có tội riêng về bảo hiểm

Luật sư Trần Tuấn Anh cho biết thêm, trong Bộ luật Hình sự 2015 đang được chỉnh sửa, hành vi “gian lận trong kinh doanh bảo hiểm” đã được thể chế hóa thành một tội riêng biệt.

“Điều 213, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định “Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm” với khung hình phạt cao nhất là 7 năm tù đối với trường hợp chiếm đoạt số tiền từ 500 triệu đồng trở lên hoặc gây thiệt hại từ 1 tỷ đồng trở lên.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng…

Tôi cho rằng, điều luật mới này là phù hợp với thực tiễn. Ở Việt Nam, hành vi tự gây thương tật, hoặc thuê người gây thương tật nhằm chiếm đoạt tiền từ đơn vị kinh doanh bảo hiểm còn mới, nhưng những điều chỉnh trên sẽ là biện pháp ngăn chặn cần thiết với loại tội phạm này”, luật sư Trần Tuấn Anh nói.

* Tên người liên quan đến vụ việc đã được thay đổi.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Xuân Lực ([Tên nguồn])
Thuê người chặt tay chân để hưởng tiền bảo hiểm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN