Thu nhập người Việt sắp thua Lào: Có đáng lo?
Nếu tiếp tục đà tăng trưởng như hiện nay, khoảng 5 năm nữa, GDP của Lào sẽ vượt qua Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, nếu Việt Nam không đổi mới sẽ tụt hậu. Chỉ 3 đến 5 năm tới, Việt Nam sẽ bị Lào, Campuchia, Myanmar vượt qua.
Trao đổi với phóng viên, Nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Cao Viết Sinh cho rằng tăng trưởng kinh tế chỉ là một yếu tố để đánh giá, ổn định vĩ mô mới là điều quan trọng và bền vững.
Ông Cao Viết Sinh - Nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư
Nếu tiếp tục như đà tăng trưởng hiện nay, khoảng 5 năm nữa Lào sẽ vượt qua Việt Nam. Ông có quan điểm gì về việc này?
Ông Cao Viết Sinh: Thực ra đó không phải là điều gì ghê gớm vì nhiều báo cáo đã thể hiện điều đó. Vấn đề quan trọng là không phải là theo thành tích mà là nhìn ra phía trước, tăng trưởng phải dài hơi hơn.
Xin ông cho biết tình hình tăng trưởng của Lào và Campuchia trong thời gian qua?
Lào hiện tăng trưởng khoảng 7,2%/năm. Lào duy trì tốc độ tăng trưởng cao và nhờ đầu tư của nước ngoài. Họ có nhiều cơ hội phát triển bởi đầu tư từ Trung Quốc, Thái Lan vào Lào cũng cao hơn. Hiện môi trường đầu tư của họ cũng đang được cải thiện. Lào cũng có khả năng duy trì tốc độ tăng trưởng cao hơn Việt Nam.
Tiếp tục như đà tăng trưởng này, khoảng 5 năm nữa Lào sẽ vượt qua Việt Nam. Tuy nhiên, kinh tế vĩ mô của Lào cũng rủi ro, đang dựa vào đầu tư mà đầu tư hiện nay cũng khó nên khả năng Lào phải cố gắng, duy trì ổn định tăng trưởng dài hơi đã. Theo tôi, Lào cũng khó có thể tăng trưởng dài hơi, dài hạn trong khi tăng trưởng cao.
Tốc độ tăng trưởng của Campuchia chưa cao lắm trong khi độ ổn định chính trị không lớn. Vì thế, Campuchia khó có thể duy trì tốc độ tăng trưởng này trong khoảng thời gian dài chừng 10 – 15 năm. Còn hiện tại, Campuchia có nhiều cơ hội hơn, và GDP chỉ cách Việt Nam chừng 200 đô la.
Tại sao trong bối cảnh như nhau, các nước vẫn phát triển tốt, còn Việt Nam chậm hơn?
Điều này khó nói trước được vì từ 2008, Việt Nam hội nhập sâu hơn so với các nước cùng khu vực, xuất nhập khẩu so với GDP là 150%, kéo theo nhập khẩu lạm phát. Cùng với đó, vốn đầu tư nước ngoài đổ vào nhiều khiến lạm phát tăng cao. Việt Nam kiềm chế lạm phát thì tín dụng giảm xuống làm cho bình quân dư nợ tín dụng chỉ 10 – 12% thì tăng trưởng cũng không thể cao được. Đây là vấn đề cần lưu ý, ổn định vĩ mô vẫn là quan trọng.
Còn có những nguyên nhân nào khiến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam như hiện nay?
Có nhiều nguyên nhân. Một thời gian dài môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư của Việt Nam bị trì trệ làm đầu tư của khu vực tư nhân không phát triển, không ổn định mà chủ yếu để cho khu vực nhà nước, nền tảng của nền kinh tế gặp khó khăn.
Xin cảm ơn ông!
Trước đó, ngày 10/10, tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam đến năm 2025: Cơ hội và thách thức”, Thứ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, nếu thời gian tới Việt Nam không đổi mới sẽ tụt hậu. Chỉ 3 đến 5 năm tới, Việt Nam sẽ bị Lào, Campuchia, Myanmar vượt qua. Theo ông Dũng, kinh tế Việt Nam bắt đầu xu thế giảm từ năm 2007. Tới năm 2012, tăng trưởng kinh tế ở mức thấp nhất trong 15 năm. Từ 2013 tới nay, tăng trưởng cao hơn trước, nhưng chưa như kỳ vọng. “Trong khu vực ASEAN, GDP bình quân đầu người của Việt Nam chỉ hơn Lào, Campuchia, Đông Timo, Myanmar. Nếu vẫn phát triển như hiện nay, các nước này chỉ mất 3-5 năm tới là vượt mình, đó là điều đáng buồn. Đã tới lúc kinh tế nước ta cần thay đổi để phù hợp với yêu cầu phát triển”, ông Dũng nói. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2013, GDP bình quân đầu người của Việt Nam là 1.910 USD/người, Lào 1.645 USD/người, Campuchia 1.007 USD/người; Myanmar 900 USD/người. |