"Thiếc tặc" đào địa đạo ở thung lũng Tình Yêu

Ít ai có thể ngờ ngay tại thung lũng Tình Yêu (Đà Lạt) có một địa đạo của “thiếc tặc” đang ngang nhiên hoạt động. Đây là một đường hầm lớn dài hàng trăm mét, trong đó có cả hệ thống điện nước và cung cấp không khí.

Cho dù đã được báo trước, PV cũng không khỏi ngỡ ngàng khi đặt chân vào địa đạo sâu hun hút ngay dưới thung lũng Tình Yêu do những người khai thác thiếc đào trái phép.

Sáng 16-5, ông Phan Văn Thi - phó chủ tịch UBND phường 8, TP Đà Lạt (Lâm Đồng) - cho biết chính quyền cùng lực lượng công an, quân đội đã giải tỏa đường hầm này nhiều lần, thu giữ không ít máy móc, dây điện, ống nước và dùng cả xe cơ giới lấp cửa địa đạo nhưng “thiếc tặc” vẫn lén lút khai thông đường hầm để hoạt động trở lại.

"Thiếc tặc" đào địa đạo ở thung lũng Tình Yêu - 1

Từ trong địa đạo nhìn ra thung lũng Tình yêu (ảnh trái). Địa đạo khá rộng và cao, đã được đào hết sức công phu - Ảnh: Võ Trang

"Thiếc tặc" đào địa đạo ở thung lũng Tình Yêu - 2

Địa đạo dài hun hút xuyên qua cả một đồi thông

Thâm nhập

Trước đó một ngày, trong vai những nông dân làm vườn, chúng tôi đã vượt qua được các đối tượng cảnh giới của “thiếc tặc” và đột nhập thành công vào địa đạo nằm bên dưới danh thắng thung lũng Tình Yêu.

Dù đã được người dân mô tả khá chi li về mức độ “hoành tráng” của địa đạo nhưng khi tiếp cận hiện trường, chúng tôi vẫn không khỏi sửng sốt về quy mô cũng như sự ngang nhiên của những đối tượng khai thác thiếc trái phép. Lần theo tiếng máy nổ, vượt qua một đồi thông ngút ngát, chúng tôi tiếp cận cửa địa đạo nằm lộ thiên bên sườn một khe cạn trong khu vực thuộc tiểu khu 144b, lâm phần do Ban quản lý rừng Lâm Viên giao khoán cho Công ty TNHH Thùy Dương quản lý và bảo vệ. Ngay trước cửa địa đạo là khoảnh đất rộng hơn 300m được dùng làm bãi chứa đất, đá đào từ hang ra. Cách đó khoảng 30m là “trạm bơm” được ngụy trang dùng để tưới rau với hai máy nổ công suất lớn, trong đó một máy dự phòng, còn máy kia đang chạy hết công suất.

Chúng tôi chia hai nhóm, một nhóm làm nhiệm vụ cảnh giới, số còn lại lần theo hệ thống bơm nước để vào địa đạo. Tuy địa đạo có chiều cao khoảng 1,6m, rộng 0,8m, nhưng do đèn pin không đủ sáng cộng với nhiệt độ bên trong xuống thấp nên rất khó di chuyển. Vào được khoảng 20m, chúng tôi gặp ngay một cánh cửa sắt kiên cố. Lúc chúng tôi đột nhập, các đối tượng trong địa đạo đang đào đãi thiếc tại khu vực phía sau cánh cửa, nên cửa chỉ khép hờ. Vượt qua cánh cửa hẹp này, vào thêm gần 10m chúng tôi bị các đối tượng khai thác thiếc phát hiện, họ bỏ chạy mất hút trong địa đạo. Khi trở ra, xem lại kỹ chúng tôi nhận thấy trừ vài đoạn đất vững không có gỗ chống hầm, còn lại toàn bộ đều được chống bằng gỗ thông. Trong đường hầm có cả hệ thống bảng điện, đường ống bơm nước phục vụ việc tuyển quặng.

"Thiếc tặc" đào địa đạo ở thung lũng Tình Yêu - 3

Máy móc phục vụ cho việc khai thác thiếc trái phép

Phía bên ngoài địa đạo cũng có hệ thống bơm nước, cấp điện và cung cấp không khí. Lượng nước bơm vào địa đạo cho tích tụ luôn trong các giếng bên trong địa đạo, không cho nước đục chảy ra ngoài, khiến cơ quan chức năng khó phát hiện.

Theo tài liệu của cơ quan chức năng, đường hầm ở thung lũng Tình Yêu có chiều dài 130m. Tuy nhiên, ước lượng bằng mắt thường cho thấy đường hầm này phải dài hơn rất nhiều, từ miệng hầm, địa đạo ăn qua một đồi thông, qua một con đường nhựa và đến một triền đồi là bãi thiếc trước đây từng được khai thác lộ thiên và sau đó bị giải tỏa, trồng thông và giao cho khu du lịch thung lũng Tình Yêu.

"Thiếc tặc" đào địa đạo ở thung lũng Tình Yêu - 4

Cửa sắt kiên cố để ngăn chặn người ngoài xâm nhập địa đạo

Bó tay?

Theo người dân địa phương, địa đạo này do những người đào đãi thiếc trái phép trong lòng thung lũng Tình Yêu đào từ trước Tết Nguyên đán 2012.

Phó giám đốc khu du lịch thung lũng Tình Yêu Phan Khắc Cử cho biết bảo vệ của công ty phát hiện cửa địa đạo nhắm tới khu vực đào đãi thiếc nằm trong khu du lịch, đơn vị lập tức báo chính quyền địa phương cùng các cơ quan chức năng để giải tỏa, nhưng đến sau tết thì “thiếc tặc” hoạt động trở lại. Cũng theo ông Cử, điều trớ trêu là cửa địa đạo nằm ở khu vực quản lý rừng của Công ty TNHH Thùy Dương, còn đường hầm lại nằm bên dưới lòng đất nên doanh nghiệp không thể làm gì được. Họ chỉ biết cầu cứu chính quyền, đồng thời phát quang khu vực để  theo dõi trên mặt đất, còn trong lòng đất thì đành chịu.

Ông Phạm Đình Long, chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự phường 8, cho biết phường đã giải quyết nhiều lần bằng cách đưa máy vào lấp hầm, kể cả cắt những cây thông lớn (dài 5m) để lấp miệng hầm, nhưng các đối tượng đã cắt bỏ và khui lại miệng hầm. “Sau mỗi đợt giải tỏa, các đối tượng nhắn tin hăm dọa, anh em cũng ngán ngại vì mình ngoài sáng, còn họ ở trong tối và chẳng còn gì để mất” - ông Long nói. Ông Long cho rằng thành phố hỗ trợ chứ công an và dân quân phường không đủ sức.

Ông Phan Văn Thi cho biết chiều 15-5, cơ quan chức năng phường định vào kiểm tra đường hầm thì thấy cửa hầm đã bị “thiếc tặc” đổ thuốc trừ sâu rất hôi nên không thể vào được...

Cuộc chiến chống “thiếc tặc”

* Ngày 10-10-2011, phát hiện “thiếc tặc” dùng máy khoan bêtông đào đường hầm dài 40m, cao 1,5m và rộng 1m. Tại hiện trường có ba xe đẩy đất, một quạt gió, một bình gas, một nồi cơm điện và một máy phát điện... Phường đã tạm giữ toàn bộ tang vật và đốt một lều bạt điện tích 0,8m2 cùng một số lưới đen ngụy trang cửa hầm.

* Ngày 27-10-2011, cơ quan chức năng thu hồi một máy bơm, hai máy khoan bêtông của một số đối tượng ngụ tại nhà ông Hồ Đình Tâm (P.7, TP Đà Lạt, có đất sản xuất gần hiện trường đào hầm).

* Ngày 2-11- 2011, cơ quan chức năng lấp miệng hầm, hoàn nguyên rừng.

* Ngày 1-12-2011, các đối tượng tiếp tục đào một đường hầm mới dài 5m phía ngoài miệng hầm cũ đã san lấp và ngụy trang bằng lưới đen, rồi rào kẽm gai xung quanh trông như một vườn trồng hoa lan có diện tích chừng 20m2.

* Ngày 9-2-2012, đoàn liên ngành TP Đà Lạt dùng xe cơ giới đóng năm cọc sắt V7 dài 5m và chèn một số gỗ thông cắt khúc dài khoảng 4m vào miệng hầm, sau đó lấp kín miệng hầm và phủ đất bên ngoài.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Võ Trang ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN