Thế nào là phòng vệ chính đáng khi bị tài xế "côn đồ" tấn công trên đường?

Sự kiện: Nhịp sống 24h

Qua vụ việc hai người đàn ông đi xe SH gây gổ, chặn đầu đánh nhau với người trên xe ô tô ở Vành đai 2 trên cao (Hà Nội), nhiều người đặt ra câu hỏi rằng trong trường hợp bị các đối tượng côn đồ tấn công trên đường thì bản thân phải làm như thế nào mới được coi là phòng vệ chính đáng?

Hai người đàn ông đi SH và hình ảnh xô xát trên Vành đai 2 trên cao.

Hai người đàn ông đi SH và hình ảnh xô xát trên Vành đai 2 trên cao.

Liên tiếp các vụ côn đồ đe dọa, tấn công trên đường

Thời gian qua, tại Hà Nội liên tục xảy ra các vụ việc người tham gia giao thông bị đối tượng côn đồ hung hãn, đe dọa thậm chí hành hung. Điển hình, giữa tháng 5/2023, ông L.M.H (54 tuổi, trú tỉnh Phú Yên) đi ô tô trên đường Lê Duẩn đoạn qua phường 7, TP Tuy Hòa, đã va chạm với xe máy của Lê Chí Đ. (28 tuổi) đi ngược lại. Sau khi ngã ra đường, Đ. ngồi trước đầu xe ô tô chửi bới. Lúc này, ông H. lấy gậy bóng chày bằng kim loại dài khoảng 70,5cm trong cốp xe đánh vào chân. Sau đó, Đ. giật lấy gậy đánh hai cái trúng đầu ông H. khiến ông này ngã xuống đường bất tỉnh và tiếp tục dùng chân đạp nhiều cái vào vùng cổ tài xế ô tô rồi bỏ đi.

Tương tự, tháng 2/2024, Nguyễn Lê Tuấn Đ. (SN 1991, trú tại Hà Nội) điều khiển ô tô va chạm với xe buýt. Khi đến điểm dừng đường Hoàng Quốc Việt, Đ. cầm 2 con dao quắm đứng trước đầu xe buýt chửi bới, đe dọa và chém vào kính chắn gió, lốp xe phía trước gây thiệt hại 18 triệu đồng.

Gần đây nhất, H. điều khiển xe SH chở T. (cùng trú tại Hà Nội) lưu thông trên đường Vành đai 2 trên cao (tuyến đường cấm xe máy) và bị người phụ nữ đi ô tô quay video. Hai đối tượng này đã lạng lách tạt đầu xe ô tô, đập vào xe của người phụ nữ rồi chửi bới. Chưa dừng lại đó, H. và T. còn chặn đầu, gây gổ với 2 người đàn ông đi trên xe ô tô khác dẫn đến vụ xô xát trên đường.

Nêu quan điểm về vụ việc trên, luật sư Nguyễn Anh Thơm - Văn Phòng Luật sư Nguyễn Anh cho rằng: hành vi của 2 người điều khiển xe SH không những vi phạm quy tắc an toàn giao thông đường bộ mà còn gây mất an ninh trật tự, xâm phạm đến tính mạng, tài sản của công dân được pháp luật bảo vệ. Hành vi này còn thể hiện sự côn đồ, hung hãn, coi thường pháp luật, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự tại địa bàn nên cần thiết phải xử lý nghiêm minh.

"Hành vi của lái xe ô tô và người đàn ông bên ghế lái mở cửa xuống xô xát với 2 người đàn ông đi xe máy SH là hành vi phòng vệ chính đáng để ngăn chặn sự côn đồ, hung hãn của 2 đối tượng là bên chủ động tấn công. Việc ngăn chặn 2 đối tượng đi xe SH lao vào hành hung là tương xứng và cần thiết" - luật sư Thơm nhận định.

"Đối với chiếc xe máy SH là công cụ phương tiện phạm tội, nếu thuộc quyền sở hữu của đối tượng sẽ bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước"- Luật sư Nguyễn Anh Thơm.

Luật sư Thơm cho rằng, hai đối tượng điều khiển xe SH đang thực hiện hành vi gây rối trật tự công cộng, gây nguy hiểm cho tính mạng, tài sản của người khác thì bất kỳ ai cũng có quyền ngăn chặn, yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm.

Thế nào là phòng vệ chính đáng?

Đồng quan điểm, tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Văn phòng Luật sư Chính Pháp nhận định, mặc dù qua đoạn video chưa thể rõ nguyên nhân sự việc, tuy nhiên nội dung clip cho thấy 2 người trên xe ô tô bức xúc vì hành vi coi thường pháp luật của 2 người đi xe SH nên ngay khi bị chặn đầu xe và giật cửa thì hai người này cũng xuống xe, xông vào ẩu đả.

"Hành động của hai người trên xe ô tô được dư luận xã hội ủng hộ, nhiều người "hài lòng" vì cho rằng đã dạy cho hai người đi xe máy SH một bài học" - luật sư Cường chia sẻ.

Từ vụ việc trên mở rộng ra các vụ việc tương tự, luật sư Cường cho biết, dưới góc độ pháp lý pháp luật nghiêm cấm việc đánh nhau nơi công cộng hoặc hành vi đánh người nơi công cộng. Đồng thời pháp luật chỉ cho phép công dân có quyền phòng vệ, tự vệ khi có hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực xảy ra. Việc sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề nơi công cộng đòi hỏi phải hết sức thận trọng, tỉnh táo và kiềm chế cảm xúc.

Nếu là hành vi đánh người hoặc đánh nhau nơi công cộng (cả hai bên đều muốn gây thiệt hại đến tính mạng sức khỏe của nhau) thì đó là những hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, pháp luật cũng cho phép công dân được sử dụng vũ lực trong một số trường hợp như: bắt giữ người phạm tội quả tang, bắt giữ người đang bị truy nã, phòng vệ chính đáng, tự vệ...

Luật sư Cường cho biết, nếu bản thân bị tấn công, bị đe dọa đến tính mạng sức khỏe thì pháp luật cho phép mọi công dân đều có quyền dùng vũ lực để chống trả lại một cách cần thiết, ở mức độ triệt tiêu vũ lực của đối phương.

Điều kiện được xác định là phòng vệ chính đáng phải là hành vi dùng vũ lực của người khác đang diễn ra, nếu không chống trả lại thì sẽ bị thiệt hại phải gặp nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu hành vi chống trả lại rõ ràng quá mức cần thiết thì người thực hiện hành vi sẽ phải chịu trách nhiệm đối với hành vi vượt quá của mình.

Quá trình di chuyển hai người đi xe máy gây gổ, tấn công người đi ô tô.

Quá trình di chuyển hai người đi xe máy gây gổ, tấn công người đi ô tô.

"Vậy người tham gia giao thông cần làm gì khi bị côn đồ tấn công trên đường"? - trước câu hỏi trên, luật sư Đặng Văn Cường khuyến cáo để bảo vệ bản thân mình, bảo vệ tài sản của mình hoặc tính mạng sức khỏe tài sản của người khác thì mọi người cần phải hết sức bình tĩnh xác định tình huống đã đến mức phải sử dụng vũ lực hay chưa và kiểm soát việc sử dụng vũ lực sao cho chỉ để chống trả ở mức độ cần thiết.

Trường hợp có những tình huống va chạm giao thông thì cần phải bình tĩnh giải thích và giữ một khoảng cách với đối phương để tránh trường hợp đối tượng bất ngờ tấn công, gây thương tích cho bản thân mình. Trường hợp đối tượng hung hãn, có hung khí thì không nên đối mặt, cần đóng cửa phải chốt cửa xe và gọi người cứu giúp hoặc gọi cảnh sát 113.

Tài xế xe Mazda chặn đầu, mang dao quắm chém vào kính chắn gió, lốp xe buýt, gây thiệt hại 18 triệu đồng.

Tài xế xe Mazda chặn đầu, mang dao quắm chém vào kính chắn gió, lốp xe buýt, gây thiệt hại 18 triệu đồng.

"Tránh né, bỏ chạy, cố thủ, chống trả lại một cách cần thiết đều là những hành vi nên làm trong những tình huống bị tấn công đe dọa trên đường để tránh gây tổn thương cho bản thân mình và người khác. Chỉ khi nào có khả năng và không thể bỏ chạy, không thể tránh né thì mới sử dụng vũ lực để chống trả lại một cách cần thiết đối với hành vi của người khác đang tấn công bản thân mình hoặc tấn công người xung quanh" - luật sư Cường khuyến cáo.

Luật sư Cường cho rằng, để giảm thiểu những vụ việc va chạm giao thông dẫn đến án mạng xảy ra, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội thì cần phải nâng cao nhận thức ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, tăng cường giáo dục đạo đức văn hóa cho mọi người, đặc biệt là đối với những người trẻ tuổi. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là hành vi có tính chất côn đồ, đánh người khi tham gia giao thông.

Điều 22. Phòng vệ chính đáng

1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.

Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.

2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.

Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này.

Nguồn: [Link nguồn]

Hành khách tố bị nhà xe chạy tuyến Quảng Ninh – Hà Nội “chặt chém”, bỏ rơi giữa đường, thậm chí còn hành hung khách.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Hà ([Tên nguồn])
Nhịp sống 24h Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN