Thất nghiệp “ảo” để hưởng trợ cấp

Người lao động tự chấm dứt hợp đồng, “nhảy” việc sang nơi khác những vẫn được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Thực trạng trên được nêu ra tại phiên họp giám sát về tình hình quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội năm 2012, do Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức 13/3.

Tại đây, nhiều ý kiến cho rằng quy định hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) một lần, được cho là kẽ hở để người lao động lợi dụng.

Báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, mức chi trợ cấp thất nghiệp năm 2012 ước chi hơn 2.600 tỷ đồng, tăng 133% so với năm 2011 (hơn 1.100 tỷ đồng). Tuy nhiên, nhiều người lao động mới chỉ chú trọng đến khoản trợ cấp thất nghiệp mà chưa quan tâm đến nội dung hỗ trợ học nghề. Điều này thể hiện rõ qua con số năm 2012, số người được chi hỗ trợ học nghề chỉ chiểm chưa đến 0,5% tổng số người được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Thất nghiệp “ảo” để hưởng trợ cấp - 1

Người lao động tới kê khai nhận bảo hiểm thất nghiệp ngày càng tăng (Ảnh Pháp luật TP HCM)

Theo ông Nguyễn Hùng Cường, Phó Trưởng Ban Chính sách (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) từ năm 2010 tới nay, bình quân có khoảng 0,6 triệu người hưởng trợ cấp thất nghiệp. “Số lượng người nhận trợ cấp tăng lên nhanh chóng, năm 2012 số liệu này cao hơn 26% so với năm 2011 và cao hơn 47% so với năm 2010”, ông Cường cho biết.

Ông Cường cũng thừa nhận hệ thống quản lý về khai báo tình trạng việc làm còn hạn chế chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất nghiệp “ảo”, người lao động có thể đang làm việc nhưng vẫn hưởng trợ cấp thất nghiệp.

“Có những trường hợp, sau khi đã hưởng trợ cấp thất nghiệp 1 lần xong lại đi làm chỗ khác với sổ bảo hiểm mới để sau 1-2 năm lại tiếp tục hưởng BHTN ”, ông Cường cho biết.

“Hiện nay, chúng ta đang thiếu hệ thống liên kết quản lý bằng phần mềm, giữa các tỉnh với nhau không thể trao đổi thông tin. Chính vì thế muốn kiểm tra người lao động đã đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp ở địa phương này nhưng lại di chuyển sang địa phương khác tìm việc mới, thì cán bộ bảo hiểm không còn cách nào khác bằng phương pháp thủ công tới tận nơi xác minh”, ông Cường nói.

Theo ông Nguyễn Đình Khương, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hiện cơ quan này đã trình kiến nghị Chính phủ nghiên cứu bỏ quy định về hưởng BHTN một lần trong một số trường hợp để phù hợp với bản chất BHTN.

Ông Khương nêu thực tế đã xuất hiện người lao động chấm dứt quan hệ lao động ở đơn vị này để chuyển sang đơn vị khác làm việc hoặc trước thời gian ngắn đủ điều kiện nghỉ hưu nhưng vẫn được giải quyết chế độ BHTN. Ngoài ra, tình trạng lạm dụng quỹ BHTN đã xảy ra ở một số DN, đặc biệt ở các tỉnh, thành phố lớn và các khu công nghiệp nhiều lao động. “Có người lao động đóng BHTN từ 12 tháng trở lên đã cùng chủ sử dụng lao động thỏa thuận chấm dứt hợp đồng để hưởng trợ cấp thất nghiệp sau đó lại đi làm ở DN khác, thậm chí là về lại ngay chính DN đó”, ông Khương cho biết.

Để tránh tình trạng lạm dụng quỹ BHTN như hiện nay, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đề nghị chia ra 2 mức hưởng khác nhau: một mức như quy định hiện hành áp dụng đối với trường hợp mất việc làm có nguyên nhân từ phía người sử dụng lao động; một mức bằng một nửa mức hiện hành áp dụng đối với trường hợp mất việc làm có nguyên nhân từ phía người lao động.

Nhìn từ mặt trái của chính sách trợ cấp thất nghiệp, bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ LĐ-TB-XH) nhận định “ Chính sách này không những không kích thích được người lao động tìm việc mà còn khiến mỗi năm hơn nửa triệu người lao động rút ra khỏi thị trường lao động.”

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tuyết Mai ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN