Lưu bài Bỏ lưu bài

 

Cái nghèo đã bủa vây những phận đời ngụ cư ở xóm trọ nhiều năm, người chuyển đi thì ít, người chuyển đến thì nhiều. Theo lời bà Tuyết, “chỉ khi sang thế giới bên kia thì mới thoát cái nghèo”.

 

Một ngày cận Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, tôi tìm đến xóm trọ nghèo dưới chân cầu Long Biên thuộc phường Phúc Xá, quận Ba Đình, TP Hà Nội - nơi những phận đời nhiều gian truân cư ngụ. Lối vào xóm trọ phải đi qua khu vực buôn bán hải sản của chợ Long Biên với nhiều đường vòng quanh, những con ngách chỉ vừa một chiếc xe máy di chuyển. Qua thăm hỏi, tôi được biết người được UBND phường Phúc Xá và tổ dân phố giao việc chăm nom các thành viên trong xóm trọ nghèo là bà Trần Thị Tuyết (72 tuổi, quê tỉnh Thái Bình) đồng thời cũng là người có “thâm niên” hơn 20 năm cư ngụ và mưu sinh ở xóm trọ.

Bà Tuyết cho hay bản thân đã về ở xóm trọ từ năm 1995, tính tới nay đã được gần 28 năm. Trong 28 năm này, có 5 năm gần đây là bà “lên bờ”, còn trước đó toàn lênh đênh ở bãi bồi ven đê sông Hồng để mò cua, bắt ốc. Căn nhà bà Tuyết đang ở suốt 5 năm vừa qua là một phòng nhỏ chỉ khoảng 12 – 13m2 với tiền thuê khoảng 700 – 900 nghìn đồng/tháng, được dựng chủ yếu bằng các tấm ván gỗ, lợp mái tôn.

Bà Tuyết chỉ đường vào xóm nghèo qua ngách nhỏ sau khi băng qua con đường đầy rác. Bà là người chăm nom các cụ già ở xóm trọ chân cầu.

Bà Tuyết chỉ đường vào xóm nghèo qua ngách nhỏ sau khi băng qua con đường đầy rác. Bà là người chăm nom các cụ già ở xóm trọ chân cầu.

“Gọi là phòng chứ thực ra mùa đông thì lạnh, mùa hè thì nóng, nhưng ít nhất cũng có nơi để về ngả lưng nằm nghỉ ngơi. Thường ngày, tôi sẽ đi nhặt ve chai, phế liệu để duy trì cuộc sống. Thu nhập một tháng được khoảng gần 2 triệu, chỉ đủ chi tiêu ăn uống và tiền phòng.

Dù đã ngoài thất tuần nhưng tôi tự thấy bản thân vẫn còn khỏe mạnh nên chủ động nhận việc chăm nom các cụ cao tuổi trong xóm. Ngày nào tôi cũng đi thăm hỏi sức khỏe, chăm lo vệ sinh cá nhân, ăn uống của các cụ rồi mới đi làm”, bà Tuyết chia sẻ.

Nói về chuyện đời của mình, bà Tuyết cho hay gặp và bén duyên cùng người chồng cũ khi đi làm tại xí nghiệp. Hai người có với nhau 3 người con nhưng người con đầu mất sớm, vợ chồng bà chỉ còn 2 con gái. Sau này, do gặp nhiều biến cố, bà Tuyết ly hôn với chồng và phải bán nhà chạy chữa bệnh nan y cho con, cháu. Sống cảnh không nhà cửa, bà Tuyết tìm đến xóm trọ nghèo tá túc.

 

Qua cuộc trò chuyện với bà Tuyết, tôi được biết xóm trọ nghèo có khoảng gần 100 hộ dân đang sinh sống, trong đó có nhiều hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, có gần 10 hộ gia đình có các cụ già là người neo đơn, không ai nương tựa, thậm chí có người còn là lao động chính để nuôi con bị bệnh về thần kinh như trường hợp của bà Bình (70 tuổi). Con trai bà Bình năm nay đã gần 40, thế nhưng do căn bệnh tâm thần từ bé, người này vẫn chỉ nằm nhà và đợi mẹ nhặt ve chai, mang bữa cơm về.

Cái nghèo đã bủa vây những phận đời ngụ cư ở xóm trọ này nhiều năm, người chuyển đi thì ít, người chuyển đến thì nhiều hay theo lời bà Tuyết, “chỉ khi sang thế giới bên kia thì mới thoát cái nghèo”. Theo chân bà Tuyết, tôi đi qua con đường đất được bao vây bởi các mảnh túi nilon, giấy vụn, rác thải… để tìm đến những trường hợp đặc biệt của xóm trọ này.

Bà Bình phải nhặt ve chai mỗi ngày để nuôi con trai đã gần 40 tuổi bị bệnh tâm thần.

Bà Bình phải nhặt ve chai mỗi ngày để nuôi con trai đã gần 40 tuổi bị bệnh tâm thần.

“Thành viên xóm trọ là người tứ xứ về mưu sinh ở Hà Nội. Chủ yếu công việc là lao động chân tay như bốc vác, kéo xe hàng cho các nhà buôn ở chợ Long Biên, nhặt ve chai hay đi bán nước giải khát dạo. Hoàn cảnh nhà ở thì hầu như giống nhau, đều là căn phòng nhỏ được dựng bằng mái tôn, ván gỗ, hiếm hoi lắm mới có nhà được xây bằng gạch lợp tôn. Dĩ nhiên, những căn phòng xây bằng gạch thì có giá thuê cao hơn, vào khoảng 1,5 – 2 triệu đồng/tháng”, bà Tuyết vừa đi vừa kể về hoàn cảnh xóm trọ.

Bà Tuyết cho hay đa số những người trẻ chuyển đến khu xóm trọ ở đều là những người xa quê có hoàn cảnh khó khăn, một số ít thì lớn lên tại xóm trọ. Điểm chung của họ là không được học tập khi còn bé, chẳng có bằng cấp nên cũng không thể đến làm thuê tại các nhà máy, xí nghiệp.

“Nhiều người đến bằng cấp 2, cấp 3 cũng không có nên chẳng thể làm việc gì khác ngoài bốc vác ở chợ Long Biên. Nhà cửa cũng chẳng có gì đáng giá, thứ giá trị nhất đối với các gia đình ở đây chắc là cái xe máy cà tàng khoảng 2 – 3 triệu đồng để đi lại. Tiền điện còn cực khổ xoay sở cho nên ở xóm này không ai dùng ti vi hay tủ lạnh cả. Nhặt nhạnh được mấy đồng thì ngày nào cũng chi vào tiền rau, tiền gạo. Ăn thịt là xa xỉ lắm”, bà Tuyết nói.

Tết xa vời của những phận đời nơi xóm trọ nghèo dưới chân cầu Long Biên - 9
Tết xa vời của những phận đời nơi xóm trọ nghèo dưới chân cầu Long Biên - 10
Những căn nhà lụp xụp, chắp vá là nơi tá túc của gần 100 hộ gia đình ở xóm trọ chân cầu Long Biên.

Những căn nhà lụp xụp, chắp vá là nơi tá túc của gần 100 hộ gia đình ở xóm trọ chân cầu Long Biên.

Ít phút sau, tôi được bà Tuyết dẫn tới một căn phòng lụp xụp, cánh cửa chắp vá bằng ván gỗ và mảnh tôn hoen rỉ. Đây là nơi trú ngụ của bà Lưu Thị Bình Ca (85 tuổi, quê tỉnh Bắc Ninh). Bà Tuyết cho hay, bà Ca là một trong hai trường hợp đặc biệt của xóm trọ khi một mình mưu sinh hàng chục năm nay bằng nghề bán nước giải khát dạo. Khi được biết có phóng viên tới thăm, bà Ca rất vui mừng vì đã rất lâu rồi, căn phòng trọ của bà mới được đón khách mà không phải là dịp lễ.

Dù đã 85 tuổi, gần bước sang tuổi 86, bà Ca vẫn rất khỏe mạnh và minh mẫn. Hằng ngày, bà Ca bắt đầu làm việc khi mặt trời lặn, cũng là lúc chợ Long Biên bắt đầu hoạt động náo nhiệt. Để mưu sinh, bà Ca mua một chiếc xe đẩy, đựng nước giải khát đóng chai vào giỏ rồi đẩy xung quanh các bến xe buýt gần chợ Long Biên bán hàng. Bất chấp mưa dông, gió lạnh, trên người bà Ca chỉ có tấm áo khoác mỏng đã sờn chỉ được mạnh thường quân tặng đã nhiều năm. Để tránh rét, bà Ca phải mặc 3, 4 lớp áo bên trong mới chịu được cái lạnh buốt da, buốt thịt của mùa đông Hà Nội.

Bà Lưu Thị Bình Ca buồn bã kể về cuộc đời mất con, mất chồng từ thời kháng chiến.

Bà Lưu Thị Bình Ca buồn bã kể về cuộc đời mất con, mất chồng từ thời kháng chiến.

“Tôi về ở xóm trọ được khoảng 4 năm nay, còn trước đó thuê trọ ở chỗ khác cũng gần đây. Tôi cũng giống bà Tuyết, thời trẻ xung phong đi theo cách mạng, rời xa quê và lên tỉnh Thái Nguyên công tác. Tại Thái Nguyên, tôi gặp và kết hôn với chồng là kỹ sư bưu chính người miền Nam, tập kết ra miền Bắc. Kết hôn được 2 năm thì ông nhà tôi được tổ chức điều về miền Nam, chỉ có tôi và con trai ở lại Thái Nguyên.

Trong một đợt ném bom của không quân Mỹ những năm 70, con trai tôi không may qua đời, tôi cũng bị thương tật, không thể tiếp tục công tác. Ít năm sau, chồng tôi mất trong miền Nam, để lại tôi một thân một mình vật lộn với cuộc sống. Buồn lắm chứ, nhưng ít ra mình còn tay chân lành lặn, cũng không muốn về quê làm gánh nặng cho các cháu nên tôi quyết định về Hà Nội mưu sinh và bám trụ mấy chục năm ở đây”, bà Ca kể về cuộc đời mình.

Hàng xóm ngay cạnh nhà bà Ca cũng là một trường hợp đặc biệt không kém, đã 101 tuổi, bà Thắm vẫn hằng ngày đi bán hàng rong để mưu sinh. Cùng cảnh không con, không cháu, bà Ca và bà Thắm trở thành đôi bạn tri kỷ trong xóm trọ nghèo. Khác với bà Ca ở một mình, bà Thắm có thêm 4 người bạn nhỏ là 4 chú chó với đủ giống loài khác nhau mà theo lời bà Thắm là bản thân “có lộc nuôi động vật”.

“Cũng may là được sự quan tâm của chính quyền và các mạnh thường quân, dù thiếu thốn nhưng chúng tôi vẫn gắng gượng được qua ngày. Thế nhưng, với những phận nghèo ở xóm trọ này, Tết là điều xa vời lắm. Nếu không có chính quyền và mạnh thường quân tổ chức thì chúng tôi không dám hy vọng đến cành đào hay cây quất ngày xuân. Có chăng thì lúc hết Tết, người ta đem bỏ đào, bỏ quất ở bãi rác thải thì tôi nhặt về”, bà Thắm nói.

Tết xa vời của những phận đời nơi xóm trọ nghèo dưới chân cầu Long Biên - 13
Bà Thắm cùng “người bạn nhỏ” trong căn phòng trọ ở xóm nghèo.

Bà Thắm cùng “người bạn nhỏ” trong căn phòng trọ ở xóm nghèo.

 

Tết Nguyên đán đã cận kề, thế nhưng với những phận đời nơi xóm trọ này vẫn cứ lặng lẽ trôi qua mỗi ngày, tách biệt hẳn với sự náo nhiệt, ồn ảo của Thủ đô Hà Nội. Chưa bao giờ những người ngụ cư nơi đây có một cái Tết trọn vẹn, no đủ vì nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền bủa vây cuộc sống. Ngoài những trường hợp như bà Tuyết, bà Ca, xóm trọ chân cầu còn là nơi lớn lên của hàng chục đứa trẻ được coi là tương lai, là niềm hy vọng thoát nghèo của các hộ gia đình.

Những đứa trẻ ở xóm trọ chân cầu hầu như đều có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt phải kể đến 2 bé trai 11 tuổi và 6 tuổi được bà Thảo (50 tuổi) nuôi từ bé. Bố mẹ hai đứa trẻ sau khi sinh con thì bỏ đi biệt tăm đã vài năm, không một lời hồi âm. Cả hai đứa bé được lớn lên dưới sự chăm nom của người bà đã mắc bệnh ung thư, gần đất xa trời.

Tương tự như trường hợp của bà Thảo, ông Long (70 tuổi) cũng một thân một mình nuôi hai cháu nội đã nhiều năm nay. Con gái lấy chồng xa, con trai và con dâu bỏ đi biệt tích, vợ mới mất, ông Long đành tự lực cánh sinh bằng cách đi nhặt ve chai để nuôi hai cháu nhỏ. Bữa cơm hằng ngày của 2 gia đình ông Long và bà Thảo chỉ có cơm trắng, rau dại, hiếm hoi lắm mới được một bữa cơm có thịt. Có lẽ vì hoàn cảnh vốn khó khăn, đứa trẻ nào ở xóm trọ nghèo cũng gầy guộc, nhem nhuốc. Quần áo mặc trên người chúng chỉ toàn đồ cũ, chẳng được một manh áo mới dù Tết đã cận kề.

Xóm trọ chân cầu là nơi lớn lên của nhiều đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn.

Xóm trọ chân cầu là nơi lớn lên của nhiều đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn.

Theo bà Tuyết, dù có nghèo đói, bà luôn vận động các gia đình phải cho con, cháu đi học đầy đủ để các em có con chữ làm hành trang thay đổi cuộc đời.

“Những người già cả như chúng tôi rồi cũng đến lúc về với đất, nhưng lũ trẻ là niềm hy vọng của xóm nghèo này. Chỉ mong các cháu lớn lên khỏe mạnh, được học tập đầy đủ và tránh xa các thói hư, tật xấu trên đời. Chẳng ai mong muốn có cuộc sống vất vả như chúng tôi và cũng chẳng ai mong muốn về già không nơi nương tựa, âu cũng là cái phận đời”, bà Tuyết cảm thán khi tạm biệt tôi.

Cách đầu ngách nơi bà Tuyết sống vài chục mét là những ngôi nhà cao tầng được xây dựng khang trang, trái ngược với những căn nhà lụp xụp, những phận đời khốn khó bị hạnh phúc bỏ quên ở xóm chân cầu.

Tết sắp đến, nhưng một bữa cơm đủ rau, đủ thịt đã là khó chứ đừng nói đến một cái Tết trọn vẹn với những người ở xóm trọ chân cầu Long Biên.

Tết xa vời của những phận đời nơi xóm trọ nghèo dưới chân cầu Long Biên - 18

Nội dung: Thái Sơn

Media: Nguyễn Lý

Thứ Sáu, ngày 20/01/2023 19:00 PM (GMT+7)

Nguồn: [Link nguồn]

Theo Thái Sơn - Nguyễn Lý ([Tên nguồn])