Tàu sân bay Mỹ thăm Ðà Nẵng: Dấu mốc 53 năm
Ðó là một trong nhiều câu chuyện ngoài lề trong chuyến thăm hữu nghị Ðà Nẵng của tàu sân bay USS Carl Vinson vào ngày 5/3 vừa qua. Hành trình cùng tàu sân bay là cặp đôi tàu khu trục USS Wayne E. Meyer và tuần dương USS Lake Champlain từng tổ chức hải táng các quân nhân Mỹ về hưu và qua đời giữa đại dương, sau 21 loạt đại bác.
Lính Mỹ đi dạo trên “bãi biển thép”, tức boong tàu sân bay. Ảnh tư liệu.
Chào Ðà Nẵng!
Đúng 8 giờ 07 phút ngày 9/3/2018, tuần dương hạm dẫn đường Ticonderoga USS Lake Champlain dựng 2 quốc kỳ phía sau đuôi và bắt đầu hụ còi báo hiệu lễ chào cờ trước khi cùng tàu sân bay tạm biệt thành phố Đà Nẵng, kết thúc 5 ngày thăm hữu nghị. Sau hiệu lệnh, tất cả các quân nhân trên tàu, trong đó có cả những người đứng trên nóc máy bay, ra-đa, buồng lái và cả những sĩ quan đang đứng trên cầu cảng cũng đều dậm gót đứng nghiêm, quay về phía quốc kỳ và đưa tay lên chào. Quốc ca Mỹ được viết vào thời điểm nổ ra cuộc chiến tranh Anh - Mỹ năm 1814 và tác giả là luật sư Francis Scott Key.
Hình ảnh buổi chào cờ trái ngược với một vài ý kiến bình luận về chuyến thăm lịch sử. Trước đó, vào ngày 5/3, tàu sân bay USS Carl Vinson cập cảng Đà Nẵng. Trang thông tin về tàu đã đăng thông báo về chuyến thăm Việt Nam. Hugh Smith là người đầu tiên đã bình luận với vẻ hoài nghi, đồng thời nhắc đến con số 59 ngàn lính Mỹ tử trận tại chiến trường Việt Nam thì có nên “bình thường hóa?”. Bình luận trên lập tức nhận được nhiều phản hồi của người dân Mỹ: “À, quá khứ đã kết thúc rồi. Bây giờ, hiện tại. Khác nhau, phải không?... Hãy nhớ rằng họ đã mất hơn một triệu người. Thời gian để nhận ra tất cả những người lính đã chết của họ...”.
Lễ chào cờ tạm biệt thành phố Đà Nẵng diễn ra trên tuần dương USS Lake Champlain với số quân nhân Mỹ đông bất thường. Vì từ đêm ngày 7, rạng ngày 8/3, thời tiết trên biển đã xấu đi. Tàu sân bay USS Carl Vinson bị bủa vây bởi sóng lớn. Khu vực cửa biển thì sóng càng lớn hơn ngoài khơi. Lính Mỹ từ tàu sân bay vào bờ để dạo chơi thành phố Đà Nẵng nhận được thông báo “stop aboard” (dừng lên tàu). Cuối cùng, số quân nhân này đã phải xuống tuần dương USS Lake Champlain để rời cảng Đà Nẵng sau lễ chào cờ.
Vào giờ phút đoàn tàu rời Đà Nẵng, Đại tá Mike Jefferson đi lại gấp gáp trên cầu cảng và một người phiên dịch cho biết, vị chỉ huy này đang lo việc tuần dương USS Lake Champlain chở các quân nhân ra khơi và sẽ chuyển số lính này sang tàu sân bay USS bằng phi cơ Blue Hawks hoặc cập mạn nếu sóng biển êm hơn khu vực gần bờ. Nữ Thiếu tá Marissa Cruz là một trong những quân nhân đầu tiên đặt chân đến cầu cảng và cũng là người cuối cùng rời đi, nhưng khuôn mặt rõ ràng là không còn căng thẳng như ngày tàu cập cảng.
Tuần dương USS Lake Champlain tạm biệt Ðà Nẵng dưới bóng Hải Vân hùng vĩ. Ảnh: L.V.C.
Sự trùng hợp đặc biệt
Tọa độ tàu sân bay neo đậu tại cảng Đà Nẵng được định vị là 16 độ 08 phút, 600 N - 108 độ 11 phút, 400 E. Điều trùng hợp đầu tiên ở địa điểm neo đậu của tàu sân bay, đó là cách đây 5 tháng, đoàn Missing In Action (MIA) tìm quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh đã đến khảo sát gần vị trí tàu thả neo. Trong chuyến tìm kiếm đó, đoàn MIA đi 5 địa điểm từ Thừa Thiên-Huế vào đến Đà Nẵng và Cù Lao Chàm của tỉnh Quảng Nam nhưng không tìm được kết quả.
Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên đặc biệt thứ 2, đó là cách đây tròn 53 năm, Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng và chính thức can thiệp vào cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Ngày đổ bộ là 8/3/1965. Theo tài liệu mô tả lại thì từ ngày 7/3/1965, vùng biển Đà Nẵng có gió lớn và lính Mỹ đã phải vật lộn với sóng gió trước khi vào bờ. Sau 53 năm, tàu chiến Mỹ quay trở lại thăm hữu nghị thành phố Đà Nẵng vào một ngày êm ả. Nhưng từ lúc 22 giờ 30 phút đêm ngày 7/3/2018 thì xuất hiện gió mùa đông bắc. Sóng biển cao hơn 1 mét vào ngày 8/3. Việc cập mạn đưa quân nhân từ tàu nhỏ sang tàu sân bay rất khó khăn, thậm chí nguy hiểm.
Ông Verissimo, chỉ huy tàu sân bay USS Carl Vinson quyết định tháo rời pông tông để làm điểm cập cho tàu khách, sau đó kéo vào bờ. Khoảng 2.000 lính hải quân Mỹ từ tàu sân bay đi vào bờ, khi trở ra thì nhận được thông tin “stop aboard”. Từ lúc đó, tàu sân bay chính thức hạn chế đường về tàu của lính Mỹ và chấm dứt luôn hoạt động tham quan của khách từ đất liền lên tàu. Trong khi, vào đêm ngày 7/3, số quân nhân Mỹ vào thành phố Đà Nẵng vui chơi đông nhất, lên tới 3.969 quân nhân từ cả 3 tàu!
Do tàu chở quân nhân Mỹ không thể ra cập mạn tàu sân bay nên khoảng 2.000 lính Mỹ đã “neo” lại cầu cảng số 5 của cảng Tiên Sa. Đó là một đêm để lính Mỹ tán gẫu trong một nhà bạt cắm sẵn ngay trên nền cầu cảng. Lúc về gần sáng, nhiều lính Mỹ tản ra để chui lên xe và sang 2 tàu neo sát bờ để tìm chỗ ngủ. Còn lại khoảng 600 quân nhân Mỹ ngồi dựa lưng tại cầu cảng chờ trời sáng và giữ trong tay, đội trên đầu những chiếc mũ cối và mũ tai bèo có hình cờ đỏ sao vàng.
Trùm chăn ngủ trong nhà bạt trên cầu cảng cũng có thể là niềm vui trải nghiệm của lính Mỹ. Vì đa số lính trên tàu ở độ tuổi 8X, 9X và đã nhiều ngày “tù túng” trên tàu sân bay USS Carl Vinson trong chuyến đi kéo dài 3 tháng trên biển đi từ Mỹ vòng sang Ấn Độ Dương, qua Thái Bình Dương. Cuộc hải trình này vượt chặng đường 40 ngàn hải lý, cập cảng ở Guam, Philippines và Việt Nam. Trong suốt cuộc hành trình đó, trên tàu đã phải tổ chức các hoạt động cộng đồng như làm bánh hamburger, tổ chức cho quân nhân đi dạo “bãi biển thép”, tức là dạo chơi trên… boong tàu!
Chuyến thăm lịch sử
Quan sát bề ngoài có thể thấy, lính Mỹ tỏ ra hào hứng khi được lên đất liền và dạo chơi ở thành phố Đà Nẵng. Đêm nào cũng có hàng chục quân nhân trở về tàu và lắc đầu ra hiệu… mất thẻ để qua trạm kiểm soát biên phòng. Chiều ngày 6/3, quân nhân Dylan Reese Stuckey (SN 1994) về đến cửa kiểm soát và móc túi ra hiệu rơi mất thẻ mang số 962. Đến khuya cùng ngày, quân nhân Tyler Lorew Wakeman (SN 1993) cũng lắc đầu ra hiệu do vui quá nên rơi mất thẻ số 763. Có quân nhân ra hiệu, do quá vui trong quán bar nên mất thẻ nhưng không nhớ ra số.
Sáng ngày 9/3, tổng cộng 6.026 quân nhân Mỹ rời cảng Đà Nẵng (6 quân nhân xin bay về thăm nhà, 17 quân nhân bay sang Việt Nam và trở về tàu). Hình ảnh cuối cùng còn đọng lại là quốc kỳ của Việt Nam treo ngang hàng với quốc kỳ Mỹ trên đỉnh cột tàu và di chuyển trên nền xanh của đèo Hải Vân.
Nếu nhìn trên ống kính, tàu sân bay USS Carl Vinson dài 333 mét và giống như một cỗ máy chiến tranh “vô đối”. Nhưng quan sát từ trên đèo Hải Vân thì tàu sân bay khiêm nhường trước ngọn núi cao 1.450 mét, giống như một pháo đài sừng sững, như bức tường thành bất khả chiến bại.
Ngày 12/4/2018, tàu sân bay USS Carl Vinson về đến căn cứ ở San Diego, Mỹ. Ông Douglas Verissimo, thuyền trưởng tàu sân bay USS Carl Vinson công bố với truyền thông: “Tôi rất tự hào về những gì chúng tôi đã đạt được. Chuyến thăm lịch sử của Việt Nam và những nỗ lực của phi hành đoàn ở đó sẽ có tác động to lớn trong nhiều năm tới”. |
Dù lênh đênh khắp đại dương theo tàu sân bay USS Carl Vinson làm nhiệm vụ nhưng những nữ quân nhân hải quân Mỹ vẫn giữ...