Tai nạn GT: Lay lắt sống trong thảm cảnh

Vẫn có những người may mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần của tai nạn giao thông. Thế nhưng việc tiếp tục giành lấy sự sống là cả một hành trình rất dài, có khi còn cuốn theo nhiều cuộc đời, nhiều dự định, ước mơ khác nữa của người thân...

Bán ruộng mua hi vọng

Khoa chấn thương sọ não của Bệnh viện Chợ Rẫy lúc nào cũng đông nghẹt. Hành lang bên ngoài các phòng đều được tận dụng làm nơi kê thêm giường cho bệnh nhân. Ai nấy cơ thể đầy thương tích, khuôn mặt biến dạng, xây xát, những vết mổ ngang dọc trên đầu, băng cuốn vòng quanh. Không gian đặc quánh giữa mùi thuốc, nỗi đau thể xác, sự mệt mỏi... Bác sĩ bảo hầu hết các ca chấn thương sọ não là do tai nạn giao thông.

Ông Lê Văn Phi (55 tuổi, ngụ xã Hòa Bình, huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu) là một bệnh nhân đang điều trị tại khoa chấn thương sọ não. Ông vừa được mổ lần hai, gục gặc mãi để có thể kể cho chúng tôi câu chuyện đứt đoạn về ca tai nạn của mình. Một lúc thì vợ ông vào, bà vừa ra ngoài mua thêm đồ dùng cần thiết. Bà Trương Thị Ánh nói nhỏ với chúng tôi: “Từ sau tai nạn, đầu óc ông ấy giờ không ổn định nữa đâu con ơi, lúc nhớ lúc quên”. Nghe chúng tôi thuật lại một số thông tin ông kể, bà kêu lên nho nhỏ: “Đúng, đúng đó. Vậy là ổng bắt đầu nhớ lại được rồi...”.

Tai nạn xảy ra vào mồng 5 tết. Đi chúc mừng năm mới một vòng các gia đình thân quen, trên đường về hai vợ chồng bị một xe máy chở ba đâm phải trên quốc lộ 328, ngã tư đường Bà Tô. Cả hai ông bà bất tỉnh, người dân xung quanh chở đi cấp cứu. Vợ bị gãy xương vai, chồng chấn thương sọ não.

Tai nạn GT: Lay lắt sống trong thảm cảnh - 1

Từ một thanh niên khỏe mạnh và là trụ cột gia đình, Nguyễn Hoàng Giang nay phải nằm liệt giường

Đã gần tám tháng kể từ vụ tai nạn, chồng bà như biến thành một con người khác, tâm tính, lời ăn tiếng nói, cử chỉ đều thay đổi. Từ một người hiền lành, không bao giờ nặng lời với ai ông bỗng thành người cộc tính, hay cáu gắt, nhiều lúc không làm chủ được hành vi.

Ông xuất viện sau đợt mổ đầu tiên, vừa về nhà đã bỏ đi lang thang, không phân biệt được đường đi hay ao cá. Chưa kịp mừng vì giữ được mạng sống của ông, cả gia đình đã chuyển sang lo lắng, sợ hãi, phải chia ca thay phiên nhau nơm nớp canh giữ.

Gia đình người thanh niên gây tai nạn quá khó khăn không có khả năng bồi thường, mà chi phí cho ca phẫu thuật thứ nhất cùng với thuốc men đã lên đến cả trăm triệu đồng. Để có tiền đóng phí mổ lần hai cho chồng, bà Ánh đành bán mấy sào rẫy, tài sản duy nhất của gia đình.

 “Mổ xong rồi nhưng ông ấy lại bị nhiễm trùng, phải nằm lại để bác sĩ theo dõi tiếp, không biết sẽ còn chuyện gì nữa. Có người thân đau ốm đúng là đọa (khổ) lắm. Hai vợ chồng ở Quảng Trị vô Vũng Tàu lập nghiệp, nuôi con cái ăn học và dành dụm mãi mới có mấy sào rẫy. Nay bán hết, chẳng còn gì. Chỉ mong ổng đỡ dần, không thì biết lấy gì mà chạy chữa tiếp...” - bà Ánh nhọc nhằn nói.

Đám cưới của cô con gái út lẽ ra tổ chức hồi đầu năm nhưng đã phải dời lại để rảnh tay chăm sóc cho cha. Mấy người con trai đã có gia đình cũng phải bỏ dở nhiều công việc để cùng mẹ thay phiên vào bệnh viện.

Vẻ mặt mệt mỏi, phờ phạc, bà Ánh tự an ủi: “Gia đình tôi dẫu sao còn có con cái phụ chăm sóc, hồi trước làm công nhân cao su nên ổng có bảo hiểm y tế, coi như cũng đỡ hơn người ta. Vậy mà cả nhà vẫn bị đảo lộn, bao nhiêu tiền cũng chẳng thấm vô đâu với phí bệnh viện, vẫn phải vay mượn khắp nơi. Nghĩ tới nhiều người bị nạn mà không có bảo hiểm, lại ít người thân thì còn khốn khổ đến đâu nữa...”.

Tính toán một hồi, bà lại thẫn thờ kể: “Ra vào bệnh viện này mấy tháng, tôi thấy có nhiều bệnh nhân chấn thương sọ não đã được bác sĩ mổ rồi, đã nằm điều trị bao nhiêu ngày rồi, có khi đã tỉnh rồi thế mà lại vẫn tử vong... Nghĩ đến chồng mình sao mà sợ quá”.

Cả nhà sống kiếp tha hương

Tai nạn xui rủi xảy ra trong một chiều mưa khi đang ngồi sau xe người bạn khiến anh Nguyễn Hoàng Giang (Cầu Xây 2, P.Tân Phú, Q.9, TP.HCM) nằm liệt giường hơn một năm trời. Đang là một người đàn ông khỏe mạnh, mang sức lao động của mình để lo cho vợ, nuôi con nhỏ, mẹ già với nghề thợ xây, hôm nay anh nằm trên giường, hai chân teo vì không vận động, mặt trắng xanh như lá cây vì không được ra ngoài trời. Thấy người quen đến thăm, anh quay mặt vào tường, im lặng trong những câu chuyện dài của vợ, của mẹ.

Mấy năm về trước chàng thanh niên Nguyễn Hoàng Giang rời miệt Thoại Sơn (tỉnh An Giang) lên Sài Gòn mưu sinh bằng nghề thợ hồ. Anh tin tưởng sức vóc của mình có thể giúp cha mẹ được khoản tiền xây sửa căn nhà. Rồi anh gặp người bạn gái cùng quê, đám cưới tổ chức nhanh chóng, hạnh phúc đơm hoa khi một bé gái ra đời. Giang cũng tìm được việc làm mới, ổn định hơn công việc phụ hồ rày đây mai đó. Hai vợ chồng thuê căn phòng trọ trong hẻm sâu hút, đồng lòng lên kế hoạch dành dụm tiền cho một căn hộ riêng. Ngỡ cuộc đời thế là đã đẹp, nào ngờ chỉ hơn một tháng tai nạn đã ập đến, Giang còn chưa kịp có suất bảo hiểm y tế.

Hơn hai tháng mê man ở phòng hồi sức Giang mới tỉnh lại nhưng không còn ngồi được nữa. Anh bị chấn thương nặng ở cột sống, nội tạng cũng bị ảnh hưởng. Chị Vy ngậm ngùi đưa chồng về phòng trọ, bắt đầu cuộc đời mới gắn liền với cái giường. Khoản tiền dành dụm bay vèo theo tiền thuốc, lại có những “cục nợ” mới phát sinh, lãi mẹ đẻ lãi con.

Những khoản tiền trọ, tiền ăn, tiền gửi con buộc phải gói gọn trong đồng lương công nhân eo hẹp của chị mỗi tháng chỉ tròm trèm 3 triệu đồng. Ba mẹ Giang phải lặn lội từ dưới quê lên thành phố, mang chút sức già còn lại đi làm phụ hồ thay con để trang trải tiền vay mượn chạy chữa.

Cả đời nghèo khó, cày thuê cắt mướn, khi con trai bị nạn, bà Hai xoay lui xoay tới rồi kêu bán cái nền nhà được có hơn 20 triệu đồng. Cả dì út của Giang cũng bán luôn cái nền nhà là của hồi môn của mình. Rồi cả nhà sống kiếp tha hương. Bà ngoại của Giang đã trên 80 tuổi thấy cảnh con cháu vậy cũng lụm cụm ra đồng mót lúa, thỉnh thoảng gửi lên cho cháu bịch gạo.

Bà Hai ngậm ngùi: “Giờ cả nhà phải đi ở trọ, về quê cũng chẳng còn biết ở đâu. Đi làm hồ không biết được mấy ngày nữa vì đâu còn sức. Nhiều khi tui nghĩ thà nó cứ ở quê đi mần mướn thì chẳng đến nông nỗi này, vẫn còn được làm một thằng đàn ông trong nhà...”.

Cả nhà có một cuốn sổ ghi các khoản thu, khoản chi, khoản nợ, trong ấy chi chít tiền thuốc, tiền nhà, tiền lãi vay. Sự chênh lệch thu chi nói thay những khoảng lặng và nước mắt trong câu chuyện của chúng tôi.

Vậy nhưng gương mặt tiều tụy của chị Vy vẫn còn vài tia hi vọng lấp lánh: “Vì chưa có tiền tập vật lý trị liệu nên ảnh lâu hồi phục. Đợi dành dụm được tiền em sẽ đưa anh ấy đi tập nhiều hơn. Mấy bữa nay anh cố gắng gượng cũng ngồi dậy được rồi...”. Hơn năm trời lo con nhỏ, lo chồng nằm một chỗ, ăn uống lại kham khổ nên sức lực chị cũng suy kiệt, đã mấy lần ngất xỉu khi tan ca, bà chủ nhà trọ thương lại cho nợ thêm mấy tháng tiền nhà.

Gia đình ấy vẫn đang lay lắt giữa bất lực và hi vọng như vậy, và ấy chỉ là một trong hàng ngàn gia đình đang sống trong thảm cảnh sau một tai nạn giao thông chớp nhoáng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Vũ - Bảo Ân (Tuổi Trẻ)
Tai nạn giao thông - Nỗi đau để lại Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN