Tái hiện loài linh trưởng cổ đại nhất Trái đất
Các nhà khoa học đã tiết lộ cuộc sống của loài động vật linh trưởng cổ đại nhất thế giới, sống cách đây 66 triệu năm.
Một nhóm các nhà khoa học người Mỹ, đến từ trường đại học Yale, bảo tàng lịch sử tự nhiên Florida và trường đại học California, đã khám phá cuộc sống của loài linh trưởng cổ đại nhất trên thế giới, có tên là Purgatorius, sau khi phân tích hóa thạch xương mắt cá chân, đầu và răng của loài động vật này.
Kết quả phân tích hóa thạch, các nhà khoa học phát hiện thấy rằng xương khớp mắt cá chân của loài Purgatorius rất linh hoạt. Điều này giúp chúng thích nghi với cuộc sống dành phần lớn thời gian ăn hoa quả và leo cây.
“Hóa thạch xương mắt cá chân cho thấy rằng loài Purgatorius có gót chân linh hoạt giống như các loài động vật linh trưởng sống trên cây ngày nay. Khả năng này giúp chúng có thể xoay bàn chân theo các hướng khác nhau khi di chuyển trên cây”, tiến sĩ Stephen Chester, nhà cổ sinh vật học thuộc trường đại học Yale và thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết trên Daily Mail.
Loài Purgatorius có thân hình tương đối nhỏ, lông màu nâu và đuôi có lông rậm. Các nhà khoa học cho rằng chúng sống trong kỷ Paleocene cách đây 66 triệu năm - ngay sau khi khủng long không có cánh tuyệt chủng.
Tiến sĩ Jonathan Bloch, thuộc bảo tàng lịch sử tự nhiên Florida, cho rằng những hóa thạch mới ủng hộ giả thuyết cho rằng 10 triệu năm tiến hóa đầu tiên của động vật linh trưởng xảy ra trong thời kỳ thực vật đang phát triển đa dạng hóa.
Các nhà khoa học nhận thấy nó giống một loài linh trưởng tiền sử khác có tên là Dryomomys. Chúng đều có rất nhiều răng, bao gồm răng hàm tương đối thấp. Đặc điểm này giúp chúng thích nghi với cuộc sống chủ yếu ăn trái cây.