Tác giả quy định cấm cửa kính quan tài lên tiếng

Trước ý kiến trái chiều xung quanh quy định hình thức tổ chức Lễ tang cho các cán bộ công chức, viên chức theo Nghị định 105/2012/NĐ-CP ban hành, ông Hồ Trí Hùng - Phó Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ, Bộ VHTT-DL đã lên tiếng.

Kính sẽ rơi xuống người đã mất

Nghị định 105/2012/ NĐ-CP về tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức vừa được ban hành trong đó có những quy định như: không để ô kính trên nắp quan tài, không rắc vàng mã… không quá 7 vòng hoa vì trái với truyền thống người Việt. Xin ông cho biết, dựa vào đâu để đưa ra được những quy định đó?

Ông Hồ Trí Hùng: Tôi xin nói về nguồn gốc, ra đời của Nghị định này:

- Thứ nhất về đám tang công chức không quá 7 vòng hoa.

Nghị định 105, thực chất được nâng cấp, làm mới từ Nghị định 62/2001 về quy chế tổ chức tang lễ công chức, viên chức nhà nước khi từ trần.

Dựa vào Luật cán bộ công chức và luật viên chức (CBCC-VC). Trên cơ sở đó chính phủ mới chỉ đạo xây dựng NĐ105 thay thế nghị định NĐ62. Bởi NĐ62 trước đó chỉ là nghị định ban hành quy chế, giờ phải nâng cấp lên thành nghị định thể chế hóa đầy đủ, thay thế nghị định cũ.

NĐ105 ra đời đã điều chỉnh quy định sao cho phù với truyền thống, văn minh, trang trọng, phù hợp với phong tục tập quán, tiết kiệm chống lãng phí. Giảm bớt những thủ tục mê tín dị đoan...

Trong đó, điều chỉnh 4 hình thức lễ tang: Quốc tang, Lễ tang cấp Nhà nước, Lễ tang cấp cao, Lễ tang cán bộ, công chức, viên chức. Từng cơ quan, địa phương sẽ thực hiện việc tổ chức lễ tang sao cho phù hợp, tiết kiệm.

Theo đó, NĐ105 quy định, số vòng hoa trong lễ tang là 7 vòng hoa, trong đó ban tổ chứcc lễ tang chuẩn bị 2 vòng hoa của cơ quan chủ quản và tang chủ. BTC lễ tang chuẩn bị 5 vòng hoa luân chuyển, các đoàn đến viếng không mang vòng hoa, chỉ mang băng vải đen, với dòng chữ "Kính viếng".

Về cơ bản NĐ105 điều chỉnh CBCC-VC chứ không điều chỉnh những đối tượng ngoài xã hội và nhân dân. Vì vậy, mục tiêu ở đây là tuyên truyền, thực hiện để giảm bớt những tiêu cực hoặc phong tục tập quán không phù hợp.

- Về lắp kính: Đây là một thực tế. Nếu nói về thuần phong mỹ tục, lắp kính chỉ có cách đây khoảng 10 năm, không phải là truyền thống. Thực tế, sinh ra cái kính chỉ là hình thức, tượng trưng. Về tâm lý, không ai muốn để nhìn thân hình người đã mất.

Nếu để lắp kính sẽ ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường, sức khỏe do khí lạnh. Nếu ở thành phố, bệnh viện còn có nhà lạnh, nhưng tại nhà riêng thì bảo quản là rất khó.

Không đảm bảo an toàn với người đã mất: Cái khuôn kính có kích thước to, nhỏ, rộng, hẹp trong quá trình di chuyển do chấn động người đi lại, tác động bên ngoài thì kính sẽ rơi xuống người đã mất.

Tác giả quy định cấm cửa kính quan tài lên tiếng - 1

Thứ trưởng Bộ VH - TT - DL Hồ Anh Tuấn nhìn mặt NSND Y Moan lần cuối qua cửa kính quan tài

Khi đưa ra những quy định này, ông có lường trước sẽ vấp phải sự phản ứng từ dư luận?

Ông Hồ Trí Hùng: Trước khi xây dựng nghị định, chúng tôi đã xây dựng một đề án trình Bộ chính trị. Đã có quá trình lấy ý kiến, tranh luận, đặt ra những câu hỏi từ thực tế, phong tục truyền thống, cái gì có lợi thì nhân lên, phát triển cái gì không phù hợp thì loại bỏ.

Ban đầu, nghị định không cấm nhưng phải nhắc nhở, hạn chế tiến tới bỏ.

Vụ đã xem xét những phản ứng của dư luận thế nào? Là cơ quan soạn thảo nội dung Nghị định, ông đánh giá thế nào về tính khả thi của quy định này?

Ông Hồ Trí Hùng: Trách nhiệm của cơ quan chức năng, báo chí là phải giải thích cho người dân hiểu, Nghị định này là kế thừa và đã đi vào cuộc sống hơn 10 năm nhưng do thực hiện chưa đầy đủ. Trong khi đó, CBCC-VC là hạt nhân để tuyên truyền.

NĐ105 có thay đổi nhưng vẫn dựa trên cơ sở tuyên truyền và vận động và tiến tới bỏ dần.

Không phạt

Quy định này rất tập trung vào chuyện chống lãng phí trong tổ chức tang lễ: không rắc vàng mã, đến viếng không đem theo vòng hoa… Trên thực tế, vòng hoa chỉ khoảng 200- 300 ngàn, còn vàng mã có thể chỉ vài chục ngàn đồng.

Dư luận băn khoăn, cái sự chống này có phải nửa vời không khi mà cái gây tham nhũng chủ yếu trong tang ma là phong bì thì lại không bị cấm. Ông giải thích thế nào về điều này?

Ông Hồ Trí Hùng: Nếu nói như vậy lại hiểu sang hai phạm quy khác nhau. Mục đích của NĐ này là vận động, tuyên truyền, hạn chế tiến tới loại bỏ những thủ tục mê tín dị đoan, lãng phí. Nếu nói nạn phong bì, đây là vấn đề nhức nhối. Nhưng nếu đưa vào cũng không cấm được.

Vì phong bì là hình thức tập thể, cá nhân trên cơ sở tình cảm, hỗ trợ cho gia đình tang chủ về mặt vật chất. Phong bì chỉ là hình thức bên ngoài để chứa đựng cái tình cảm bên trong.

Đối với những người lợi dụng ma, chay để hối lộ, tham nhũng chúng ta biết nhưng không thể làm được.

Về rải vàng mã: Quan niệm của người dân rải vàng mã, là vấn đề tâm linh, chúng ta không cấm nhưng hạn chế để chống lãng phí. Nguy hiểm hơn là rải tiền thật dọc đường, rất dễ gây tai nạn.

Nếu theo ông nói, nghị định không cấm chỉ hạn chế. Vậy dựa vào quy định nào để xác định là tiết kiệm, là lãng phí, thưa ông?

Ông Hồ Trí Hùng: Sản xuất vàng mã là một mặt hàng đặc biệt vẫn chịu thu thuế của nhà nước. Có nghĩa là vẫn được phép bán vậy thì không thể cấm, càng không thể đưa ra định lượng bao nhiêu là đủ. Từ "không" ở đây chỉ mang mục đích để hạn chế và loại bỏ dần dần.

Trong NĐ105 cũng quy định "Các cá nhân, tổ chức vi phạm các quy định về tổ chức Lễ tang tùy theo mức độ vi phạm bị phê bình hoặc xử phạt hành chính". Theo ông, nghị định không cấm, mục đích chỉ là tuyên truyền, hạn chế thì sao có thể đưa ra hình thức xử phạt. Dựa trên cơ sở nào để xử phạt việc này thưa ông?

Ông Hồ Trí Hùng: Như tôi đã nói, đối tượng hướng đến là cán bộ công chức viên chức rõ ràng phải dựa vào vai trò của họ. Tôi cũng nhắc lại, nghị định không cấm, chỉ là hạn chế, tuyên truyền.

Trong nghị định đã nếu rõ, "Phê bình và xử phạt hành chính". Phê bình mục đích là tuyên truyền, vận động từ địa phương, cơ quan có nhiệm vụ nhắc nhở, nếu cố tình vi phạm sẽ nhắc nhở, phê bình tại cơ quan, địa phương.

Về xử phạt hành chính: Chỉ trong hoàn cảnh liên quan đến an toàn giao thông, đánh bạc, gây rối, ồn ào ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Ví dụ rải tiền thật khiến người dân lao vào nhặt gây mất trật tự an ninh, ùn tắc giao thông lúc đó CSGT, ANTT sẽ xử lý trên phương diện ATGT và vi phạm trật tự công cộng.

Trong trường hợp nhắc nhở vẫn cố tình vi phạm thì sẽ giao cho CSTT, tổ dân phố dùng chế tài xử phạt tang chủ.

Không giám sát

Một vấn đề khác cũng được dư luận quan tâm là, giả sử gia đình muốn làm một lễ tang long trọng, để tưởng nhớ công ơn người đã mất. Có thể không rềnh rang nhiều vòng hoa, rắc vàng mã, không lắp kính nhưng mua quan tài nghìn đô, đặt những bộ quần áo trăm triệu... Như thế có vi phạm Nghị định 105 không, thưa ông?

Ông Hồ Trí Hùng: Nghị định chỉ điều chỉnh hình thức tổ chức lễ tang chứ không quy định kích thước quan tài. Không cần quan tâm chất lượng, giá cả. Còn to nhỏ là do điều kiện của từng gia đình. Mục đích nghị định 105 chỉ là tuyên truyền, hạn chế.

Nếu thế thì có phải là Nghị định 105 vẫn chưa đạt được mục tiêu chống tham nhũng lãng phí?

Ông Hồ Trí Hùng: Theo tôi biết, hiện tượng quan tài đại gia, quần áo tiền triệu là có, nó cũng giống như xây phần mộ mấy trăm triệu nhưng không cấm được vì họ không vi phạm pháp luật. Thì mặc nhiên người ta vẫn làm. Nhưng vi phạm pháp luật thì lại khác.

Ông nghĩ sao, trước ý kiến: Nghị định 105/2012/ NĐ-CP về tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức được thi hành có đồng nghĩa với việc người đã chết đi cũng vẫn phải là công chức và chịu những quy định của công chức. Hay nói cách khác, sống là công chức thì là ma cũng là ma công chức? Theo ông, phải hiểu như thế nào cho đúng?

Ông Hồ Trí Hùng: Nếu nói như thế là không đúng. Thực tế, hiện nay việc hiếu, hỉ đang tung hoành, chính vì vậy mới có quy định này. Hơn nữa, quy định này là điều chỉnh 4 nhóm đối tượng chứ không chỉ riêng cán bộ công chức, viên chức.

Câu hỏi cuối thưa ông. Xin ông cho biết, cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm giám sát và xử lý vi phạm? Và trong trường hợp có vi phạm, đối tượng bị xử lý sẽ là ai?

Ông Hồ Trí Hùng: Trên thực tế, chưa có quy định cụ thể cơ quan nào có chức năng xử phạt. Nhưng liên quan đến lĩnh vực nào, sẽ giao cho các Bộ, ngành xây dựng văn bản hướng dẫn cụ thể về quy định, hình thức xử phạt.

Tôi nhắc lại, mục tiêu của nghị định là tuyên truyền, vận động nên không thể có một cơ quan độc lập làm nhiệm vụ giám sát quy định này. Chúng tôi dựa vào những cơ quan tổ chức, cơ quan chủ quản phải có trách nhiệm nhắc nhở, tuyên truyền trực tiếp.

Xin cảm ơn ông về câu trả lời!

Ông Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết, Cục đã ra văn bản kiến nghị xem xét lại một số quy định trong Nghị định số 105/2012/ NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức Lễ tang cán bộ, công chức, viên chức (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/2/2013).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Vũ (Đất Việt)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN