Số phận TT Syria có thê thảm như Gaddafi?
Trong tuần qua, người ta chứng kiến Tổng thống Bashar al-Assad bị dồn ép quyết liệt cả từ bên trong lẫn bên ngoài. Ngoài ra, còn có tin ông Assad cùng các thành viên gia đình đang bị giam cầm trong chính dinh thự của họ. Những diễn biến đáng lo ngại này khiến nhiều người đặt câu hỏi, liệu số phận Tổng thống Assad có thê thảm như số phận của cố Tổng thống Gaddafi ở Libya hay không?
Bị dồn ép cả trong lẫn ngoài
Những ngày gần đây, lực lượng nổi dậy Syria đang tăng cường các cuộc tấn công thẳng vào thủ đô Damascus – thành trì chính của chính quyền Tổng thống Assad. Mới đây nhất, hôm 28/6, cả thủ đô Damascus bị rung chuyển bởi hai tiếng nổ liên tiếp kèm theo đó là một cột khói đen nghịt khổng lồ bốc lên từ giữa trung tâm thành phố. Đài truyền hình quốc gia gọi đây là một vụ tấn công “khủng bố”. Trước đó 2 ngày, hôm 26/6, phe nổi dậy đã dám tấn công cả vào căn cứ của Lực lượng Vệ binh Cộng hòa tinh nhuệ thuộc quân đội Syria ở sát gần thủ đô Damascus.
Việc phe nổi dậy liên tiếp tấn công vào thành trì chính của Tổng thống Assad chứng tỏ lực lượng này đang mạnh lên và tự tin lên rất nhiều. Cách đây vài ngày, thủ đô Damascus vẫn còn đang nằm ngoài tầm với của phe nổi dậy. Tuy nhiên, chỉ qua vài ngày, quân nổi dậy đã cho thấy sức mạnh đang gia tăng một cách đáng sợ của họ. Lực lượng này đã được tổ chức tốt hơn và được vũ trang tốt hơn nhờ vào sự giúp đỡ từ bên ngoài.
Với những diễn biến trên, người ta có lý do để tin rằng, thành trì vững chắc suốt 16 tháng qua của Tổng thống Assad đã bắt đầu có dấu hiệu lung lay. Có lẽ, giờ đây, ông Assad đã thực sự cảm nhận được sức ép rất lớn, rất đáng lo ngại từ phe đối lập đối với chính quyền của ông.
Không chỉ bị dồn ép ở trong nước, Tổng thống Assad còn đối mặt với áp lực hết sức căng thẳng từ bên ngoài. Sức ép đó đến từ ngay nước láng giềng hùng mạnh của Syria – Thổ Nhĩ Kỳ. Hôm 28/6, Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến cộng đồng thế giới giật mình lo ngại khi đưa một loạt tên lửa, súng phòng không và nhiều loại vũ khí khác đến biên giới với Syria. Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai các vũ khí hiện đại của mình ở khu vực cách biên giới Syria chỉ chưa đầy 50km. Ankara tuyên bố, họ làm như vậy để có thể sẵn sàng đối phó với bất kỳ hành động thù địch nào của Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ đang rất tức giận trước việc Syria hạ gục một máy bay chiến đấu của nước này hồi cuối tuần trước. Nước này được cho là đang sẵn sàng trả đũa Syria bất kỳ lúc nào. Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ chuẩn bị sẵn sàng để đối đầu với Syria thì các cường quốc phương Tây cũng không ngừng gây áp lực với chính quyền Tổng thống Assad.
Sức ép từ phe nổi dậy, từ nước láng giềng và cả các cường quốc phương Tây đang dồn dập đổ lên đầu Tổng thống Assad. Chưa hết, lại có tin, ông Assad cùng gia đình đang bị “giam cầm” trong chính dinh thự của mình và ông này đang mất niềm tin trầm trọng vào nội bộ chính quyền Syria. Có lẽ, chưa lúc nào, người ta thấy số phận của ông Assad lại bấp bênh như lúc này. Phải chăng, đã đến lúc, chính quyền của ông Assad phải chịu chung số phận như chính quyền Libya trước đây. Và nếu như vậy thì liệu ông Assad có phải đối mặt với một kết cục thê thảm như của ông Gaddafi hay không?
Ra đi trong danh dự?
Bất chấp việc Tổng thống Assad đang bị dồn ép từ cả bên trong lẫn bên ngoài, ít người tin rằng, ông này sẽ phải chịu kết cục bi thảm như của ông Gaddafi trước đây. Một số nhà phân tích thậm chí còn dự đoán, ông Assad sẽ nắm quyền ở Syria thêm 2 năm nữa. Có nhiều lý do để người ta tin vào sự vững chắc của chính quyền Syria ít nhất là trong thời gian trước mắt.
Theo các nhà phân tích, Tổng thống Assad hiện tại vẫn đang nắm giữ nhiều lợi thế giúp ông tiếp tục duy trì quyền lực của mình. Thứ nhất và cũng quan trọng nhất là ông Assad vẫn đang có được sự trung thành của một quân đội hùng hậu và tinh nhuệ gồm 330.000 binh lính. Dù gần đây xảy ra liên tiếp các vụ đào ngũ của các quan chức quân sự cấp cao cũng như binh lính Syria nhưng rõ ràng, con số đó vẫn chiếm một phần rất nhỏ trong đội quân lớn mạnh của Syria.
Đáng chú ý hơn, dù đã hơn 1 năm trôi qua, chính quyền Syria vẫn vững như bàn thạch khi không có bất kỳ quan chức cấp cao nào trong bộ máy cầm quyền của Tổng thống Assad có dấu hiệu quay lưng với người lãnh đạo của họ. Thậm chí, ông Assad vẫn được nội các ủng hộ nhiệt liệt.
Lý do thứ hai là, cho đến thời điểm này, không có bất kỳ dấu hiệu nào chứng tỏ phương Tây sẽ thực hiện một chiến dịch can thiệp quân sự vào Syria như ở Libya trước đây. Không chỉ chùn bước trước một Syria sở hữu quân đội hùng hậu với một loạt hệ thống phòng không và vũ khí hiện đại của Nga, phương Tây còn bị cản trở bởi tính pháp lý trong hành động của họ. Các cường quốc không còn “lá bài” là nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nữa. Cả Nga và Trung Quốc đều kiên quyết phản đối bất kỳ sự can thiệp nào từ bên ngoài vào tình hình Syria.
Không có sự hậu thuẫn từ các cường quốc phương Tây, phe nổi dậy Syria dù có gia tăng sức mạnh cũng khó có thể đánh gục được chính quyền của ông Assad trong thời gian ngắn sắp tới. Tuy nhiên, về lâu dài, không ai có thể nói trước được điều gì.
Với nội bộ đất nước Syria đang có nhiều vấn đề như hiện nay, rất có thể, Tổng thống Assad sẽ phải ra đi, tất nhiên là trong vài năm nữa. Và Nga được cho là sẽ tìm mọi cách để người đồng minh của họ được ra đi trong danh dự.