Sẽ cấp... “quota” đăng ký xe cá nhân
Ngày 7/9, Sở GTVT Hà Nội cho biết, UBND TP đã chỉ đạo Sở này nghiên cứu "kế hoạch cấp quota đăng ký phương tiện mới cho cá nhân theo lộ trình" để đề xuất đưa vào “Đề án hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông tại các đô thị lớn”.
Thêm phí, áp hạn ngạch
Văn phòng UBND TP Hà Nội vừa truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi về việc đóng góp ý kiến vào “Đề án hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông tại các đô thị lớn” do Bộ GTVT chủ trì soạn thảo. Theo đó, TP giao Sở GTVT khẩn trương xây dựng các đề án thu “Phí vào trung tâm thành phố” và “Phí vào trung tâm thành phố giờ cao điểm”, lấy ý kiến các Sở, ngành trong quý III/2012, báo cáo UBND TP xem xét trong quý IV/2012.
Cùng với đó, Sở GTVT phải đề xuất việc điều tiết hoạt động một số loại phương tiện (xe taxi, xe khách, xe tải, xe con cá nhân ...) hoạt động trên địa bàn, khu vực có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông cao, báo cáo UBND TP trong tháng 10/2012. Đặc biệt, không chỉ thêm các loại phí mới, Sở GTVT còn phải nghiên cứu xây dựng để đưa vào Đề án trình Chính phủ bản “kế hoạch cấp quota đăng ký phương tiện mới cho cá nhân theo lộ trình”, và cấm một số phương tiện hoạt động tại một số khu vực từ vành đai 2 vào trung tâm thành phố để trên cơ sở đó TP Hà Nội sẽ triển khai tuyên truyền thực hiện.
Cấp “quota” đăng ký xe ở thời điểm hiện tại chưa phù hợp
Trước đó, tại dự thảo “Đề án hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông tại các đô thị lớn”, Bộ GTVT cũng đã đề xuất, việc cấp hạn ngạch số lượng phương tiện được phép đăng ký mới sẽ thực hiện tại các TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng, trên cơ sở tính toán phù hợp với sự phát triển kết cấu hạ tầng của TP đó. Từ số lượng hạn ngạch được cấp đó, các TP sẽ tổ chức đấu giá quyền đăng ký xe. Ai đấu giá thành công mới được cấp đăng ký chủ sở hữu phương tiện.
Chưa nên áp dụng ngay
Trao đổi với phóng viên về đề xuất trên, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, việc hạn chế phương tiện cá nhân để giảm ùn tắc là một chủ trương đúng. Tuy nhiên, nếu để hạn chế phương tiện đăng ký mới bằng giải pháp cấp “quota” cho các TP là không nên bởi như vậy là hạn chế đăng ký quyền sở hữu. “Người dân có tiền và có nhu cầu sử dụng thì mới mua xe. Không ai mua rồi để không hoặc chỉ để chạy chơi. Bởi vậy, không thể hạn chế quyền sở hữu xe máy của người dân”. Tuy nhiên, ông Bùi Danh Liên cũng đồng ý, việc đăng ký mới là của người dân, nhưng quy định chạy trên những tuyến đường, khung giờ nào là do TP quy định.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội phân tích, xe máy là một trong những phương tiện mưu sinh của phần lớn người dân sinh sống trên cả nước hiện nay. Hầu hết người sử dụng xe máy vào mục đích kiếm sống, mưu sinh. Do vậy, việc cấm hoặc hạn chế đăng ký mới xe máy sẽ gây xáo trộn rất lớn trong tâm lý và cuộc sống của người dân. Ông cho rằng, thời gian đầu, nên tập trung phát triển hạ tầng và đổi mới, nâng cao chất lượng phương tiện giao thông công cộng. Đến một thời điểm nhất định, khi người đi xe máy nhận thấy đi phương tiện công cộng rẻ hơn, tiện hơn, đảm bảo hơn thì họ sẽ tự bỏ xe máy. Khi nhu cầu sử dụng xe máy đã bão hòa thì mới nên áp dụng “quota” về đăng ký mới. “Thời điểm này, ô tô cá nhân phải nhường cơ sở hạ tầng cho xe buýt phát triển. Vì, ô tô cá nhân chiếm diện tích đường lớn, nhưng số lượng chuyên chở quá ít” - ông Bùi Danh Liên nói.
Đứng ở một góc độ khác, ông Khuất Việt Hùng, ĐH GTVT Hà Nội nhận định, việc 5 TP lớn đóng góp ý kiến, nghiên cứu xem phương án hạn chế xe cá nhân nào phù hợp với địa phương mình là cách tiếp cận mới mẻ, phù hợp. Chẳng hạn, Hà Nội đã chỉ đạo Sở GTVT nghiên cứu phương án cấp “quota” đăng ký mới xe máy trong Đề án hạn chế phương tiện cá nhân, xem đó là một giải pháp khả thi. Ông nói: “Có thể, UBND TP thấy, giải pháp này phù hợp với Hà Nội. Tuy nhiên, tất cả các giải pháp kỹ thuật mà Bộ GTVT cũng như các địa phương đưa lên, sẽ được cân nhắc dựa trên các cơ sở pháp lý, tính thực tiễn có áp dụng được hay không”.
Cũng theo ông Khuất Việt Hùng, nếu các giải pháp nêu trong dự thảo đề án hạn chế phương tiện cá nhân vừa qua mà đưa vào áp dụng trong thực tiễn, thì chắc chắn sẽ phải có sự điều chỉnh về luật pháp. “Tôi không đồng ý sử dụng từ hạn chế, vì nghe nặng nề. Ta nên tìm các giải pháp tác động vào hành vi của người tham gia giao thông, để họ tự lựa chọn phương tiện phù hợp với điều kiện của mình, phù hợp với từng vùng miền” - ông Khuất Việt Hùng nói.