Sau thảm sát, nước mắt voọc vẫn chảy

Đúng một năm trước, ngày 19/7/2011, 21 con voọc chà vá chân đen đã bị thợ săn bắn hạ tại vườn quốc gia Núi Chúa (Ninh Hải, Ninh Thuận) - vùng rừng còn nhiều voọc chà vá chân đen nhất cả nước.

PGS.TS Lê Xuân Cảnh - viện trưởng Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật - vẫn dùng từ “thảm sát” khi nhắc lại. Ông nói: “Đó là cuộc thảm sát voọc lớn nhất được ghi nhận ở Việt Nam trong nhiều năm qua”. Còn với trạm trưởng kiểm lâm Núi Chúa Nguyễn Trọng Huynh, đã 30 năm trong nghề kiểm lâm nhưng vụ sát hại voọc này vẫn làm ông ám ảnh nhất khi tận mắt chứng kiến sự tàn ác của thợ săn với bầy voọc.

Tàn ác

Ông Huynh chính là người chỉ huy nhóm kiểm lâm bao vây Đặng Minh Khắc và Nguyễn Phương Tuấn, hai kẻ đã sát hại bầy voọc chà vá chân đen tại suối Nước Đổ thuộc tiểu khu 148 vườn quốc gia Núi Chúa (Ninh Hải, Ninh Thuận) một năm trước. Tất cả voọc đều bị hai thợ săn dùng dao bấm rạch xuyên từ cổ họng xuống quá rốn ngay khi bắn hạ, lôi hết nội tạng ra ngoài để voọc nhẹ bớt, dễ vận chuyển xuống núi.

Sau thảm sát, nước mắt voọc vẫn chảy - 1

Hai kẻ săn voọc và những con voọc bị rạch bụng ngay tại cánh rừng Núi Chúa - Ảnh: Trọng Huynh

Ông Huynh kể lại: “Vừa đến lưng chừng suối Nước Đổ, anh em kiểm lâm đã biết ngay số lượng voọc bị sát hại là không nhỏ khi dòng nước vốn trong vắt bỗng chuyển sang lờ nhờ đỏ, bốc lên mùi tanh tưởi. Nơi đầu suối cách đó vài trăm mét, Khắc và Tuấn vừa mổ bụng bầy voọc”. Cả đoàn kiểm lâm như chết lặng, kiểm tra khắp các bụi cây xung quanh, họ phát hiện một bao voọc sáu con đã bị mổ bụng, máu đã khô.

Đoán chắc nhóm thợ săn sẽ trở lại để gom voọc cất giấu, ông Huynh cho anh em mai phục xung quanh lán và bịt tất cả đường mòn. Nhìn vết đạn trên thân voọc, các kiểm lâm phán đoán bọn săn voọc dùng loại súng thể thao có mức sát thương cao chứ không phải súng kíp tự chế. Nếu đưa anh em bao vây phía đầu nguồn sẽ bị lộ, chắc chắn chúng sẽ chống trả, vừa nguy hiểm vừa không bịt được các ngả đường tháo chạy của chúng.

Không ngăn chặn, voọc chà vá sẽ tuyệt chủng

Đây là nhận định của PGS.TS Lê Xuân Cảnh - viện trưởng Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật. TS Cảnh nói cả ba loài voọc chà vá chân đen, chân đỏ và chân xám đều là những loài được xếp vào dạng nguy cấp, cần phải bảo tồn đặc biệt chỉ còn chưa tới 1.000 cá thể mỗi loài trên cả nước. Trong đó voọc chà vá chân xám là loài mới phát hiện và hiếm nhất, chỉ còn khoảng 200 cá thể. “Với những vụ sát hại voọc mà báo chí đưa tin gần đây thì e rằng ngày tuyệt chủng không còn xa nữa” - TS Cảnh lo lắng.

Đúng như phán đoán, khoảng 15g hai thợ săn lặc lè vác hai bao voọc còn rỉ máu tươi đi từ phía đầu nguồn và bị tóm gọn. Lôi từ trong bao ra từng con voọc đã bị rạch bụng, có con tay chân còn ấm nên nhiều kiểm lâm quá bức xúc đã sấn tới định đấm cho hai kẻ sát hại voọc mấy phát nhưng bị ngăn lại. “Anh em bức xúc vì thấy thợ săn quá tàn ác. Voọc lớn, voọc nhỏ đều bắn hạ. Có cặp voọc mẹ con bị bắn chỉ bằng một phát đạn, xuyên từ con sang mẹ khi voọc mẹ đang bế voọc con chạy trốn” - ông Nguyễn Trọng Huynh xót xa.

15 con voọc nhưng hai thợ săn chỉ dùng 19 viên đạn để bắn hạ. Không phải vì quá thiện xạ mà đơn giản như lời họ khai: “Voọc sống rất ân tình, bắn được con voọc đầu đàn thì cả bầy sẽ quây quanh, bỏ ăn bỏ uống đến mấy ngày tiếc thương mà không di chuyển đi đâu nữa”. Bởi thế mà chuyến đi săn lần đó chỉ là phần nối tiếp của lần đi săn cách đó ba ngày, khi hai thợ săn đã bắn trước năm con voọc khác mang về quê ở Ninh Hòa (Khánh Hòa) rồi ung dung trở lại diệt tiếp bầy voọc.

Nước mắt voọc vẫn chảy

Một tháng sau ngày bầy voọc bị bắn hạ, người viết đã về vườn quốc gia Núi Chúa chứng kiến bầy voọc xấu số được đưa ra từ thùng ướp muối, giao cho Hội Đông y tỉnh Ninh Thuận. Và chi tiết ám ảnh nhất là tất cả voọc bị bắn không con nào nhắm mắt. Ông Huynh bùi ngùi kể: “Voọc chết tức tưởi thì mắt con nào cũng trợn tráo. Đêm đưa xác bầy voọc về chất đầy sân hạt kiểm lâm, anh em ở trạm cứ vuốt hoài mà mắt voọc cũng không nhắm lại”.

Câu chuyện đau lòng ấy của những bầy voọc ở Núi Chúa không chỉ mình ông Huynh kể lại. Ông già Đarúi Mài Soai, một thợ rừng người Raklay ở thôn Cầu Gãy dưới chân núi Chúa, nói cả năm nay ông gặp voọc có hai lần trên đường lên rẫy. “Hồi đó mình gặp nó miết. Nó chỉ che cái mặt, xong ngồi núp. Giờ nó nghe mình tới là hú hết bầy bỏ chạy” - già Đarúi Mài Soai kể. Ông Soai nhớ những năm sau giải phóng, vùng núi Chúa này voọc còn nhiều đến nỗi tới mùa lên chòi canh bắp, voọc kéo bầy trêu nhau trên những gộp đá, chuyền cành om sòm cả một góc núi, không tài nào ngủ yên với chúng.

Ngay kiểm lâm Núi Chúa trong những chuyến tuần tra vào rừng sâu cũng không còn gặp nhiều voọc như trước. Anh Nguyễn Thanh Tùng - kiểm lâm viên từng tham gia vây bắt hai thợ săn - nói thỉnh thoảng trên những gộp đá cheo leo cạnh suối Nước Đổ vẫn bắt gặp vài con voọc xơ xác, ủ rũ ngay nơi đồng loại từng bị sát hại, có lẽ vì chưa nguôi nhớ đồng loại. Nhưng chỉ cần thấy bóng người là bỏ chạy chứ không còn ngồi yên núp lá. Ngay cả bãi Bình Tiên, vốn là nơi voọc hay xuất hiện, nay thỉnh thoảng mới có bầy voọc “bạo gan” rời những gộp đá xuống sát mé biển kiếm ăn nhưng cũng chỉ nhác thấy bóng người là chuyền cành trốn thục mạng.

Ông Nguyễn Trọng Huynh nói dù Núi Chúa vẫn được coi là nơi còn nhiều voọc chà vá chân đen nhất Việt Nam với khoảng 100 cá thể, nhưng sau khi đồng loại bị sát hại, đời sống của chúng ngày càng bị đảo lộn. “Sau nỗi đau của bầy voọc bị sát hại, giờ là nỗi đau của cả quần thể voọc Núi Chúa, nỗi đau của môi trường” - ông Huynh trầm ngâm.

Hai thợ săn Đặng Minh Khắc và Nguyễn Phương Tuấn khai: Với 21 con voọc bắn được, họ có thể nấu được 3kg cao voọc toàn tính, có giá khoảng 15 triệu đồng/kg. Khắc và Tuấn quê ở Ninh Hòa (Khánh Hòa), chính là một trong những “trung tâm” nấu cao voọc của miền Trung khi nằm sát khu rừng ở bán đảo hòn Hèo, vốn có khá nhiều voọc sinh sống và cũng không xa các vùng rừng có nhiều voọc như Núi Chúa (Ninh Thuận), Khánh Sơn (Khánh Hòa).

Ngoài Ninh Hòa (Khánh Hòa), khu vực Ba Tơ (Quảng Ngãi) cũng là nơi có khá nhiều lò nấu cao voọc ở trục lộ 24, nằm sát những vùng rừng có voọc trú ngụ ở Kon Tum, Gia Lai. Trong một chuyến công tác mới đây lên vùng sát chân đèo Violac ở Ba Tơ, phóng viên Tuổi Trẻ đã tận mắt nhìn thấy quy trình nấu cao voọc của một chủ quán ăn dưới chân đèo. Chủ quán tên Dũng mở nồi cao voọc mới vừa nấu được vài giờ còn nguyên tay, chân, đầu, xương thịt lổn nhổn và cho biết phải nấu hai ngày hai đêm mới xong được mẻ cao. Ông Dũng cho biết cao voọc được bán với giá cao gấp sáu lần cao khỉ, có thể lên đến 20 triệu đồng/kg loại tốt. “Nồi cao gồm ba con, tui mua lại của thợ săn từ Măng Đen (Kon Tum) với giá 5 triệu đồng” - ông Dũng nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Viễn Sự (Tuổi trẻ)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN