Sài Gòn xây hồ 23 ha trữ nước ngọt?
TP.HCM đang thiếu nguồn cung cấp nước nhưng các phương án chống ngập thường ưu tiên thoát nước đi.
“Hiện nay, tình trạng xâm nhập mặn đang dâng cao, ngành cấp nước của TP.HCM gặp nhiều khó khăn nhưng tôi thấy công tác cấp nước và thoát nước hình như chưa có sự phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau…” - GS-TS Nguyễn Tất Đắc đã đặt vấn đề như thế tại hội thảo khoa học về các giải pháp chống ngập ứng phó nước biển dâng trên địa bàn TP.HCM ngày 8-4.
Gỡ bớt bê tông, tăng diện tích thấm nước
Theo GS Đắc, cần phải nghiên cứu thêm các giải pháp thoát nước chống ngập gắn kết với công tác chống xâm nhập mặn cũng như việc tích trữ nước, bổ sung nguồn nước cấp cho người dân TP.
PGS-TS Nguyễn Minh Hòa (ĐH KHXH&NV TP.HCM) cho rằng việc bê tông hóa bề mặt TP với tỉ lệ cao trong thời gian qua đã dẫn đến nhiều hệ quả xấu, như làm mất bề mặt thấm nước khiến cho tình trạng ngập càng trầm trọng hơn. Đó là chưa nói đến tình trạng nước không thấm được vừa không bổ cập cho nước ngầm vừa gây ra tình trạng tù đọng ô nhiễm, phát sinh muỗi mòng, dịch bệnh… “Chúng ta nên gỡ bớt các lớp bê tông ở những nơi công cộng, thay bằng thảm cỏ vườn hoa, có điều kiện thì xây hồ chứa, hầm chứa… Những giải pháp này thấy nhỏ nhưng sẽ góp phần giảm ngập và tích trữ nguồn nước” - ông Hòa nhấn mạnh.
Cùng với việc thoát nước chống ngập, TP.HCM phải hết sức lưu ý đến việc trữ nguồn cấp nước cho TP. Ảnh: Hoàng Hải
TS Hòa cũng cho rằng cần phải có những giải pháp chống ngập theo hướng linh hoạt và mềm dẻo hơn. “Nếu chống ngập theo cách ưu tiên nâng đường, nâng nhà lên cao như thời gian qua thì không biết đến bao giờ “cuộc chiến” này mới kết thúc!” - ông Hòa bày tỏ.
Ở góc độ chống ngập do triều cường, TS Bùi Việt Hưng (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho rằng cần phải mở rộng vùng trữ nước ngọt cho TP.HCM vì hiện tình trạng san lấp ven sông Sài Gòn trong thời gian qua đã làm cho tình trạng ngập nước gia tăng. “TP cần khoảng 80.000 ha diện tích cho vùng đất ngập nước tại khu vực vịnh Gành Hào (Cần Giờ) nhưng hiện nay khu vực chứa triều này chỉ khoảng 40.000 ha. Do đó, tối thiểu TP cần phải có thêm 40.000 ha đất ngập nước nữa” - ông Hưng đề xuất.
Cần xây thêm nhiều hồ trữ nước ngọt
Cùng ngày, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco) cũng tổ chức hội thảo tìm nguồn cấp nước thô mới cho TP. Theo Sawaco, thời gian gần đây tình trạng xâm nhập mặn trên sông Sài Gòn ngày càng nghiêm trọng, có những khoảng thời gian do nguồn nước sông nhiễm mặn quá cao, các nhà máy cấp nước phải dừng lấy nước thô. Trước tình hình này, Sawaco đề xuất xây hồ trữ nước ngọt với diện tích khoảng 23 ha tại địa bàn huyện Củ Chi. Dự kiến trong tháng 5 tới, Sawaco sẽ có báo cáo chi tiết phương án xây hồ trữ nước cho UBND TP.
Ông Nguyễn Ngọc Công, Giám đốc Trung tâm Chống ngập TP, cho biết ông sẽ tiếp nhận ý kiến đóng góp của các nhà khoa học để tìm ra các phương án chống ngập bền vững, hiệu quả và đột phá hơn cũng như tìm sự gắn kết giữa chống ngập với cấp nước.
Về xây hồ điều tiết chống ngập, trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, ông Công cho biết ngoài dự án lớn đang triển khai như hồ Khánh Hội (quận 4), hồ Gò Dưa (Thủ Đức), trung tâm cũng muốn triển khai dự án xây hồ ngầm với diện tích nhỏ. “Tuy nhiên, dự án xây hồ ngầm thí điểm đầu tiên dự kiến thực hiện ở Công viên Bàu Cát (quận Tân Bình) không được thuận lợi vì chính quyền địa phương chưa đồng tình. Hiện chúng tôi cũng đang chờ ý kiến chỉ đạo của UBND TP về việc triển khai thực hiện hồ ngầm đầu tiên này” - ông Công nói thêm.
Theo TS Phạm Ngọc (ĐH Quốc gia TP.HCM), việc giữ, tích trữ và cải thiện chất lượng các nguồn nước có thể tái sử dụng là mối quan tâm hàng đầu của những đô thị lớn trên thế giới. Do đó, TP.HCM cũng phải có các giải pháp thích hợp nhằm quản lý tốt nguồn nước, cứu nguy cho hoạt động cấp nước. |