Rượu độc đang “giết” dần người dân Việt Nam
Tại tỉnh Quảng Ninh, chỉ trong 5 ngày đầu tháng 12, có 15 người nhập viện vì ngộ độc rượu, trong đó có 6 người đã tử vong. Thông tin này khiến dư luận hoang mang.
Tử vong vì rượu không nguồn gốc
Tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, mỗi tháng có khoảng 10 bệnh nhân ngộ độc rượu nặng đến cấp cứu. Những bệnh nhân này nhập viện trong tình trạng nôn, tê người.
Khi chúng tôi có mặt tại Bệnh viện Bạch Mai, anh Nguyễn Văn T., 40 tuổi (Thường Tín, Hà Nội) đang phải đối mặt với “án tử” vì ngộ độc rượu. Người nhà bệnh nhân cho biết, anh T. làm nghề thợ xây, nghiện rượu đã 15 năm nay. Mỗi ngày anh T. uống ít nhất nửa lít, ngày uống nhiều 1 lít.
Trước đó 2 ngày, anh T. uống rượu không rõ nguồn gốc, được bán ở gần nhà với giá rẻ. Sáng hôm sau, anh T. vẫn đi làm bình thường. Tuy nhiên, đến buổi chiều anh T. được bạn đưa về nhà trong tình trạng khó thở, mờ mắt. Lập tức anh T. được đưa vào Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng hôn mê sâu, không thở được, cấu véo không phản ứng, các bác sĩ phải đặt ống nội khí quản.
Bệnh nhân ngộ độc rượu nặng đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội.
Bác sĩ Nguyễn Đàm Chính, Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, khi làm xét nghiệm, kết quả cho thấy nồng độ methanol trong máu anh T. là 160.
Sau khi hội chẩn, các bác sĩ kết luận bệnh nhân ngộ độc và chuyển lên Trung tâm Chống độc. Bệnh nhân vẫn hôn mê sâu, tiếp tục bị tụt huyết áp do giãn mạch, đốt toàn bộ hệ tuần hoàn.
“Bình thường, bệnh nhân có nồng độ methanol trên 20 là mù mắt, trên 40 là tử vong. Bệnh nhân T. đến muộn sau 2 ngày mà nồng độ vẫn là 160. Do đó, bệnh nhân T. tiên lượng khó sống được, trừ trường hợp phép lạ, mà có phép lạ thì cũng bị mờ mắt”, bác sĩ Chính chia sẻ.
Hộ gia đình bà Nguyễn Thị Hải, thôn Chi Nê, xã Trung Hòa, H. Chương Mỹ (HN) mỗi ngày nấu 15kg gạo, bán ra thị trường khoảng 20 lít rượu không nhãn mác
Những vụ ngộ độc chết người không phải là hiếm ở Việt Nam, gần đây nhất, từ ngày 2 đến ngày 7/12, cơ quan chức năng ghi nhận trên địa bàn TP. Hạ Long và Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh đã xảy ra 5 vụ ngộ độc rượu, làm 15 người phải nhập viện, trong đó có 6 người đã tử vong.
Bước đầu cơ quan chức năng xác định, tất cả các nạn nhân đều sử dụng cùng một loại rượu đóng trong chai nhựa (loại 2 lít màu trắng) trên nhãn ghi Rượu nếp 29 Hà Nội. Kết quả kiểm định các mẫu rượu thu được từ các vụ ngộ độc trên cho thấy hàm lượng methanol và ethanol trong rượu chiếm từ 80-98%, vượt từ 1.600 đến 1.900 lần tiêu chuẩn cho phép (theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 7044:2009).
Trong tháng 5/2013, ở địa bàn tỉnh Ninh Thuận có 9 người tử vong vì rượu. Các bệnh nhân sau khi mua rượu về uống đều có triệu chứng đau đầu, chóng mặt, nôn ói, khó thở, co giật tay chân rồi tử vong.
“Khùng khùng, điên điên” vì rượu
Ông Nguyễn Văn H., 47 tuổi, ở Trực Ninh, Nam Định, từng là trụ cột chính trong gia đình, nuôi 4 đứa con ăn học. Thế nhưng sau 5 năm “bập” vào rượu, ông đã không còn sức lao động, cuộc sống hàng ngày phụ thuộc vào người thân. Ông H. nghiện rượu đến mức lúc tỉnh ông lại uống rượu, thậm chí lúc ngủ, ra đường ông cũng mang theo chai rượu bên mình. Gia đình ông khuyên ngăn, cấm nhưng ông vẫn mặc kệ và coi rượu là trên hết.
Can, thùng chứa rượu không được gắn tem, nhãn mác
PGS.TS. Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai. |
Đầu năm 2012, ông H. đã phải nhập viện vì căn bệnh liên quan đến gan. Một thời gian sau, ông H. có biểu hiện mất trí nhớ, lú lẫn, nói năng lảm nhảm.
“Biết là rượu có hại cho sức khỏe, tôi đã tìm đủ mọi cách can ngăn bố nhưng bất thành. Hậu quả là giờ bố có vấn đề về thần kinh, còn chúng tôi đang lo sợ sẽ mất bố”, anh Thành, con ông H. buồn bã nói.
PGS.TS. Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong thời gian gần đây số người bị ngộ độc rượu đang có xu hướng tăng. Người Việt uống rượu cũng nhiều hơn. Nhiều người có con thi đỗ, mừng công, “rửa” xe mới, kinh doanh thất bại hay bị người yêu “đá”,... họ cũng tìm đến rượu.
“Nói chung, vui cũng nhậu, mà buồn cũng nhậu, còn không vui không buồn cũng nhậu. Các chiến hữu lại tụ tập thành nhóm, thách thức tranh cãi so đo xem ai uống nhiều, ai uống ít rồi bắt bẻ nhau từng chút một, thậm chí dẫn đến xô xát, đánh nhau, có khi án mạng cũng xảy ra từ bàn nhậu”, TS Duệ nói.
TS Phạm Duệ khẳng định, uống nhiều rượu có thể gây tử vong. Dù rượu có nhãn hay không có nhãn mác đều gây hại khi uống. Người uống quá nhiều rượu sẽ bị ảnh hưởng đến trí tuệ, thần kinh, đặc biệt là bệnh não do rượu sinh ra với các biểu hiện khùng khùng, điên điên hay nói nhảm, thậm chí là hoang tưởng ảo giác. Bình thường, người không uống rượu vốn ít nói nhưng có rượu là họ sẽ nói nhiều, nói ba hoa, chửi tục, coi trời bằng vung.
Các bệnh thường gặp khi nghiện rượu như: rối loạn tâm thần, hoang tưởng, xơ gan... Riêng rượu kém chất lượng, pha bằng cồn công nghiệp (methanol), có thể gây hôn mê, tụt huyết áp, chết người.
Sau gần 1 năm, Chính phủ quy định các nhân, tổ chức bán rượu ra thị trường phải có tem, nhãn mác. Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi, nhiều người dân vẫn chưa biết đến quy định, rượu không nhãn mác vẫn bán công khai. Tại làng nấu rượu thôn Chi Nê, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, mỗi ngày người dân bán ra thị trường từ 300 đến 400 lít rượu, thế nhưng không ai biết đến quy định trên. Ông Trần Trọng Lực, Phó chủ tịch UBND xã Trung Hòa, huyện Chương Mỹ cho biết, thôn chi Nê có hơn 700 hộ dân. Có 80% người dân thôn Chi Nê làm nghề nấu rượu. Gần một năm triển khai nghị định, chính quyền xã cũng chưa xử lý được trường hợp nào. Ý thức của người dân chưa cao, họ vẫn còn quan niệm làng nghề nấu rượu không cần phải đăng kí, dán, nhãn mác. |