Rối bời với bình chữa cháy trên ô tô
Trong khi Bộ Công an kiên quyết thực hiện việc trang bị bình chữa cháy trên ô tô thì đại diện các hiệp hội ô tô và nhiều chuyên gia có ý kiến ngược lại.
“Sau thời gian tuyên truyền, nhắc nhở, chúng tôi sẽ tổng kết, báo cáo Bộ Công an kết quả ban đầu. Từ kết quả này, chúng tôi sẽ triển khai xử phạt những phương tiện không chấp hành quy định về việc lắp thiết bị phòng cháy chữa cháy (PCCC) trên ô tô” - đại tá Đoàn Hữu Thắng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ (C66) - Bộ Công an, khẳng định.
C66 quá sốt sắng
Trước đó, Bộ Công an đã ban hành Thông tư 57/2015/TT-BCA quy định về việc ô tô từ 4 chỗ ngồi trở lên phải trang bị bình chữa cháy. Quy định này có hiệu lực từ ngày 6-1-2016.
Đại tá Đoàn Hữu Thắng cho biết C66 đang chỉ đạo các địa phương tăng cường kiểm tra để nhắc nhở, tuyên truyền cho người dân nắm được quy định, đồng thời khảo sát việc sắm thiết bị cứu hỏa của chủ phương tiện. Không chỉ Việt Nam, thống kê ban đầu cho thấy có ít nhất 15 nước áp dụng quy định tương tự.
Đối với những rủi ro do bình chữa cháy có thể phát nổ trong ô tô do điều kiện thời tiết khắc nghiệt hoặc chất lượng bình không bảo đảm, ông Thắng cho rằng tỉ lệ này rất thấp. Hiện chưa ghi nhận trường hợp bình chữa cháy nào nổ trong ô tô ở Việt Nam. Nhiệt độ an toàn cho bình chữa cháy từ âm 70 đến 55 độ C. Việc bình chữa cháy có chịu được được nhiệt độ này hay không cần phải có kiểm tra cụ thể.
Qua báo cáo của C66, trong năm 2015 đã xảy ra 182 vụ cháy ô tô trên toàn quốc, cao hơn mọi năm (bình quân 122 vụ/năm). Thực tế đã có nhiều vụ cháy ô tô gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản. Trong những trường hợp chập điện, lỗi kỹ thuật gây cháy xe, nếu người dân sử dụng bình chữa cháy kịp thời và đúng cách, hoàn toàn có thể khống chế được đám cháy.
Để thuận lợi cho người dân lắp đặt bình chữa cháy trên ô tô, C66 đang hoàn thiện tài liệu hướng dẫn chi tiết về các cách lắp đặt, sử dụng đăng trên cổng thông tin của cơ quan này và tuyên truyền rộng rãi để các chủ phương tiện, cơ quan, xí nghiệp tham khảo. Hiện thông tư mới bắt đầu được áp dụng, việc người dân đổ xô mua bình chữa cháy có thể xảy ra. Qua một thời gian, thị trường sẽ tự điều chỉnh, không còn cảnh chen nhau mua bình chữa cháy.
“Chỉ những bình chữa cháy có tem kiểm định mới được phép lưu hành và sử dụng. Nếu dùng bình không đạt chuẩn, chủ phương tiện vẫn phải bị xử phạt theo quy định” - ông Thắng lưu ý.
Minh họa: KHỀU
Đã cháy thì lo chạy cứu lấy thân!
Trước quyết tâm thực hiện Thông tư 57 của ngành công an, nhiều nhà khoa học và chuyên gia về ô tô tỏ ra không đồng tình.
PGS-TS Phạm Xuân Mai, Trưởng Khoa Kỹ thuật Giao thông Trường ĐH Bách khoa TP HCM, phân tích: Theo Quy chuẩn 09 của Bộ Giao thông Vận tải, xe 16 chỗ trở xuống không cần thiết phải thiết kế chỗ đặt bình chữa cháy. Với những xe này thì số lượng người ngồi trên xe ít, cửa xe được bố trí thuận lợi, dễ thoát ra ngoài khi có sự cố. Nếu xảy ra cháy thì người trên xe dễ dàng thoát hiểm, nhanh và an toàn hơn là mất thời gian chữa cháy.
Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho rằng trang bị bình chữa cháy với xe kinh doanh vận tải như xe khách, xe tải là cần thiết nhưng phải là bình chữa cháy lớn. Nếu không may xảy ra sự cố, sẽ kịp ứng cứu để hành khách có thể thoát thân và giảm thiệt hại hàng hóa. Hiện các ô tô chở khách, chở hàng đều trang bị bình chữa cháy loại này. Còn đối với ô tô dưới 9 chỗ thì không cần thiết.
Đây cũng là quan điểm của các nhà sản xuất ô tô với hàng trăm năm nghiên cứu. Họ thiết kế xe dưới 9 chỗ không có nơi đặt bình chữa cháy. Nhiều nước tiên tiến cũng không có quy định như Thông tư 57. “Với những xe 9 chỗ ngồi trở xuống thì mua bình chữa cháy về đặt ở đâu? Tôi cho rằng nếu xảy ra cháy thì tốt nhất nên bỏ chạy cứu lấy mạng. Bình chữa cháy bé như bình gas mini thì làm được gì. Không biết sử dụng có khi còn mang vạ vào thân” - ông Thanh nói.
Phân tích thêm về mặt kỹ thuật, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội, nhìn nhận: “Mang bình chữa cháy trong xe loại nhỏ có thể tiềm ẩn thêm nguy cơ cháy nổ”. Muốn lắp đặt bình chữa cháy thì phải thay đổi thiết kế xe. Mua bình chữa cháy để dưới gầm ghế, khi xe chạy xảy ra rung lắc, va đập có thể dẫn đến nguy cơ nổ bình. “Với xe dưới 9 chỗ ngồi, nơi phát hỏa thường xảy ra ở động cơ nằm phía trước xe. Khi đã cháy thì rất khó dập tắt vì động cơ và bình xăng đượcthiết kế kín. Đã bị cháy xe, tốt nhất nên thoát thân thật nhanh vì xe rất dễ phát nổ” - ông Liên bày tỏ kinh nghiệm.
Rủi ro cháy nổ cao Theo ông Nguyễn Văn Hòa, giám đốc một công ty nhập khẩu và phân phối thiết bị bảo hộ và PCCC, trên thị trường hiện có 3 dạng bình chữa cháy gồm: khí CO2, dạng bột và dung dịch tổng hợp. Xét về độ an toàn, nên sử dụng dạng bột hoặc dung dịch tổng hợp để hạn chế rủi ro cháy nổ. “Thực tế đã xảy ra vài trường hợp bình chữa cháy mini để trong ô tô bỗng dưng phát nổ. Đó là loại bình chứa khí CO2, trong quá trình di chuyển gây rung lắc, nén khí dẫn đến nổ. Ngoài ra, do nhiệt độ quá nóng, trên 60 độ C, gây ra. Nhiệt độ này thường xuất hiện trong ô tô khi bị đóng cửa, để xe ngoài nắng” - ông Hòa cảnh báo. L.Phong |
Ông T.V.T, Tổng Giám đốc một công ty nhập khẩu ô tô cao cấp tại TP HCM: Bộ Công an đưa ra quy định trên nhằm bảo đảm an toàn cho người đi xe thì phải có hướng dẫn rõ ràng, chi tiết và phải có lộ trình áp dụng để chuẩn bị. Còn quá nhiều vấn đề bất cập từ quy định trên. Cụ thể, bình chữa cháy trên xe phải được kiểm duyệt đúng quy chuẩn. Vậy, bằng mắt thường làm sao cảnh sát giao thông khẳng định bình này đạt chuẩn hay chưa, theo quy chuẩn nào? Ngay cả người dân muốn mua bình chữa cháy đúng chuẩn cũng rất khó. Nếu mua phải hàng kém chất lượng thì khác nào tự rước họa vào thân. Vào khoảng giữa tháng 1-2016, các hãng xe sẽ họp bàn và có công văn gửi đến Ủy ban An toàn giao thông quốc gia để phản hồi những nội dung liên quan đến những điều bất cập của Thông tư 57. PGS-TS HUỲNH QUYỀN, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ lọc - hóa dầu Trường ĐH Bách khoa TP HCM: Trong các vụ cháy ô tô thì đều phải chờ lực lượng PCCC hoặc sử dụng các bình chữa cháy lớn để hỗ trợ. Do đó, về quy định phải có bình chữa cháy nhỏ trên ô tô dưới 9 chỗ, theo tôi thì nên có lộ trình, nghiên cứu cụ thể hoặc là khuyến cáo người dân có ý thức hơn về an toàn giao thông chứ không nên xử phạt. Nếu bắt buộc xử phạt như hiện nay thì sắp tới có thể sẽ gây hỗn loạn thị trường cung cấp bình chữa cháy hoặc tạo tâm lý đối phó cho tài xế, chủ xe. Ông NGUYỄN HỮU TRÍ, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam: Quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Chất lượng an toàn kỹ thuật và Bảo vệ môi trường đối với ô tô hiện hành chỉ bắt buộc ô tô chở khách từ 16 chỗ trở lên và xe chở hàng... trang bị bình chữa cháy. Hiện kiểm định an toàn kỹ thuật phương tiện giao thông cơ giới đường bộ theo quy định của Thông tư 70/2015/TT-BGTVT và trong các hạng mục kiểm tra hiện nay đối với ô tô dưới 9 chỗ không có phần nào yêu cầu kiểm tra bình chữa cháy. Chúng tôi phổ biến cho các trung tâm đăng kiểm tiếp tục đăng kiểm, không bắt buộc các xe dưới 9 chỗ phải có bình chữa cháy. Việc Bộ Công an không quy định cụ thể vị trí lắp bình chữa cháy sẽ dễ phát sinh những tình huống mất an toàn. Như hướng dẫn của đại diện C66, bình chữa cháy có thể dắt vào hộc cửa xe sẽ rất nguy hiểm. Bình này có thể va chạm, dễ bị nổ; nếu bình chữa cháy lăn ra ngoài, chèn vào chân phanh sẽ lập tức dẫn đến tai nạn. S.Nhung - C.Trung - V.Duẩn ghi |