Quan hệ với Trung Quốc “vừa hợp tác vừa đấu tranh”
Nói khái quát quan điểm về biển Đông và Trung Quốc bằng cách nói dễ nghe, dễ hiểu, súc tích nhất, Thủ tướng dùng 6 chữ “vừa hợp tác vừa đấu tranh”.
Tại phiên chất vấn Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại Quốc hội chiều 19/11, đại biểu Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh) hỏi: “Từ khi Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cử tri muốn được nghe từ Thủ tướng, quan điểm về biển Đông và Trung Quốc bằng cách nói dễ nghe dễ hiểu mà lại súc tích nhất”.
Trả lời chất vấn, Thủ tướng cho rằng, với Trung Quốc hay tất cả các nước trên thế giới, Việt Nam phải thực hiện đường lối đối ngoại kiên trì nhất quán của Đảng, Nhà nước. Đó là đường lối độc lập tự chủ, hòa bình hữu nghị, hợp tác, phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ… trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền, không can thiêp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng cùng có lợi, tuân thủ các công ước chung mà hai nước là thành viên.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại Quốc hội chiều 19/11
Thủ tướng cũng nhấn mạnh trên cơ sở quán triệt đường lối này, đối với Trung Quốc hay nước nào cũng phải trên cơ sở đó.
“Với nước láng giềng Trung Quốc, dù mưa nắng hay bão lũ gì cũng là láng giềng, mãi mãi là láng giềng”, Thủ tướng nói.
Việt Nam mong muốn hai nước chân thành hợp tác để gìn giữ hòa bình, hợp tác cùng có lợi, cùng phát triển thịnh vượng, để thực hiện một cách thực chất hiệu quả phương châm "16 chữ vàng", tinh thần "4 tốt" một cách thực sự để mang lại lợi ích cho cả 2 nước.
Hai bên cũng muốn chân thành hợp tác để giải quyết bất đồng về biên giới đất liền và trên biển theo luật pháp quốc tế, công ước Luật biển 1982...
Với yêu cầu nói khái quát về quan hệ giữa 2 nước một cách ngắn gọn, dễ nhớ dễ hiểu của đại biểu Quyết, Thủ tướng dùng 6 chữ “vừa hợp tác vừa đấu tranh”.
Thủ tướng nêu rõ: “Việt Nam vừa hợp tác vừa đấu tranh để có hòa bình, ổn định, để cùng có lợi, thịnh vượng, để bảo vệ độc lập chủ quyền thiêng liêng của đất nước, bảo vệ lợi ích chính đáng của dân tộc. Theo Thủ tướng, 6 chữ đó vừa đơn giản vừa dễ nhớ nhất”.
Tại buổi chất vấn Thủ tướng, đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) đề cập việc Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động xây dựng trên các đảo thuộc Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Đó là kế sách “không đánh mà thắng” của Trung Quốc. Đại biểu Nam đặt câu hỏi: “Cử tri quan tâm đến kế sách của Chính phủ để bảo vệ chủ quyền?”.
Trả lời đại biểu Nam, Thủ tướng nói, đảo Gạc Ma và một số đảo trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc đánh chiếm năm 1988. Trong tình thế lúc đó, Việt Nam đã cùng với các nước ASEAN ký với Trung Quốc DOC về việc giữ nguyên hiện trạng, không làm phức tạp thêm, mọi tranh chấp giải quyết trên cơ sở hòa bình, không dùng vũ lực, đe dọa vũ lực.
Thủ tướng đề cập đến việc Trung Quốc bồi lấp biển mà báo chí thông tin, tại đảo Chữ Thập thành đảo lớn nhất ở Trường Sa, diện tích 49ha, lớn hơn cả đảo Ba Bình – vốn là đảo lớn nhất ở Trường Sa.
Thủ tướng khẳng định lập trường của Việt Nam là phản đối điều này vì việc làm đó vi phạm Điều 5 DOC mà Trung Quốc là một bên ký kết. Lập trường này người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần nói.
Tại hội nghị cấp cao ASEAN 25 vừa qua, Thủ tướng khẳng định, ông cũng đã nhắc lại lập trường này tại các hội nghị khác nhau trong khuôn khổ hội nghị cấp cao ASEAN 25. Đó là chủ trương, thái độ của Việt Nam.